Chuyên đề 2: Xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như một thực hành giám tuyển

Tham luận viên: Nguyễn Thị Thanh Mai, Lê Thuận Uyên, Nguyễn Anh Tuấn
Điều phối viên: Xuân Hạ

Trong một môi trường với đặc thù là sự thiếu—thiếu hỗ trợ kinh phí của chính phủ, thiếu hệ thống giáo dục, thiếu nguồn lực và nhân lực—các tổ chức nghệ thuật độc lập và các nghệ sĩ ở Việt Nam, những người đảm nhận vai trò kép là nghệ sĩ-giám tuyển, đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến phản hồi với điều kiện đặc thù của môi trường địa phương. Họ đóng vai trò tập hợp những người thực hành có chung chí hướng, huy động nguồn lực, từ đó hình thành các tổ chức và tập thể, đôi khi có không gian vật lý hoặc không, một cách linh hoạt, để đáp ứng một cách hiệu quả và khẩn cấp những thiếu sót nói trên.. Với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tư nhân, những nỗ lực đó đã mở rộng sang việc xây dựng các không gian nghệ thuật quy mô lớn, được trang bị tốt hơn, các sáng kiến ​​xây dựng năng lực hoặc các bảo tàng tư nhân có tầm quan trọng về mặt lịch sử. Câu hỏi đặt ra là những nỗ lực bổ khuyết cho những điều kiện còn thiếu thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như vậy cũng có thể được coi là một công việc giám tuyển?

Một quan sát cá nhân về tính tự phát của các không gian nghệ thuật Huế
Nguyễn Thị Thanh Mai

Là một nghệ sĩ thị giác bắt đầu hoạt động từ cuối những năm 2000 ở Huế, tôi nhận thấy vai trò vô cùng to lớn của những nguồn lực cơ sở hạ tầng, trong đó nổi bật là các không gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật là nơi mà các cuộc gặp gỡ, thảo luận, phê bình, trưng bày, thử nghiệm, tranh cãi được xảy ra và nảy nở thành nhiều hình thái suy tư và sáng tạo khác nhau. Vậy một mô hình không gian như thế nào thì đáp ứng được các nhu cầu và đặc trưng của một địa phương, cụ thể là Huế? Trong tham luận này, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc chuyển đổi qua các mô hình không gian nghệ thuật khác nhau: từ quán bar nghệ thuật Mơ Đơ (2019-2020), tới không gian công cộng trong Dự án Bờ Thành (2021-2022) và không gian giáo dục tự phát trong hệ thống công (2023-2024), một quan sát từ góc nhìn của người tham gia giảng dạy ở trường Đại Học Nghệ thuật Huế. Bài tham luận sẽ phân tích đặc trưng của mỗi hình thái không gian, những thuận lợi và thách thức. Từ đó đúc rút lại những vấn đề khẩn cấp của địa phương và cho thấy chúng ta cần nỗ lực làm gì để giải quyết những điều này. Tham luận này cũng sẽ nhìn nhận Nổ Cái Bùm Huế (2020) là một gợi ý cho việc tập trung các nguồn lực địa phương, tăng cường đối thoại giữa các bên, tính liên kết giữa các vùng miền và ảnh hưởng tầm dài, rộng tới khung cảnh nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID.

Sự giãn nở của hạ tầng
Lê Thuận Uyên

Khi nghĩ tới hạ tầng, có lẽ không ít người liên tưởng tới một cấu trúc phức tạp các mạng lưới cơ sở hạ tầng, nhân lực và tài lực để hỗ trợ (hoặc đôi khi cung ứng) cho quá trình tạo tác, trưng bày và thảo luận nghệ thuật. Xuất phát từ những dự án thuần tuý xoay quanh việc trưng bày tác phẩm, tôi cũng nhận thấy mình và các đồng nghiệp ngày càng khoác lên mình nhiều chiếc áo hơn trước: giám tuyển, nghiên cứu, viết lách, thông dịch, giảng dạy, tư vấn sưu tầm và xây dựng các không gian nghệ thuật. Để một hệ sinh thái nghệ thuật được nuôi dưỡng, nó cần nhiều hơn là nỗ lực của một vai trò (agent) và không ai có thể “bao sân” được mọi việc, vậy điều gì giúp tôi xác định được biên độ cho thực hành giám tuyển của mình?  

Qua những lần thử sức ở các dự án quy mô khác nhau, tôi dần xác lập được rằng nhu cầu xây dựng hạ tầng của mình, trên thực tế luôn xoay quanh nghệ sĩ và những người thực hành nghệ thuật. Và vì thế, nó co giãn cùng mong muốn phát triển thực hành giám tuyển của bản thân. Định vị hạ tầng của tôi khởi nguồn từ nhu cầu bồi đắp dữ liệu lịch sử và điểm nhìn từ địa phương cho những cá nhân/sự kiện vốn chỉ được các nhà quan sát nước ngoài ghi chép lại; tới việc khởi tạo một không gian nơi suy tư về công việc giám tuyển được đồng vọng cũng như nới rộng; và cuối cùng đó là nhu cầu thực hành dựng triển lãm (exhibition making) ở một quy mô lớn hơn (về diện tích, thiết bị, kích thước tác phẩm và tệp khán giả). Thông qua việc chia sẻ lần lượt về các dự án như: Gang of Five Lạc bước Tân kỳ (2016-2018); trang Instagram Curatorial Xà Quần; và quá trình xây dựng Trung tâm Nghệ thuật The Outpost, tôi sẽ trình bày tường tận hơn về điểm nhìn này.

Nghịch cảnh và Bất đối xứng: phát triển thực hành giám tuyển trong sự chuyển dịch giữa các định chế và khung cảnh xã hội khác nhau
Nguyễn Anh Tuấn

Bài viết là một tự thuật về quá trình chuyển dịch công việc giữa các môi trường chính trị xã hội khác nhau để tìm kiếm các điều kiện-không gian phát triển bản thân: từ giai đoạn làm việc trong hệ thống kinh viện nhà nước tại Viện Mỹ thuật (2003 – 2015) – giúp hình thành những trải nghiệm sâu sắc về sự vận hành và tính hiệu quả của hệ thống này; tới thời điểm bắt đầu tìm hiểu và phát triển các công việc cá nhân và chuyển hướng làm việc độc lập từ đầu 2016 đến nay – quá trình tự thân tạo ra điều kiện và cơ hội theo đuổi nghệ thuật và các nguồn lực để nuôi dưỡng, chuyển hóa ý tưởng thành những hình hài cụ thể. 

Từ đó, người viết muốn truyền đạt hướng tiếp cận cá nhân và trao đổi về vai trò của giám tuyển như một sự xây dựng tổng hòa của các yếu tố hạ tầng, vật chất, con người, sự liên kết nội địa và quốc tế để tạo ra một môi trường nuôi dưỡng, nâng đỡ và hiện thực hóa các thực hành nghệ thuật song song với bối cảnh thời cuộc và không gian xã hội dọc theo thời gian tuyến tính. Đồng thời cũng là một sự tự nhìn nhận và đánh giá các điều kiện hiện tại cho thực hành giám tuyển trong bối cảnh nhiều khoảng trống, đứt gãy và nghịch lý ở địa phương, và tương quan trao đổi bất đối xứng với nghệ thuật khu vực và quốc tế.

Nguyễn Thị Thanh Mai là nghệ sĩ thị giác và giảng viên ở Đại học Nghệ thuật Huế. Sau khi đồng sáng lập không gian Mơ Đơ (2019) và tuần lễ nghệ thuật “Nổ Cái Bùm Huế” (2020), cô làm việc ở những vị trí khác nhau như người đại diện của Mekong Cultural Hub (2021-2022), sáng lập “Dự án Bờ Thành” (2021-2022), và một số sự kiện văn hoá nghệ thuật nhỏ ở địa phương. Cô quan tâm đến việc tập trung các nguồn lực, tạo không gian kết nối và sáng tạo ở địa phương trong giới hạn khiêm tốn của mình.

Lê Thuận Uyên hiện là một giám tuyển sống và làm việc tại Hà Nội. Cô hiện là Giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật The Outpost – tổ chức tư nhân hướng tới sưu tầm, trưng bày và mở rộng tệp khán giả cho nghệ thuật thị giác ở Việt Nam. Vốn được đào tạo trong lĩnh vực khoa học chính trị, Uyên quan tâm tới những góc nhìn đa chiều về lịch sử, xã hội thông qua những câu chuyện cá nhân luôn lẩn khuất. Thực hành của cô rọi vào ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và mạch ngầm bản địa tới sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật đương đại Việt Nam. Thực hành giám tuyển của cô hướng tới việc hợp tác chặt chẽ với các nghệ sĩ, tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật của họ, đồng thời đồng hành và nuôi dưỡng những chất vấn sáng tạo. 

Một số triển lãm cô đã tham gia thực hiện bao gồm: “Thân bằng quyến thuộc” (Ilham Gallery, KL, 2019); “Gang of Five Lạc bước Tân kỳ” (Hà Nội, 2017); “Sindikat Campursari” (Jakarta, 2016); “(Những) phương Nam đan xen” (Sàn Art, online, 2016); “Những chân trời có người bay 3” (Hà Nội, 2015-17); trợ lý cho giám tuyển Trần Lương cho triển lãm “Miền Méo Miệng” (Umea, 2015);… Cô cũng tham gia lưu trú tại Art in General (New York) năm 2017 thông qua học bổng của Asian Cultural Council. Uyên từng làm việc và hợp tác cùng nhiều không gian nghệ thuật khác nhau, hỗ trợ về mặt tổ chức cũng như xây dựng chương trình, trong đó bao gồm Nhà Sàn Collective, Sàn Art, The Factory Centre for Contemporary Art, APD (Centre for Art Patronage and Development), Nguyen Art Foundation.

Nguyễn Anh Tuấn là giám tuyển và nhà quản lí nghệ thuật tại Hà Nội, Việt Nam. Tuấn tốt nghiệp ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), và làm việc tại Ban Nghiên cứu Mỹ thuật Cổ, Viện Mỹ thuật đến năm 2015. Đầu năm 2016, Tuấn được bổ nhiệm là Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space – tổ chức nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, và làm việc tới nay.

Là giám đốc nghệ thuật của Heritage Space từ 2016, Tuấn nỗ lực duy trì chương trình thường niên “Tháng thực hành Nghệ thuật” (“Month of Arts Practice” – MAP) như là một phòng thực nghiệm ý tưởng nghệ thuật và nền tảng trao đổi làm việc quốc tế. MAP được vận hành đều đặn hàng năm trong ba tháng mùa thu-đông, tạo ra nhiều cách thức thể nghiệm, hợp tác liên ngành, trao đổi tri thức và thực hành, nuôi dưỡng sáng tạo và gắn kết cộng đồng nghệ sĩ với các điều kiện và hoàn cảnh xã hội khác nhau. MAP được vận hành liên tục và bền bỉ, không gián đoạn từ 2015 tới nay.  

Quan tâm đến bảo tồn tri thức và xây dựng nền móng hạ tầng cho phát triển nghệ thuật, Tuấn cùng Heritage Space phát triển dự án “Kho dữ liệu Nghệ thuật đương đại Việt Nam” (VCAD), nền tảng lưu trữ trực tuyến cho nghệ thuật đương đại Việt Nam từ 2020. Trong bối cảnh nghèo nàn về lưu trữ nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, dự án đưa ra một hệ thống thông tin mở, có khả năng kết nối và hợp tác với nhiều nghệ sĩ và học giả, và miễn phí truy cập tham khảo cho tất cả mọi người. 

Nguyễn Anh Tuấn là thành viên sáng lập của “Vietnam Creative Hubs Initiatives” – mạng lưới các không gian sáng tạo Việt Nam và đồng thời là thành viên đại diện tại Việt Nam (Local Hub) của Mekong Cultural Hubs – mạng lưới không gian văn hóa các nước tiểu vùng sông Mê-kông và Đài Loan. 

Nguyễn Anh Tuấn và Heritage Space từng nhận được hỗ trợ từ Viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Trung tâm Nhật Bản Châu Á, Quỹ Cứu trợ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Liên bang Đức và Viện Goethe khởi xướng với các đối tác, Viện Quan hệ Quốc tế ifa (Đức), Nhà Văn hóa Thế giới (HKW, CHLB Đức), Korea Foundation (Hàn Quốc), Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sỹ Pro Helvetia, artlink.ch (South Cultural Fund – Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ), Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và nhiều tổ chức khác. 

Xuân Hạ, một nghệ sĩ tự học và người thực hành nghệ thuật cộng đồng, hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng, Việt Nam. Trong những năm gần, các dự án của cô xoay quanh những biến đổi văn hoá- xã hội, sự tác động của nó đến môi trường và danh tính bản địa ở quê hương miền Trung nơi cô sinh sống. Thông qua các thử nghiệm chất liệu, không gian, và tương tác xã hội, cô lý giải cấu trúc tạo hình cho các tự sự của mình bằng các trình hiện nghệ thuật đa dạng phương tiện như video, sắp đặt và nghệ thuật ý niệm.

Với cách tiếp cận đa điện, Xuân Hạ còn tham gia đóng góp tích cực vào việc xây dựng và mở rộng cộng đồng nghệ thuật. Cô là đồng sáng lập và quản lý các nhóm tập thể: Chaosdowntown Cháo (Saigon, 2015-2019), và A Sông (Đà Nẵng, 2019-đến nay), nhằm nuôi dưỡng và duy trì một môi trường an toàn và cởi mở thúc đẩy việc thực hành và tư duy tự học tại bối cảnh địa phương bằng các hoạt động giáo dục nghệ thuật. 

Năm 2022 cô được chọn tham gia vào chương trình Future Leadership tổ chức bởi The Australia Council for the Arts tại Úc. Các tác phẩm của cô từng được trưng bày và trình chiếu tại các không gian trong và ngoài nước như Sàn Art, Nguyen Art Foundation, Vietnam; National Gallery Singapore; Kyoto University, Japan; ESOK Jakarta Biennale, Indonesia; và Kunst(Zeug)Haus, Thuỵ Sỹ. Các chương trình lưu trú mà cô từng tham gia bao gồm Kunststiftung des Landes Sachsen-Anhalt, Đức (2023); Solo Marathon, Á Space, Hanoi (2020), FUTUR Foundation, Thuỵ Sỹ (2019), ACC Arts Space Network, Gwangju, Hàn Quốc (2018), và chương trình FAMLAB do Hội Đồng Anh tổ chức (2018).

THÔNG TIN SỰ KIỆN: 

  • Thời gian: 09:00 – 18:30, Thứ Bảy và Chủ Nhật, Ngày 13 và 14 Tháng 4 Năm 2024
  • Địa điểm: Trung tâm Mỹ thuật Đương đại – Hội Mỹ thuật Việt Nam, 621 Đê La Thành, Hà Nội
  • Xin lưu ý, khách tham dự yêu cầu phải đăng ký trước. Để tham gia, vui lòng đăng ký qua đường link sau:
Đăng ký tham dự

Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ Nhất*

Khởi xướng và tổ chức: Á Space
Đồng tổ chức: Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS)
Nhà tài trợ kim cương: Dogma Collection
Nhà tài trợ vàng: Nguyễn Art Foundation
Đối tác truyền thông: Art Republik
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Nghệ thuật The Outpost

*Nằm trong khuôn khổ VINACURA, một dự án do Á Space, Nguyễn Art Foundation và The Outpost Art Organisation đồng khởi xướng và thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.