chuyên đề 1: phả hệ “curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển

Tham luận viên: Như Huy, Nguyễn Thế Sơn, Vũ Đức Toàn
Điều phối viên: Trần Hậu Yên Thế

Chuyên đề này đề xuất một cách nhìn về lịch sử phát triển của công việc “giám tuyển” thông qua việc truy vết sự đa dạng trong các lựa chọn chuyển ngữ thuật ngữ “curator”, và cách dùng thuật ngữ này nói chung từ đầu những năm 2000 đến nay. Từ đó, chuyên đề đặt ra một câu hỏi, tưởng như có thể dễ dàng trả lời, đó là “giám tuyển” hay “curating” bao hàm những điều gì trong tương quan bối cảnh Việt Nam.

GIÁM/DÁM/CARE/DARE, hay HOW v.s. WHAT
Như Huy

Trong bài thuyết trình này, công việc giám tuyển sẽ được truy dấu một cách vắn tắt cả về mặt lịch sử thực hành lẫn về mặt giải thích từ nguyên, để rồi được so sánh với công việc phê bình nghệ thuật. Nếu như phê bình nghệ thuật truyền thống là một lĩnh vực nghiên cứu dựa trên câu hỏi về bản chất của vật (câu hỏi what), ở đây hiểu là bản chất của nghệ thuật, thì thực hành giám tuyển là một khái niệm mở về một dạng thực hành không quan tâm đến bản chất tĩnh tại và bất biến của vật, mà tập trung vào việc nắm bắt vật (nghệ thuật) qua các phương cách xuất hiện đa dạng của nó. Ở một chừng mực nào đó, thực hành giám tuyển còn khiến nghệ thuật xuất hiện ra trong những phương cách mới mẻ chưa từng có-và vì thế, nó còn đã được đồng nghĩa với chính sự sáng tạo nghệ thuật. Bài thuyết trình sẽ được đi kèm với các ví dụ về một số phương cách xuất hiện khác nhau của nghệ thuật thông qua thực hành giám tuyển của người trình bày, bắt đầu từ đầu những năm 2000 cho đến hiện tại. Bài thuyết trình cũng sẽ đề cập tới cách hiểu thuật ngữ giám tuyển tiếng Việt, trong mối quan hệ với thuật ngữ gốc tiếng Anh là to curate/curatorial

Giám tuyển như là một thực hành thử nghiệm phương thức đối thoại với nơi chốn
Nguyễn Thế Sơn

Trong quá trình thực hành giám tuyển hơn 10 năm song hành cùng những dự án nghệ thuật cá nhân, công việc giám tuyển đến với tôi một cách khá tự nhiên, giống như một thực hành mang tính nghệ thuật. Theo thời gian, tôi mở rộng trải nghiệm thực hành cá nhân của mình với những dự án quy mô hơn, làm việc với nhiều nhóm người hơn, tương tác đa chiều hơn và vì thế, công việc cũng phải mở rộng ra các hoạt động khác như thương thuyết, làm việc với các cơ quan kiểm duyệt, các ban ngành đoàn thể từ cấp Phường, cấp Quận cho tới cấp Thành Phố. Các tác động nhiều chiều đó dần trở thành một trong những yếu tố tác động tới tiến trình, phương thức triển lãm, trưng bày và cách thức tiếp cận của các dự án. Đa phần các dự án có yếu tố nơi chốn, ký ức của nơi chốn đều có vị trí quan trọng trong việc lên ý tưởng triển khai, dự án cũng như cách thức trưng bày. Yếu tố ký ức cộng đồng cũng được ưu tiên sử dụng đưa vào các dự án. Phần lớn các dự án nghệ thuật tiến hành gần đây tôi thường tích hợp các yếu tố giáo dục, hướng tới cộng đồng các sinh viên nghệ thuật trẻ phần đông là các lứa học trò của trường Mỹ thuật. Các dự án thường mang ý nghĩa mở rộng năng lực thực hành nghệ thuật đương đại song hành với nghiên cứu đối thoại với lịch sử, ký ức cộng đồng, mục tiêu để gợi mở sự truy vấn và tưởng tượng cho người xem.

Từ “Giám tuyển” đến “Sách triển nhân”
Vũ Đức Toàn 

Tham luận sẽ bắt đầu với những quan sát biến động về mặt từ ngữ như một truy nghiệm lại lịch sử nghệ thuật trong khoảng 20 năm trở lại đây. Có “những từ lạ” xuất hiện trong bối cảnh thời kỳ đầu chập chững của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Trước năm 2000, “curator” là một “từ lạ”, nhưng nó không từ trên trời rơi xuống. Trong giới lúc đó ghi nhận thế nào về “từ lạ” này? Đã có những lầm tưởng nào xảy ra lúc đó không? Làm thế nào để mô tả, nhận biết công việc của “curator” lúc đó? Sau năm 2000, từ “giám tuyển” ra đời như một cách gọi cho “từ lạ”. Liệu đây có phải là một giải pháp chuyển ngữ tuần tuý? Hay bản thân nó cũng thể hiện một niềm tin mang tính thẩm mỹ và vì thế, việc thuật ngữ này không dễ dàng được chấp nhận từ những ngày đầu là một điều dễ hiểu chăng? Từ năm 2010 trở đi, thuật ngữ “giám tuyển” được dùng một cách nhuần nhuyễn và quen thuộc. Qua quan sát và ghi nhận cá nhân về những biến động thể hiện qua cách gọi, bài tham luận mong muốn tìm hiểu liệu đã có những thay đổi đa dạng nào xảy ra trong các lứa giám tuyển khác nhau tại Việt Nam.

Nguyễn Như Huy là giám tuyển độc lập, nhà phê bình nghệ thuật, dịch giả, và thi sỹ. Với vai trò của một người phê bình nghệ thuật, Như Huy viết, dịch và xuất bản các các nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật đương đại Việt Nam, văn hóa và lý thuyết nghệ thuật. Anh được mời làm diễn giả cho nhiều hội thảo quốc tế như “Nghệ thuật Việt Nam sau Đổi Mới” (Singapore, 2008), “Hội thảo Giám tuyển Châu Á” (Malaysia và Singapore, 2010), “Con đường khác: Sự trao đổi về nghệ thuật và văn hóa tại Châu Á” tại Yokohama, Nhật bản (2014) cùng nhiều hội thảo quan trọng khác.

Như Huy là đồng biên tập và tác giả của cuốn tổng tập song ngữ đầu tiên và duy nhất (cho đến nay) về nghệ thuật Việt Nam từ 1945-1990 do Bảo tàng Nghệ thuật Singapore ấn hành năm 2010 “Essays on modern and contemporary Vietnamese art” (tiểu luận về nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại). Anh cũng là tác giả của phần Tiếng Việt trong cuốn tổng tập về video art trên thế giới “Video, an art, a history” (Video, một nghệ thuật, một lịch sử) do Trung tâm Pompidou và Bảo tàng Nghệ thuật Singapore xuất bản năm 2010. Như Huy đã xuất bản hai tập thơ là “những câu phức tạp” (NXB Hội nhà văn, 2008), và “Sự Thật chính là Sự Vui” (NXB Hội Nhà Văn,  2022). Tuyển tập 10 bài thơ của anh cũng được giới thiệu trên Tạp chí Poetry Stand (Số 12, 2014). 

Như Huy là đồng giám tuyển Singapore Biennale 2013, kể từ 2013 – 2016, anh là cố vấn giám tuyển cho dự án nghệ thuật dài hạn, Koganecho Bazaar, Yokohama, Nhật Bản. Anh cũng là giám tuyển khách mời cho “Brand New Project” 2015, một dự án thường niên do Đại học Sáng tạo Bangkok khởi xướng nhằm giới thiệu các nghệ sĩ trẻ tiềm năng của Thái Lan đến với nghệ thuật đương đại Thái. Năm 2016, Như Huy là đồng giám tuyển của Kuandu Biennale 2016, Đài Loan. Từ năm 2016 đến nay, Như Huy là giám đốc nghệ thuật của nhiều hoạt động và lễ hội liên ngành châu Á kéo dài 2 năm “In/Visible Station” 2016-2018 do ZeroStation tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và quản lý và được tài trợ Trung tâm châu Á, Quỹ Nhật Bản tài trợ toàn bộ.

Dự án gần đây nhất anh tham gia giám tuyển là “Thoái Ẩn”, dự án giám tuyển xuyên quốc gia giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Đài Loan tại Đà Lạt, Việt Nam, vào tháng 11 năm 2019. Như Huy là dịch giả của một số sách về nghệ thuật và triết học nghệ thuật, “Thế mà là nghệ thuật ư?” (Cynthia Freeland, NXB Tri Thức 2009), “Từ điển triết học Kant”  (Howard Caygill, NXB Tri Thức, 2016. Đồng dịch giả),  “Những cách thấy” (NXB Thế Giới và Phương Nam book, 2017), “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” (Sarah Thornton, NXB Văn Học và công ty Đông A, 2016), “Triết học nghệ thuật của Heidegger”, (Julian Young, NXB Thế Giới và công ty Nhã Nam 2019), “Tôi tư duy vậy thì tôi vẽ” (Thomas Cathcart & Daniel Klein, NXB Thế Giới và công ty Nhã Nam, 2020). Như Huy còn là người sáng lập và hiện là giám đốc nghệ thuật của ZeroStation (www.zerostationvn.org). Đây là một không gian – dự án lưu trú của các nghệ sĩ quốc tế và cũng là không gian trưng bày cho các dự án nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước.

Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sĩ thị giác, một nhiếp ảnh gia, giám tuyển độc lập và là giảng viên của Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Thế Sơn tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học ngoại ngữ Hà nội và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật thực nghiệm tại Học viện Mỹ thuật Trung Ương Trung Quốc, Bắc Kinh (CAFA). Các tác phẩm của anh thường mang đậm tính chất nghiên cứu xã hội học, chất vấn và suy tư về ký ức và những giá trị nhân văn bị đổ vỡ và mất mát trong quá trình xung đột giá trị của xã hội Việt nam thời kỳ chuyển đổi. Thế Sơn đã thực hiện hơn 20 triển lãm cá nhân và rất nhiều các triển lãm nhóm được trưng bày triển lãm ở Việt nam và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc…Tác phẩm của Sơn đã được sưu tập tại một số bảo tàng như Worcester Art Museum, Đại học RMIT, bảo tàng nghệ thuật CAFA, bảo tàng mỹ thuật tư nhân Trần Hậu Tuấn, Bộ sưu tập trong nghệ thuật đương đại trong không gian Nhà Quốc Hội Việt Nam, Wink Hotel, Canvas International Art, Amsterdam, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Ngoài ra anh cũng mở hướng kết nối nghệ thuật đương đại với các không gian công cộng thông qua các dự án như “Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng”, “Không gian nghệ thuật trong hầm nhà Quốc Hội”, “Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân”, Dự án ECO-SUS tại trung tâm ICISE, Qui Nhơn, Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, và các ngôi đình thờ tổ nghề trong khu Phố Cổ Hà Nội.

Vũ Đức Toàn làm việc chủ yếu với trình diễn và sắp đặt. Thực hành của anh gắn bó với mối tương quan giữa khán giả và người trình diễn, những nghi lễ xã hội, và bối cảnh được pha trộn từ những khoảng thời gian lịch sử đã chấm dứt hoặc là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Vũ Đức Toàn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam khoa Lý luận và Lịch sử Nghệ thuật. Từ 2005 đến nay, Toàn là biên tập viên tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, làm việc tại những tạp chí trực thuộc Hội. Năm 2010, Vũ Đức Toàn và Nguyễn Huy An thành lập nhóm Phụ Lục, một nhóm nghệ sĩ thực hành trình diễn tại Hà Nội. Vũ Đức Toàn được biết đến với các triển lãm cá nhân tiêu biểu gồm: “Mỗi Tuần Trăng Vỡ Mật” (Á Space, Hà Nội, 2023) và “Ra Đi Mất Trật Tự” (Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2017). Các liên hoan trình diễn quốc tế và triển lãm nhóm tiêu biểu gồm: “Quay Lại Hòn Đảo Phía Nam” (Đài Loan, 2017), triển lãm và lưu trú trình diễn MoT+++ (TP. HCM, 2017), “Guyu Action” (Trung Quốc – Hồng Kông – Đài Loan, 2016), “PAN ASIA 5” (Hàn Quốc, 2012), “U Lành Tính” (Hà Nội, 2011). Anh là một thành viên ban giám tuyển của Nhà Sàn Collective từ 2013 và đã giám tuyển các dự án nổi bật gồm Những Chân Trời Có Người Bay 4 (Mini Kingkho, Hà Nội, 2020 cùng các thành viên khác của nhóm Phụ Lục), “Tổng kết Quý IV” (Á Space, Hà Nội, 2023), “Trái Tim Bên Lề” (Manzi Art Space, Hà Nội, 2023), “Sáng – Trưa – Chiều – Tối” (Á Space, Hà Nội, 2022), “IN:ACT 2022” (Nhà Sàn Collective & Á Space, Hà Nội, 2022) và “Tái Nạm” (Mơ Art Space, Hà Nội, 2022).

Trần Hậu Yên Thế (sinh 1970) là nghệ sĩ thị giác đồng thời là nhà nghiên cứu nghệ thuật. Cử nhân Hội họa (1995) Thạc sĩ Sơn dầu năm (2004) Tiến sĩ về Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật (2017). Trên phương diện thực hành nghệ thuật, ông đã có những sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật Sắp đặt, nghệ thuật Ý niệm, là một trong những lớp nghệ sĩ trẻ đầu tiên thế hệ 7X tham gia các loại hình nghệ thuật mới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền, ông cũng là một chuyên gia, đã có những ấn phẩm công bố những công trình nghiên cứu về nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Một số công trình tiêu biểu như Song xưa phố cũ (2013), “Phác họa Nghê”, “Gã linh vật bên rìa” (2017, đồng tác giả), “Nét Việt trên bia đề danh tiến sĩ” (2018, đồng tác giả), “Mỹ thuật Thăng Long – Hà Nội” (2019, đồng tác giả), “Đi tìm khuôn mặt La Hầu” (2021), “Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống – Hình tượng Tiên nữ” (2021, đồng tác giả), “Mỹ thuật Việt – soi từ phía khác” ( 2021), “Nghệ thuật và Mỹ thuật Ứng dụng Đông Dương nửa đầu thế kỷ XX – từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật” (2023, đồng chủ biên). Từng được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014 và 2020. Có tác phẩm lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bộ sưu tập nghệ thuật Đương đại của Quốc hội Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật thành tích cao. Hiện là giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Đại học Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

THÔNG TIN SỰ KIỆN: 

  • Thời gian: 09:00 – 18:30, Thứ Bảy và Chủ Nhật, Ngày 13 và 14 Tháng 4 Năm 2024
  • Địa điểm: Trung tâm Mỹ thuật Đương đại – Hội Mỹ thuật Việt Nam, 621 Đê La Thành, Hà Nội
  • Xin lưu ý, khách tham dự yêu cầu phải đăng ký trước. Để tham gia, vui lòng đăng ký qua đường link sau:
Đăng ký tham dự

Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ Nhất*

Khởi xướng và tổ chức: Á Space
Đồng tổ chức: Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS)
Nhà tài trợ kim cương: Dogma Collection
Nhà tài trợ vàng: Nguyễn Art Foundation
Đối tác truyền thông: Art Republik
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Nghệ thuật The Outpost

*Nằm trong khuôn khổ VINACURA, một dự án do Á Space, Nguyễn Art Foundation và The Outpost Art Organisation đồng khởi xướng và thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.