#LỊCH TRÌNH:

10:00 – 18:00, 27/8 – 29/8
Mở cửa // Opening hours
16:00 – 18:00, 27/8 — 29/8
Giờ sung sướng cùng // Happy hours with Cù Rú
15:00 – 18:00, 27/8
Nước mát cùng // Cooling water with Kai Nguyễn

#ĐỊA ĐIỂM:

3năm studio (Quận 2, TP.HCM): Vui lòng gửi tin nhắn cho Á Space hoặc 3Năm Studio trên Facebook hoặc Instagram để được chỉ đường.

#LỜI CẢM ƠN:
Linh Lê muốn gửi lời cảm ơn 3năm studio, Cù Rú, Ngô Đình Bảo Châu, Hoài và Rab vì đã đồng ý trở thành một phần của sự kiện này không lưỡng lự; và Vân Đơ vì sự ủng hộ và cổ vũ của cô ấy. Linh cũng thấy cảm kích hết sức vì cuộc tranh luận nảy lửa (nhưng vẫn nhã) và lướt khướt hồi tháng 7 rồi với Bill Nguyễn và Vân Đơ, cũng là lí do thúc đẩy Linh tổ chức sự kiện này.
Á cảm ơn Linh Lê vì sự quả quyết hiếm thấy và các pha xử lí tình huống xuất sắc, 3năm studio (đặc biệt là Liên, Đạt và Kai) vì đã chào đón ý tưởng và nhiệt tình hỗ trợ dù đang lu bu chuyển nhà, Đỗ Hà Hoài và Rab vì đã dũng cảm nhận lời mời này và chị Ngô Đình Bảo Châu và Cù Rú vì tinh thần người Sài Gòn bất diệt.
 
#TIỂU SỬ: 
Đỗ Hà Hoài (sn.1994, Gia Lai) là nghệ sĩ điêu khắc hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, Hoài miệt mài lao vào những thử nghiệm về tạo hình, chất liệu trong các tác phẩm điêu khắc của mình. Cho đến nay, Hoài được biết đến nhiều qua hai bộ tác phẩm ‘Bánh mì-hoa hồng’ và ‘Dị ứng’, xuất phát từ chính việc anh bị dị ứng với bánh mì. Qua việc thể hiện trạng thái dị ứng của con người với nhiều cấp độ khác nhau, Hoài đào sâu vào sinh lý tâm thần học của xã hội, và những hiệu ứng của nó đối với anh, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Rab (sn. 2000, TP.HCM) là một nghệ sĩ đa phương tiện hiện đang sinh sống, làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Những thực hành của Rab thường xoay quanh mối quan hệ, ký ức và tính thiêng đang tồn tại trong tinh thần cũng như vật chất xung quanh. Cô có xu hướng tìm về những trải nghiệm nguyên thủy để khai thác tính thân mật của chất liệu tự nhiên trong đời sống tinh thần của con người.

Từ lúc bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật, Ngô Đình Bảo Châu đã làm việc với nhiều chất liệu từ chiếu, thép, bê tông, tới trúc chỉ, một vật liệu giấy mới lạ được làm từ bột nhuyễn của tre, bắp, hoặc bèo. Thực hành của cô xoay quanh các nghiên cứu về cuộc sống đương đại Việt Nam; cô tái định vị nhiều vật phẩm và hình ảnh với mục đích khai thác tính đối ngẫu và những căng thẳng trong xã hội. Trong bộ tác phẩm mới nhất, Ngô Đình Bảo Châu sử dụng biểu tượng như một phần của ký ức tập thể, và đặt chúng vào không gian nhà vô thực. Qua các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện, nghệ sĩ truyền tải sức mạnh của phép lặp, và khám phá những tương quan giữa cái công cộng và cái riêng tư.

Kai Nguyễn (sn. 1998, Trà Vinh) là một nghệ sĩ đa phương tiện sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Thực hành của họ tập trung vào tính thi ca của hình ảnh (động), không gian và cây cỏ. Tác phẩm của Kai xuất hiện trên AAWW, AJAR Press, The Factory Contemporary Arts Centre, Matca và sắp tới đây trên Van +. Năm 2022, Kai đồng sáng lập 3năm studio, một chốn nơi các nghệ sĩ chia sẻ quá trình của họ, và tổ chức các sự kiện cộng đồng. Từ năm 2019 đến 2022, Kai thực hiện Invisible Space, một cộng đồng dành cho các nghệ sĩ trẻ. Trong thời gian giãn cách xã hội, họ tạo nên một nhật ký tập thể có tên “Bí mật thời gian bị mất” như một phần của loạt workshop trực tuyến kéo dài trong 10 tuần.

Từ tháng sáu năm 2019, Cù Rú chuyển lên Đà Lạt. Với không gian hơn 700 mét vuông có một quầy bar, một thư viện, một vườn, một bếp và một không gian làm việc, mục tiêu của chúng tôi là mở rộng những cơ hội hợp tác giữa nghệ sĩ và nhà nông, kỹ sư, nhà thực vật, người bảo tồn thiên nhiên… Bởi có được sự hậu đãi của Đà Lạt, một vùng đất với bề dày phong phú về lịch sử, văn hoá, dân tộc học, kinh tế và nông lâm, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và giám tuyển có thể tìm thấy cảm hứng cũng khởi nguồn cho dự án của họ ở đây. Cù Rú hiện nay còn tổ chức chương trình lưu trú và trao đổi dành cho tất cả nghệ sĩ, giám tuyển và nhà nghiên cứu.

Linh Lê là một giám tuyển và người nghiên cứu độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh. Quan tâm của Linh xoay quanh việc khám phá những (bất) khả thể của lưu trữ và các đường hướng khác. Đặt cộng đồng địa phương ở trọng tâm thực hành của mình, Linh thường mở rộng công việc giám tuyển đến những chiều kích khác như xuất bản, thảo luận, workshop và giảng dạy. Một số dự án trước đây của Linh gồm ‘Chợt Mộng Tan’ (2022, Á Space); ‘Phòng Đoán’ (2022, Galerie Quynh); ‘Tất cả khởi hành’ (2023, Galerie Quynh) và ‘Rồi sẽ đến lúc’ (2023, Á Space).

 

#CHƯƠNG TRÌNH
 
Á vui mừng giới thiệu chuyến chu du đầu tiên vào Sài Gòn trong một đề xuất cùng thực hiện với người cộng sự lâu năm Linh Lê và người bạn mới quen 3năm studio với tựa ‘Hợp xướng, tậm tịt’, với sự tham dự của Đỗ Hà Hoài, Rab, Ngô Đình Bảo Châu, Kai Nguyễn và Cù Rú Bar.
 
“‘Hợp xướng, tậm tịt’ là một tổ hợp kỳ quặc gồm những thử nghiệm nghệ thuật mới cùng những trải nghiệm bông lơn được ra đời từ sự ngẫu hứng. Mặc dù cả sự kiện này tiệm cận với giả định của những gặp gỡ tình cờ, mỗi thành tố trong đó đều thể hiện một quá trình suy tư có chủ đích và là kết quả của lao động nghiêm túc.
 
Kể từ năm 2018, điêu khắc gia trẻ và cần mẫn Đỗ Hà Hoài đã thử nghiệm không ngừng nghỉ với đề tài ‘dị ứng’ cùng nhiều chất liệu, quy mô và phom dạng như một cách thức để nắm bắt lấy những phản ứng thô và bản năng của cơ thể đối với những thay đổi chóng mặt của đời sống. Trong loạt tác phẩm mới nối tiếp sê-ri ‘Dị ứng’, Hoài thử phác thảo bản đồ tương lai của 3năm studio — hay những dự phóng của 3năm khi họ rời khỏi không gian này, sớm thôi. Lời tiên tri của cậu hiện ra dưới hình hài của những bộ phận cơ thể người xoay, thở, lộn, hét, và làm thinh, ôm trọn lấy khu vườn màu mỡ một lần cuối.
Rab kể câu chuyện về nguồn gốc huyền thoại về loài người dựa trên hình tượng Đấng sáng tạo là người thợ thủ công còn chúng ta là những tạo tác của người. Trong một bảo tàng hư cấu kéo dài miên man vô tận, Rab dẫn ta qua quá trình tạo thành của con người. Một quá trình cũng như bao quá trình sản tạo khác đòi hỏi vô vàn sự thử sai.
Mặc dầu không vừa vào hạng mục nghệ sĩ trẻ (bởi nghệ sĩ này đã từng triển lãm rộng rãi ở cả trong nước và quốc tế), thăm lại tác phẩm video năm 2015 của Ngô Đình Bảo Châu là điều cần thiết. Một ván cờ trong đó các quân cờ được thay thế bằng những bức tượng thạch cao không sơn hình các con vật hoạt hình dễ thương. Thắng thua là vô nghĩa và không thể, nhưng nỗi kinh hoàng trong tim mới là điều thắng thế.
 
Một sự kiện để giới thiệu những gương mặt mới của nghệ thuật Sài Gòn, ‘Hợp xướng, tậm tịt’ cũng là sự kiện cuối cùng 3năm studio thực hiện tại địa điểm này. Để kỷ niệm dấu mốc này, Kai Nguyễn — một nhiếp ảnh gia, một thành viên tập thể 3năm studio, một người yêu thích cây cối — mong muốn sẽ bắt đầu một cuộc hội thoại về cỏ tranh trong tương quan với cảnh quan thay đổi của một Sài Gòn đang đô thị hoá thông qua nước mát. Từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, Cù Rú chắc chắn sẽ khiến những ký ức cuối cùng của chúng ta ở nơi này trở thành những ký ức đẹp với những ly cốc-teo lấy cảm hứng từ dịp này.
 
“Toàn bộ con người về bản chất đều muốn biết” là cách mà Aristotle mở đầu trong chương đầu tiên của tác phẩm ‘Siêu hình học’ của ông. Câu này, vừa dẫn người đọc qua mạng lưới chằng chịt những ý tưởng triết học mà họ có lẽ cả đời sẽ không bao giờ hiểu (bản thân người đang viết cũng là một trong số đó), vừa diễn đạt sắc nét bản chất con người: muốn biết và vì thế muốn kiểm soát. Mặc cho những nỗ lực giữ cho mọi thứ ngăn nắp, sự rò rỉ vẫn xảy ra hay ở Việt Nam, người ta nói: “Người tính không bằng trời tính”. ‘Hợp xướng, tậm tịt’ muốn xem xem điều gì sẽ xảy ra nếu ông trời và con người cùng hợp lực tính toán.”
— Linh Lê, giám tuyển.