Thư trao đổi giữa Bill Nguyễn và Vân Đỗ trong khuôn khổ triển lãm nhóm ‘Hẹn thư sau
Dịch sang tiếng Anh: Phương Anh


Thứ Ba 04/01/2022

Chào bạn, mình lại đang ngồi viết cho bạn đây? Hình như cũng một năm trước mình cũng đang ngồi trả lời thư bạn cho triển lãm điêu khắc, triển lãm đầu tiên bạn và mình làm việc cùng nhau. Mối quan hệ giữa bạn và mình liên tục hoán đổi vai trò thì phải, lúc là thầy-trò, lúc là đồng nghiệp, lúc là nghệ sĩ-giám tuyển, lúc là giám tuyển-giám tuyển, lúc là bạn bè?

Bạn có bảo muốn kể thêm với mình về ‘không gian rỗng’ vì bạn hơi ngượng để tự bối cảnh hoá thực hành của bản thân? Vậy hãy để mình. Mình nhớ là trong những trình diễn đầu tiên bạn thực hiện ở Anh [bạn có thể cho mình xin vài cái ảnh bên dưới đây?] bạn dùng tới một dạng không gian âm mà ở trong tác phẩm đó bạn giấu mình đằng sau tấm vải, không để lộ hiện diện của nghệ sĩ – là bạn – trong suốt quá trình trình diễn. Nhiều nhất người xem chỉ có thể đoán được thông qua đường nét cơ thể bạn hằn lên trên tấm vải mỏng, tạo nên những hình khối chuyển động như bạn nói là những điêu khắc. Trong tác phẩm lần này Forget me not (1956-ongoing), có phải bạn cũng đang tự tham chiếu chính mình: bạn dùng sơn khác màu với sơn sẵn hiện tại của không gian Á để tạo ra một khối rỗng nằm trong lòng không gian triển lãm, với mình vừa giống như một không gian hõm vào hoặc bị cắt mất khỏi không gian chính của triển lãm, vừa như một sân khấu nằm ngay giữa triển lãm (vị trí chiếu tướng người xem ngay khi họ bước vào cửa Á), và một lần nữa bạn cũng không xuất hiện trong triển lãm với cơ thể vật lý của mình, nhưng người xem cũng có thể cảm nhận được hiện diện của bạn, đó là thông qua những gì bạn chọn trưng bày và khung khổ bạn áp lên tác phẩm. Tương tự mình cũng nghĩ tới trình diễn Yoga Cười (IN:ACT 2011 ở nhà nghệ sĩ Nguyễn Minh Phước), bạn mời một thầy dạy yoga cười để dạy cho các nghệ sĩ tham gia IN:ACT năm đó cách tự cười mình. 

Mặc dù chia sẻ một số thủ pháp cũ, có một thứ mình thấy khác hẳn trong lần này: bạn để lộ rõ hơn tính tự truyện trong tác phẩm này, tuy những yếu tố tự truyện đó cũng được xử lý như một dạng hư cấu.  

Thứ Năm 06/01/2022

Chào Vân,

Lại một lần nữa mình viết cho nhau, nhưng lần này với tâm thế khác: không còn là hai curators với trọng trách phải diễn giải hay kết nối với công chúng, giờ mình nói chuyện với nhau như những người bạn.

Đối với mình, ‘không gian rỗng’ là một chất liệu đã gắn bó với thực hành từ lâu. Nó song hành với những kiểu không gian khác mà mình quan tâm và sử dụng trong sáng tác: không gian âm bản (trong phim và ảnh), không gian kết nối (giữa một công năng này với một công năng khác trong kiến trúc, chẳng hạn chiếu nghỉ, cầu thang, gầm cầu thang, hành lang, ban-công…), không gian tĩnh (đặc biệt là trong trình diễn. ‘Tĩnh’ ở đây không có nghĩa là không tồn tại cử động hay âm thanh; mà có nghĩa là sự trình diễn không biểu diễn, hoặc trình diễn mà như không: chẳng hạn như thở, đứng, ngồi, xăm, gội đầu, hay như bạn có nhắc, cười). 

‘Không gian’, là bởi các trình diễn của mình đều bắt nguồn với ‘nơi chốn’, bao gồm địa điểm, ngữ cảnh, ngoại cảnh, tâm thế.  ‘Rỗng’, là bởi mình chưa bao giờ thấy đủ, đầy, đúng. Và như thế, ở nơi chốn của một trình diễn này, mình được là/làm/lấp đầy một phần nào đó của bản thân; và ở nơi chốn của một trình diễn kia, mình lại được là/làm/lấp đầy một phần khác của bản thân.

Một cách giải thích rất riêng tư đúng không? (và ngay lúc này, cũng chưa nối mạch được với những gì bạn diễn giải về lựa chọn tạo ra không gian trưng bày rỗng trong tác phẩm lần này của mình; có lẽ thư sau sẽ quay lại). Nhưng đại khái, mình đến với trình diễn vì đó là điều bắt buộc. Mình không chọn nó – nó chọn mình. 16 tuổi, sống ở nơi xa lạ, mặc cảm trước sự thiếu hiểu biết về thế giới, đầu óc liên tục vấn đề tâm lý, các bản ngã liên tục giành chỗ nhau…, trình diễn cho mình tự do, không bị bó buộc bởi đào tạo hàn lâm, giúp mình học được nhiều điều hơn về thân thể mình, về căn tính mình, và về cái tôi của mình trong mối tương quan với cái tôi của những người khác, với (các) văn hoá (khác), (các) xã hội (khác). Nhưng cũng vì thế mà luôn tồn tại trong mình và trong trình diễn của mình những đối lập. Trình diễn vì muốn thấu hiểu hơn về loài người, nhưng cũng là để trốn chạy. Trình diễn vì muốn phô bày, làm hiển lộ, được nhìn thấy, nhưng cũng là để giấu diếm, gói ghém. Trình diễn vì muốn lên tiếng tuyên ngôn, nhưng cũng là để chôn chặt, làm câm lặng những gì không thể nói. Trình diễn vì muốn lôi hết ruột gan ra mà bày, nhưng cũng là để bồi đắp tường thành, không cho ai cơ hội gây tổn thương. 

Trái: Finders Keepers, Losers Weepers 2009. Phải: Chuỗi Hide or Seek 2008

Thực ra, trình diễn của mình luôn là những tự truyện rất cá nhân, và bởi cá nhân nên mình luôn gắng chọn những cách thể hiện có khả năng tạo ra khoảng cách với người xem. Chuỗi trình diễn Hide or Seek hay Finders Keepers, Losers Weepers mình làm khi còn là  sinh viên người Việt ở Anh, xoay quanh cặp hành động trốn-tìm giữa kẻ là số ít ở một cộng đồng mình mãi-không-thuộc-về, nhưng lại luôn nhận diện với/identify with chính nơi chốn đó. Ai phải trốn, trốn khỏi ai, trốn khỏi điều gì? Ai muốn được tìm thấy, muốn được chấp nhận, muốn được trở thành một phần? Trong những tác phẩm này, đôi khi mình xuất hiện, đôi khi thứ đại diện cho mình xuất hiện (chẳng hạn như tiếng thở của mình, hay điêu khắc mềm/soft sculpture mang kích thước thật với cơ thể mình). Nhưng đó là một sự xuất hiện nửa vời, luôn né/ẩn đằng sau những bức tường, giữa những mành rèm, dưới những sàn nhà, và luôn ở những nơi chốn rỗng, giữa, tĩnh mà người ta thường không để ý. Trình diễn cứ diễn ra vậy thôi, trong những khoảng thời gian rất dài (cho tới khi không còn người xem), trong im lặng, không cử động cũng chẳng tương tác.

Lần này cũng vậy, với Forget me not (1956-ongoing), mình coi nó là một trình diễn tưởng tượng, nhưng dựa trên một cảnh huống có thực, rất cá nhân (có lẽ tới mức đáng sợ). Và có lẽ vì thế mà mình chọn trú ngụ trong hư cấu?

Chủ nhật 09/01/2022

Có lẽ ý mình là, vì biết bạn, nên mình không thường thấy bạn thoải mái chia sẻ những thông tin riêng tư như thế về bản thân, ở một nơi tương đối công cộng, phô bày với những người lạ. Và nhất là vì biết bạn và mối quan hệ của bạn và bố nên mình càng thấy bất ngờ hơn. Mình thấy lần này, cách bạn nhìn bố (và cả mẹ, thậm chí là Sói nữa), vừa tình cảm, vừa xa cách, vừa chăm chú lại gần nhưng cũng giữ khoảng cách, vừa bất lực và chọn không tham gia nhưng cũng vừa thấy hài hước trong cách những người thân của mình xoay xở với một tình huống có thực. Cũng có thể đấy là cơ chế đương đầu với những việc khó lý giải xảy đến với bạn, để làm sao nó hợp lý với bạn? Và mình nghĩ nó cũng đúng với những gì bạn vừa nói bên trên về trình diễn và ý nghĩa của nó với bạn. 

Bạn có thể kể thêm với mình về bố và Sói không? Mình nghĩ bố bạn, bạn và Sói có nhiều nét rất giống nhau nếu nhìn qua ảnh sẽ nhận ra ngay. Tại sao lần này bạn lại chọn phủ lên những sinh hoạt hàng ngày của bố bạn, nhất là khi bố không còn nhiều trí nhớ, tận hai lần hướng dẫn/kịch bản, một lần của mẹ và một lần của bạn?  

Chủ nhật, 09/01/2022

Chào Vân,

Chữ, lời, thơ, thư, những ghi chú, những hướng dẫn và sau này là những kịch bản – bằng một cách nào đó, những đơn vị/thể dạng khác nhau của ngôn ngữ liên tục xuất hiện trong các thực hành và tác phẩm của mình. Khi thì được viết xuống đất, dán lên tường, đóng khung treo; khi thì được ghi lại dưới dạng âm thanh hoặc video, nhưng có lẽ hình thức cho mình cảm giác tự do nhất, là khi ngôn ngữ được nói ra, chia sẻ, và chỉ tồn tại trong khoảnh khắc riêng tư của những cuộc hội thoại. Không tư liệu hoá, không ghi chép, chỉ có trí nhớ của những người tham gia là nhân chứng duy nhất. Và bạn biết đấy, sự hồi tưởng, gắng gượng nhớ lại những gì đã qua, luôn đi kèm cả với những mơ màng của trí tưởng tượng. 

Những hướng dẫn của Yoko Ono (hay như mình thích gọi là những đề xuất cho tương lai) đóng vai trò như một dẫn nhập về trình diễn quan trọng đối với mình. Thử đọc hai hướng dẫn này của Yoko:

Hẳn sẽ có người nghĩ “Viết viển vông thế này, ai chẳng viết được.” Nhưng đối với mình, sự kiệm lời đến tinh giản lại chính là mấu chốt để trí tưởng tượng được tỉnh dậy. Ở đây, trình diễn cắt đứt mọi mối quan hệ với cơ thể (của người nghệ sĩ và người xem), với không gian, thời gian, vật chất. Thay vào đó, trình diễn được cô đọng thành những nét mực trên giấy, chỉ sống lại khi có người đọc. Mắt họ dõi chữ, não họ tạo nghĩa. Trình diễn vì thế được hoá kiếp thành những vạt hình ảnh, những dòng suy nghĩ viển vông, nên thơ (hoặc gọi là sến cũng được), tồn tại ở khắp nơi, vào bất kỳ thời khắc nào người xem mong muốn triệu hồi. Tính trình diễn của chữ, mình tin, có thể thay đổi thế giới. 

Đấy, cái ‘duyên’ của mình với những hướng dẫn trong trình diễn đã diễn ra như thế. Còn với tác phẩm lần này, mình sử dụng hướng dẫn bởi cả một vài lý do khác. 

Đối với mình, bố là một vĩ nhân, được cuộc đời gò đúc mà nên. Sinh ra trong một gia đình nhiều anh em, ông là người sáng dạ nhất, theo học Tây Y, bỏ ngỏ giữa chừng khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp học vấn, qua học Đông Y bởi bố ông mất và khả năng đứt gãy nghề thuốc Bắc gia truyền chực chờ đe doạ. Trong kí ức của mình, ông làm việc quần quật từ sáng tới đêm, một tay tiếp nối di sản của gia tộc, kiếm tiền nuôi cả chục miệng ăn. Công việc của ông luôn đi kèm với những bài chẩn đoán bệnh, những đơn thuốc – liên tục nói, liên tục giải trình, liên tục ghi chép, cho và vì người bệnh. Ông, theo một cách nào đó, trao cho họ những hướng dẫn để cải thiện cuộc sống, để tiếp tục cuộc đời. 

Để rồi, khi bản thân ông trở thành một người bệnh, thì mẹ lại trở thành cứu nhân vững vàng nhất, mạnh mẽ nhất, rộng lượng nhất mà mình từng gặp.  Mình không nghĩ đó là 1 quyết định dễ dàng đối với mẹ, khi bà phải chọn lựa tạo tác ra thứ không gian ảo ảnh để giữ chân bố trong đó. Giam cầm hay bảo vệ? Đôi khi là cả 2 thứ 1 lúc. Về phía bố thì sao? Chẳng ai có thể hiểu nổi đầu ông đang nghĩ gì, tim ông đang cảm thấy gì. Đối với ông, ngày nào cũng là ngày mới, ngày nào cũng là ‘hôm nay’. Ông thực sự sống trong hiện tại, nơi thời gian không trôi. Còn sau cánh cửa phòng ông, mỗi ngày là một ‘cuộc chiến’ day dứt đối với mẹ. Có lẽ sau nhiều thập kỷ nữa mình mới có thể bắt đầu hiểu thứ tình nghĩa tồn tại giữa bố và mẹ. Nhưng ngay lúc này, mình có thể cảm thấy nó trong những dòng chữ mẹ viết tay trên bảng nội quy cho bố, trong thế giới tưởng tượng mẹ gây dựng vì bố – đong đầy cả sự phi lý lẫn sự đùm bọc. Mẹ (mà cũng là đại diện của bao người phụ nữ khác) quật cường tới mức đời sẽ còn tiếp tục phải ngả mũ. Và mẹ, theo một cách nào đó, cũng đang trao cho bố những hướng dẫn để cải thiện cuộc sống, để tiếp tục cuộc đời. One day at a time. 

Mình nghĩ, cũng vì những điều rất riêng tư trên, mà dạng thức hướng dẫn/kịch bản là quan trọng cho tác phẩm lần này. Bởi, việc đặt một khoảng cách xa thật xa thật xa thật xa giữa người xem và tác phẩm là cần thiết. Vì, trên hết, mình làm tác phẩm nhưng có nghĩa là mình cũng đang sống với nó, với bố – với mẹ, với những người khác trong vở kịch kéo dài này. Sự hư cấu hoá cũng cốt là để cho dễ thở hơn, bởi mình hiểu, rồi cũng sẽ tới ngày tác phẩm (phải) kết thúc. 

Thứ tư, 12/01/2022

Chào bạn,

Thật hay là bạn lại nhắc tới bản hướng dẫn như một phương tiện không chỉ mẹ bạn, bạn mà chính cả bố bạn cũng từng sử dụng nhiều trong công việc của ông như một người chữa bệnh cho người khác. Mình nghĩ về tất cả những dạng thức hướng dẫn, quy định, luật lệ đang tồn tại để quản trị cuộc sống của con người, đôi khi những bản hướng dẫn đó do một thể chế, hệ thống tạo dựng lên để áp đặt người tham gia vào hệ thống đó phải làm theo, tạo thuận lợi cho cho việc quản lý và kiểm soát, nhưng nó cũng có thể là những bản hướng dẫn hết sức cá nhân, như mẹ bạn viết ra cho bố bạn chẳng hạn. Một lần nữa mình nghĩ, như mình từng nói với bạn về tác phẩm Lê Vũ Cha con đọc truyện Kiều, với mẹ bạn, mình cũng nghĩ tới một thực hành quyền lực vừa áp đặt vừa yêu thương, đến từ mong muốn được bảo vệ và tất nhiên cả kiểm soát nữa. 

Mình nghĩ đến mối quan hệ của những người tham gia vào xây dựng và khiến một dạng ‘bản hướng dẫn’ trở nên có hiệu lực: nó tốt cho ai và ai cần tới nó? Thường là một người có quyền lực cao hơn áp đặt lên một người ít quyền lực hơn cách mà họ muốn vận hành một thứ gì đó và ‘bản hướng dẫn’ ra đời để điều phối mong muốn chủ quan đó. Như cách bạn muốn người xem xem CCTV quay bố bạn theo cách bạn muốn, bằng cách áp đặt một framework về durational performance cho đoạn video dài 24 tiếng đó. Và mình nghĩ xem người xem có thể trốn khỏi cách nhìn đó của nghệ sĩ không nếu họ muốn, bằng cách tự tổ chức lại những yếu tố bạn đưa ra nhưng theo một logic của họ? Vì luôn luôn, một bản hướng dẫn luôn là để tuân theo nhưng cũng là để kháng cự.

Nhưng mình nghĩ hẳn là ‘bản hướng dẫn’ còn thực hành quyền lực lên chính người tạo ra nó nữa, bạn có nghĩ vậy không? Chẳng hạn với những người dễ bị bất an như mình thì ‘bản hướng dẫn’ ở một dạng nào đó sẽ có ý nghĩa an ủi, trấn an, nói với mình là mọi việc sẽ ổn thôi, mọi thứ đều đang có chỗ của nó…

Một lần nữa mình nghĩ bạn lại đang nói tiếp với mình về tính biểu hành và quyền lực của văn bản và ngôn ngữ, và chuyện này mình với bạn đã nói với nhau trong thư trước khi nói về tác phẩm của Lê Hiền Minh, Thảo Nguyên Phan và Điềm Phùng Thị 🙂 

Thứ năm, 20/01/2022

Chào Vân,

Ngay lúc này đây khi mình đang viết những dòng này, Sói đang xem tác phẩm mình làm về bố mình (gửi người đọc lạ: Sói là cậu bé có chân dung xuất hiện trong những bức ảnh thuộc tác phẩm Forget me not (1956-ongoing)), còn mình thì đang xem những hình ảnh live do bạn chụp Sói và share với mình qua Facebook. Ba thế hệ, bằng cách này hay cách kia, đang ‘live’ trong cùng một trục không-thời gian (dù ảo hay thật).

Live/live – Trực tiếp/sống. Chỉ qua ví dụ nhỏ này thôi cũng đủ để thấy sức mạnh của ngôn ngữ. Hai từ viết y hệt như nhau, có thể ngay lập tức thay đổi nội dung, tuỳ vào các hoàn cảnh khác nhau. Ba/ba – Father/number 3. Má/má – Mother/cheek. Tám/tám – Gossip/number 8. Content/content – An bình/Nội dung. Đối với mình, ngôn ngữ là nguồn cảm hứng vô tận. Chỉ bằng cách đặt các từ ngữ cạnh nhau, mình có thể trở thành kẻ chỉ huy, ra hiệu và điều phối trí tưởng tượng của người đọc. Mặt khác, bản hướng dẫn (hay video chiếu CCTV camera của ngày 21/04/2021; hay những bức ảnh chụp bảng ‘nội quy’ mẹ mình viết, với đôi chỗ chênh lệch nội dung; hay chân dung của Sói xuất hiện ở góc ảnh hay đồ vật trên bàn thay đổi; hay màu sơn Jotun mang tên Secret Garden, phủ tường và phủ sàn; hay những chiếc khung màu trắng dày và chắc nịch, lấn át cả nội dung thị giác bên trong v.v.) – tất thảy đều chỉ là những lớp lang bên ngoài của tác phẩm, là những kí hiệu để người xem có thể chọn lựa nương tựa vào, chơi đùa cùng, hoặc lần theo như những vết tích. Họ đi đường nào, và theo cách nào, không còn nằm trong tầm kiểm soát của mình. 

Nói một cách khác, tác phẩm (đối với mình) cuối cùng cũng chỉ là điểm mở cho những đối thoại và những tưởng tượng. Cái phom dạng hướng dẫn nó tồn tại ở đấy – đúng thế, nhưng nó không phải là chìa khoá để tới được ‘đích’ của tác phẩm (mà thực chất cũng chẳng tồn tại một cái đích nào cho tác phẩm, bởi tác phẩm là đường đi, không phải là điểm đến). 

Trong 1 lá thư khác, gửi tới 1 người khác, thuộc 1 tác phẩm khác mang tên Everyday for the rest of my life) (1988–ongoing), mình có viết như sau:

“So, I let my artist self hibernate, only to come alive through words. At least in this way, intimacy and honesty—what I consider to be the defining characteristics of performance art—will still be maintained, and continue to live on. In the mind, and also through the imagination of those who trust and commit to that very moment, when a performance starts to exist as they read my instructions. No image or footage is needed to record. Only stories and memories to be held and shared. 

To remember. A durational performance.”

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.