Tiểu luận của Linh Lê phản hồi trưng bày Hẹn thư sau
Vân Đỗ dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Ngay cả cái chết cũng không thể chia lìa chúng ta
Giữa cuộc sống và cái chết, người sống và người đã khuất, sẽ không bao giờ có thể phân định rạch ròi — hoặc như Derrida đã từng đúc kết qua lý thuyết của ông về sự để tang khi ông phải gửi lời chào tạm biệt cho những người thương yêu với mình trong suốt ròng rã nhiều năm trời. Đối với ông, để tang chưa bao giờ là một quá trình kiện toàn, bởi, nó tồn tại trong trạng thái ở giữa và lắm khi, tồn tại ở những thể thức khác nhau. Ông lý giải rằng, khi ta để tang cho người khuất có nghĩa là ta đang nội hoá một hình ảnh về người đã khuất vào trong chính ta và chỉ cho ta mà thôi. Nghi lễ tang ma của người Việt cũng như các nghi thức giỗ của người Việt (có sự khác nhau giữa các vùng miền và các nhóm tôn giáo), cùng với tính nghi thức cũng như những niềm tin sâu thẳm phần nào chứng thực cách mà chúng ta nên tiếc thương sự ra đi của những người thân. Những nghi thức này, trong bối cảnh truyền thống, thường đặt những người đang có tang vào một trình diễn xã hội tập thể, thường yêu cầu họ phải làm tròn một số bổn phận trong vai họ hàng. Trong tác phẩm Những bức thư Tháng Tám, Mai Huyền Chi thổ lộ với Xuân Hạ cảm giác xa cách của cô khi lần xem lại những bức ảnh đen trắng chụp ngày đám ma của bố. Có thể thấy rõ ràng trong những bức ảnh ấy, Chi, mẹ và chị gái đều có vẻ xơ cứng lại — dường như, nỗi mất mát quá lớn và đột ngột, nó đến một cách bất thình lình làm vào lúc họ không ngờ tới; hay chăng, nó có thể là cái bẫy của ảnh chụp bởi chúng chỉ đang đóng vai một người xem không hơn, và họ, là những người diễn (cho dù đó có phải là chủ đích của họ hay không). Nhiều năm sau đó, qua thư từ gián tiếp với Hà và được dịp thăm lại câu chuyện này với mẹ mình, Chi mới có thể thực sự đối diện và hoà giải được với nỗi đau và mất mát âm ỉ của mình. Bằng việc kích hoạt hay tái kích hoạt ký ức thông qua những câu chuyện, họ — những người còn sống cuối cùng đã tìm được cách tái dựng hình ảnh riêng về người đã khuất trong họ — một quá trình thanh lọc triệu hồi những cảm xúc, câu chuyện, và buộc họ phải suy tư về cuộc sống và những tiếc nuối.

Sự tiếc thương hay để tang cũng là chặng lưng chừng giữa sự sống và cái chết, nhưng hình ảnh được nội hoá về người đã khuất trong ta luôn cố định. Trong tác phẩm Nguyễn Thị Điểm Ảnh, người ảo Điểm Ảnh — một sinh vật được tạo nên từ cả hư cấu và hiện thực mượn lời từ một bài nhạc Việt trẻ để trấn an người bạn đã khuất của họ, và hẳn là cả bản thân họ nữa, về một tình bạn không thể lay chuyển. Khi nhạc tắt, Điểm Ảnh trở nên dập dờn và xuất hiện lại như thể cô đang chuẩn bị cho một sự hoá thể trở thành một khối li ti vượt ra khỏi mọi khuôn hình và đường biên. Như một nỗ lực cuối cùng để gửi lời chào tạm biệt tới người bạn của họ, Điểm Ảnh gửi tới bạn mình một hình ảnh tưởng tượng về chính bản thân họ để người kia cùng lúc cũng có thể nội hóa. Sự bốc hơi của khối điểm ảnh này phần nào cũng phản ánh bản chất của ký ức: theo thời gian, ký ức bị kéo dãn, tiêu tan và thậm chí đổi dạng.
Những người tâm giao vắng mặt
Trong tác phẩm Tòa Giải Tôi, Nguyễn Hải Đăng dựng nên một nghi thức thiêng liêng của riêng mình dựa trên đạo Công giáo, một đức tin đã chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời anh, và bản chất lặp đi lặp lại của thực hành sơn mài, một quá trình sáng tác ngặt nghèo mà giờ đây đã đóng góp vào việc hình thành nhân dạng anh. Mặc tưởng trong Đạo Công Giáo cho phép các tín hữu phản tư và sửa chữa những lỗi lầm của mình, quá trình thường xảy ra trong sự có mặt của một hiện diện vật lý giấu mặt được Chúa giao phó. Mặc dầu mang đậm tính thiêng, nghi thức này đôi khi có thể gặp phải rủi ro trở thành một sự sáo rỗng nếu như thiếu đi sự chân thành từ cả hai phía. Khi anh cá nhân hoá một không gian cho việc chuộc tội — giờ đây đã được giải phóng khỏi không gian bình thường và được di chuyển từ nơi này đến chốn khác — Đăng thể hiện một sự tôn nghiêm tối cao dành cho truyền thống, một mặt khác cũng đồng thời tái tạo truyền thống. Tham chiếu một nghi thức tôn giáo, cộng hưởng với một số phẩm chất tương đồng trong kỹ thuật sáng tác nghệ thuật, rồi tích hợp với một số tự sự cá nhân, tác phẩm tải trọng nhiều ý nghĩa và câu hỏi. Người được Chúa giao phó có thể là Cha hay chính là bản thân bố đẻ của nghệ sĩ? Chính xác là anh đang cố gắng chuộc lại lỗi gì? Anh có được giải tội không? Hay đây có thể chỉ là một cách anh để cho những bản dạng khác nhau của mình — một tín hữu, một người con trai, một nghệ sĩ — giải tội cho nhau?

Tác phẩm9 Bước châncủa Nguyễn Thị Diệp lại chọn một nghi thức cá nhân khác, lần này, theo lời nghệ sĩ, với một hành vi vô cùng giản dị: ướm chân vào các bước chân của mẹ ruột và mẹ chồng của cô. Với mỗi lần lặp lại bước chân, Diệp bắt chước theo cách bước đi của từng mẹ dựa theo nhịp thở của mình. Bước cùng bước chân cũng có nghĩa là nghĩ cùng suy nghĩ, cũng có nghĩa là thiết lập một mối liên hệ mật thiết hơn với chính mình, và dựng nên một sân khấu để trở thành một người khác. “Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Biết đâu, một ngày nào đó, khi trình diễn này cứ tiếp tục kéo dài, cô có thể trở thành cả ba người cùng một lúc — như một người diễn viên chẳng bao giờ có thể thoát vai, cô đi men giữa lằn ranh của cái thực và cái được đại hiện. Phỏng theo một câu thành ngữ quen thuộc nhằm khơi gợi sự đồng cảm — “đặt mình vào vị trí của người khác” — Diệp cho phép mình sống cuộc đời của những người phụ nữ đi trước mình nhiều bước. Mặc dù nghệ sĩ coi đây chỉ như một hành vi thường nhật, 9 bước chân, ở bản chất lặp lại, có thể bắt chước, trầm ngâm, lại phần nào đồng dạng với bản chất của cuộc hành hương trong đạo Cơ đốc như từng được Rebecca Solnit mô tả. Tác giả lập luận rằng, những người hành hương thời nay không còn nhất định phải ở Jerusalem, bởi, thông qua phương tiện đi bộ và tưởng tượng, họ đã có thể tiến bước vào tinh thần của chính sự kiện hành hương đó dù nó xảy ra ở bất kỳ nơi đâu, bởi, còn điều gì thật hơn “không ít thì nhiều là những gì ta trú ngụ về mặt cơ thể”.
Sân khấu hóa những không gian từng sống, đang sống và sẽ sống
Thông qua sự phục hồi của những hành vi, ba nghệ sĩ còn lại xây dựng nên một sân khấu của nỗi âu lo, ám ảnh và mong mỏi. Forget me not (1956-ongoing). 21/04/2021 sân khấu hoá sự hứng khởi của Bill Nguyễn về sự song tính của một không gian giả lập: một không gian an toàn cho người này có thể là hung bạo với kẻ khác. Để hoà giải được sự đối nghịch đó, Bill tái tiếp đoạt những hướng dẫn của một chủ khách sạn cho một nếp sinh hoạt hàng ngày cho một người đàn ông — mặc dù có một số thay đổi có thể nhận thấy được, mỗi ngày trôi qua cũng chẳng khác nhau là mấy — và được đặt song hành với các thước phim từ máy quay an ninh về một ngày thực sự của người đàn ông đó ở trong một căn phòng. Để khi Bill tiếp tục viết một bản hướng dẫn khác, giờ đây là một hành vi lặp lại hai lần, vì thế có tính biểu hành, anh dựng nên không gian của một cuộc-sống-như-là cho người đàn ông, và một không gian của cuộc-sống-như-thể-là cho bất kỳ ai ghé qua.
Lạc Hoàng sử dụng một phong cảnh giả lập như một phương cách để đối diện thẳng thừng với những vòng lập về một dạng mối quan hệ tréo ngoe, mà ở đó người này chỉ say đắm với ý tưởng về đối phương. Người ta không thể nào không thấy trong tác phẩm Địa thế giả lập một khu vườn Eden hay thường được biết tới là thiên đàng — nơi Adam và Eve từng ngụ trong sự ngây thơ và tình yêu thuần khiết. Phiên bản thiên đàng của Lạc Hoàng, trong khí quyển tưởng tượng của chính nó, thoạt đầu hiện ra mãn nhãn và lãng mạn chỉ để sau đó phô bày ra những ánh nghĩa ngầm báo hiệu sự bi ai khi thiên đàng bắt đầu chuyển mình. Những người cư ngụ ở khu vườn này phóng chiếu lên nhau những kỳ vọng của họ, áp đặt lên nhau những khả thểcuộc-sống-như-thể-là,mà sau rốt thì, họ chẳng thể nào cùng tồn tại trongcuộc-sống-như-là.
Chuỗi thơ 9 câu của Red trong tác phẩmvide-ô cáchđặc sệt từ ngữ, âm thanh, hình ảnh mà phần lớn đến từ vựa ký ức của gia đình cô. Như một nhà biên kịch trên chính sân khấu của cô dựng nên cho sự mòn mỏi, Red phân tán khối dữ liệu khổng lồ cô vừa khôi phục giữa những hồi/cảnh/khổ thơ thông qua việc tái dựng và tự hư cấu hoá tác giả. Ở đây, Red nỗ lực vật chất hoá một cuộc-sống-như-là —một cuộc sống tồn tại trong một chiều kích thời gian đã trôi qua — trong một cách hiểu bao hàm nhất, để qua đó cô có thể sống trong một dạngcuộc-sống-như-thể-là (được kích hoạt từ sự “như thể” trong trình diễn) và hoá thể bản thân sang một lãnh giới khác.
Tưởng chừng nhưcuộc-sống-như-là vàcuộc-sống-như-thể-làlà hai phạm trù khác hoàn toàn. Trên thực tế, chúng thường nhập nhằng, hoà vào nhau và ảnh hưởng lên nhau tùy theo cách ta chọn trình diễn gì cho khán giả. Và khán giả có thể là bất kỳ ai, và rất thường khi, khán giả của ta là chính ta.
—-
Byung Chul Han coi những nghi thức như “kiến trúc của thời gian, kết cấu và bình ổn cuộc sống, và chúng đang dần tàn lụi.” Mặc dù đôi khi các nghi thức thường lấy đi sự tự do khỏi chúng ta, ông nói thêm, nó cũng giúp “neo lại những giá trị và hệ thống biểu tượng trong cơ thể, củng cố sự cố kết cộng đồng.” Quả vậy, khi tôi bắt đầu suy nghĩ về những dạng nghi thức khác nhau xuất hiện trong triển lãm, tôi cũng trải nghiệm một sự gột rửa đầy xúc cảm — một nghi thức đòi hỏi ta phải ghi nhận, đối diện và hoà giải với chính bản thể khiếm khuyết của ta. Vân ơi, mình cảm kích về sự tin tưởng và hy vọng của bạn về mình và về tình bạn của chúng ta.
Hẹn thư sau!
Tài liệu tham khảo
- Derrida, Jacques. 2001. The Work of Mourning. London: The University of Chicago Press.
- Solnit, Rebecca. 2001. Wanderlust: A History of Walking. London: Verso.
- Borcherdt, Gesine. 2021. Byung-Chul Han: “I Practise Philosophy as Art”. December 02. Accessed January 2022. https://artreview.com/byung-chul-han-i-practise-philosophy-as-art/.