#Lịchtrình:

Ngày mở xưởng: Thứ 6, ngày 26.06.2020

Giờ mở cửa: 3pm – 10pm

Mở xưởng kéo dài đến 9 giờ tối Thứ 7, ngày 27.06.2020.

*Một buổi trò chuyện trao đổi thân mật với Xuân Hạ về tác phẩm sẽ diễn ra từ 3pm tới 6pm ngày 27.06.2020

#Địađiểm:

Ngõ 59 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội (Cuối ngõ 59, rẽ phải, đi thẳng khoảng 500m)

Về nghệ sĩ: Xuân Hạ

#Về_buổi_mở_xưởng

“Cát trắng rải khắp các xã ven biển. Người ta xây nhà trên cát. Trồng cây trên cát. Xây khu du lịch cũng trên cát. Mộ người chết cũng chôn trên nền cát.”- Những dòng chữ vắn tắt mô phỏng đầy đủ những tác động trực tiếp do con người đến tự nhiên trên cùng một vùng đất. Buổi mở cửa xưởng lần này là chặng đầu tiên mà Xuân Hạ khởi xướng trong chuỗi hành trình cảm thức tìm về một nơi chốn – một hành trình làm việc luân phiên giữa trải nghiệm cá nhân và những chất liệu bên ngoài, giữa những biến thể tồn tại trong ký ức được đối chứng với hiện thực.

Bắt nguồn từ sự rung cảm tế nhị trước những ngôi mộ trên nền cát trắng bạt ngàn đã dẫn Xuân Hạ tiếp cận sát hơn với thực tế về sự khai thác cát trắng ở quê hương cô (Thăng Bình, Quảng Nam); với mục đích sản xuất thuỷ tinh và xuất khẩu sang các nước phát triển – qua đó soi chiếu những ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp của nó đối với đời sống tinh thần lẫn vật chất của người dân địa phương. Lang thang, nhặt nhạnh những chai thuỷ tinh trôi dạt từ nhiều nguồn khác nhau mắc cạn trên cùng một khu vực; nghệ sĩ mường tượng về một câu chuyện tưởng chừng hư cấu nhưng khả thể, rằng là một chuyến hành trình trở về cố hương đầy khắc khổ. Sau tất cả, những chủ nghĩa khai thác/chủ nghĩa tiêu thụ rải khắp các xã ven biển, người ta xây “chủ nghĩa” trên cát, trồng “chủ nghĩa” trên cát và mộ “chủ nghĩa” cũng chôn trên nền cát. Ý niệm “Nắm cát tha hương” cũng bắt nguồn từ đời sống văn hoá người dân miền Trung gắn bó đời mình với những rú cát, từ những hạt cát vương trong kẽ dép cho đến bát lư hương cát trắng trên bàn thờ. Ở đây, cánh cửa thông linh cho hai bờ thế giới lại chứa đựng loại tài nguyên hữu hạn, vô phương tái tạo.

Bộ tác phẩm đơn thuần tập trung vào hành vi thử nghiệm chất liệu, biến đổi hình thể lẫn ý niệm trên những chai thuỷ tinh mà Xuân Hạ thu nhặt được. Mang âm hưởng của một cuộc hành trình bán hư cấu, cô cho phép người xem được tự do thâm nhập/khai thác từ ngóc ngách riêng tư đến công cộng bằng cách sử dụng không gian trưng bày lẫn không gian cá nhân trong thời kỳ lưu trú, cùng với cách sắp đặt rải rác tác phẩm- ngẫu nhiên, nhằm tái hiện lại những khung cảnh mà cô đã chứng kiến, những ngôi mộ lác đác trên nền cát trắng nắng khô khan, những chai thuỷ tinh ngổn ngang trên bờ biển ẩm ướt, dẫn dắt tất cả chúng ta hồi hương về miền suy tưởng.