mê cung và cõi tiên

Giới thiệu các tác phẩm của Síu Phạm, Đỗ Văn Hoàng, Jean-Luc Mello, Nguyễn Phương Linh

Những người nghệ sĩ, bỗng một ngày, thấy bản lề thời gian xệ xuống, họ bước vào, đi mãi, đi mãi, không cùng đích, chợt nhận ra đây là mê cung và giống hệt những gì thần Nghệ đã từng hứa hẹn về cõi tiên.

Cõi tiên này không sung sướng, ngàn vất vả, chỉ là những hứa hẹn một bồng lai nào khác còn xa xôi mà những khúc rẽ chỉ lại mở ra một sự mênh mông khôn cùng, lại hệt như trò chơi mê cung của những ngày thơ ấu mà phần thường là hạnh phúc cuối con đường-thoát.

Ở ngưỡng cửa của sự ngộ, những người nghệ sĩ ấy, muốn quay lại điểm ban đầu để tìm lại cánh cửa đã xệ bản lề của thời gian.

Hạnh phúc đã thoát rồi.

Những bộ phim không phân biệt thể loại, tài liệu, hình ảnh động hay hư cấu, chúng đã thông sang nhau như cõi tiên đã thông vào mê cùng. Ai biết được đây có phải là một bộ phim hay không.

Síu Phạm cùng Jean-Luc Mello và Đỗ Văn Hoàng, Kẻ đi tìm hình ảnh và mụ phù thủy (2022) | 13:00

Một anh lính bằng chì phải nhận nhiệm vụ đi tìm hình ảnh, lạc vào mê cung, không lối ra…không biết mình đang tan chẩy trong vũ trụ.

Đỗ Văn Hoàng, Bướm và Nhồng (2023) | 25:00

Có lần nhồng nằm mộng thấy mình hoá bướm vui vẻ bay lượn, thật tươm, còn biết chi. Bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là nhồng. Không biết phải mình là nhồng nằm mộng thấy bướm hay là bướm mộng thấy hoá nhồng. nhồng với bướm tất có chỗ khác nhau, nhưng nhảy nhót với nhau. 

Síu Phạm, Nuốt Một Thiên Thần (2009) | 47:00 

Một cơ thể và bốn mùa: Thu, Đông, Xuân và Hạ

Lơ lửng trong không trung, treo ngược đầu mình

Mỗi mùa 7 ngày,

Mỗi ngày một cửa sổ,

Đơn phương trần trụi, không đếm xỉa thời tiết … và sự thờ ơ của người xem.

Nguyễn Phương Linh, Cuộc gặp gỡ (2021) | 17:00

Các nhân vật nam bị cuốn vào nhiều tình huống và cử chỉ khác nhau, đối mặt nhau trong một mê cung không có thật, giữa một khung cảnh hoang vắng của biển, đất và muối. Người thì chạy như bị rượt đuổi, không thấy đích đến, người thì già đi trong chính ngôi nhà của mình, người thì dò dẫm tìm cách thả mình vào cái lỗ đen phập phồng bằng vải, người thì hút thuốc, người thì ngâm thơ thất tình, người thì ủ rũ trong sầu muộn, và người thì tập thể dục. Tất cả đều được bao bọc dưới thi thể của một người phụ nữ không mặt. Bố của Phương Linh khi còn trẻ gặp lại chính mình trong trình diễn này. Sắp đặt kết hợp các màn trình diễn tương tác của cha nghệ sĩ, người bạn thân của ông và các nghệ sĩ khác từ Nhà Sàn Collective, Sao La Collective và Phụ Lục.

Síu Phạm, Lời hát vu vơ (2020) | 8:00

Một hôm trở lại Saigòn, một người đi xa tìm lại được bạn bè bên bàn nhậu. Họ cùng ca hát. Người đi xa tưởng như mình chưa bao giờ ra đi.

Đỗ Văn Hoàng, xuất xứ Hải Phòng, xuất thân trường Sân Khấu Điện Ảnh – Hà Nội, làm phim.

Síu Phạm sinh tại Hà Nội, từng theo học triết học, nghệ thuật, sân khấu và điện ảnh. Từ năm 1990, cô làm việc ở Geneva (Thụy Sĩ) với tư cách đạo diễn kịch hình thể hiện đại. Năm 2011, cô thực hiện phim truyện dài đầu tay Đó hay đây? và tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc). Tác phẩm thứ hai, Homostratus – Căn phòng của mẹ (2013) đạt giải Best Unique Vision Award của Liên hoan phim Queens World (Mỹ). Bên cạnh các phim dài như Con đường trên núi (2017), Vào đời (2019), Síu Phạm cũng thực hiện nhiều phim tài liệu ngắn khác.

Sinh năm 1943 tại Thụy Sĩ, Jean-Luc Mello là giáo sư ngành in ấn nghệ thuật và thiết kế tại Trường Mỹ thuật Ecal ở Lausanne. Ông bắt đầu vẽ tranh từ năm 18 tuổi đến nay và đã triển lãm tại Paris, Genève, Lausanne, Neuchâtel trong những năm 1990-2009. Ông kết hôn với Síu Phạm năm 1990 và đã cùng bà thực hiện nhiều phim tài liệu tại Thụy Sĩ. Họ đã hoàn thành hai bộ phim truyện Đó… hay đây? (2011), Homostratus – Căn phòng của mẹ (2013), Con đường trên núi (2017) và Vào đời (2019).

Thực hành của Phương Linh Nguyễn gồm video, sắp đặt và điêu khắc. Tác phẩm của cô chiêm nghiệm về sự thật hữu hình/vô hình, hình dạng và thời gian, trọng lượng và khoảng rỗng, truyền tải cảm giác bao trùm về sự biến vị, sức chịu đựng và tính phù du. Phương Linh Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Nhà Sàn Studio – nơi là nhà của cha cô, được coi là một trong những không gian hoạt động phi lợi nhuận do nghệ sĩ điều hành lâu đời nhất tại Hà Nội. Năm 2013, cô đồng sáng lập và kể từ đó đồng điều hành Nhà Sàn Collective với những người bạn nghệ sĩ thân thiết của mình. Họ cùng nhau tham gia Documenta 15 do Ruangrupa giám tuyển vào năm 2022. Các tác phẩm của Phương Linh đã được giới thiệu trong nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, bao gồm Asian Pacific Triennial (2021), Singapore Biennale, Kuandu Biennale, Shanghai Biennale (2016) và HIWAR Darat Al Funnun Jordan (2014). Cô đã giành được Giải thưởng Han Nefkens Foundation-BACC cho Nghệ thuật đương đại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.