Lorem ipsum dolor sit amet...

Tham luận viên: Nguyễn Quốc Thành, Nguyễn Huy An, Vân Đỗ
Điều phối viên: Linh Lê

Trong thực hành giám tuyển nghệ thuật đương đại, các giám tuyển cũng đảm nhận vai trò là người tạo nghĩa, thông qua các chiến lược như cộng tác với nghệ sĩ, làm triển lãm, văn bản giám tuyển cũng như điều phối và di chuyển giữa nghệ sĩ-khán giả, vì thế nảy sinh nhu cầu nhìn nhận lại thực hành của họ dưới vị thế tác giả. Chuyên đề này nhằm mục đích xem xét tác động của những lựa chọn mang tính “tác giả”, có dấu ấn cá nhân, mà giám tuyển đưa ra trong việc xây dựng trần thuật của một triển lãm. Những thách thức và khả năng nào nảy sinh từ chức năng kép của giám tuyển khi vừa là người sáng tạo độc lập vừa là người “trung gian”? Trong bối cảnh này, làm thế nào để nghệ sĩ và giám tuyển điều hướng các nỗ lực hợp tác của họ khi sự phân bổ trách nhiệm và công trạng đôi lúc không rõ ràng, do đó cũng linh hoạt và dễ thương lượng.

Vườn Lài: Mượn, chơi và những thực hành “sai trái” khác trong dự án tìm hiểu di sản điện ảnh queer
Nguyễn Quốc Thành 

Đằng sau bức rèm dày và nặng, bộ phim hành động đã bắt đầu từ lúc nào. Âm thanh cường độ lớn vang lẫn tiếng nói cười lao xao. Khán giả đứng ngồi, kéo nhau đi lại thành nhóm hoặc đơn lẻ, dọc ngang qua các hàng ghế. Trong khán phòng mờ sáng đó, hai thời gian cùng tồn tại song song, đều là chuỗi những nôn nao, đợi chờ, biến chuyển, thời gian của những diễn biến ly kỳ trên màn ảnh rộng được thiết kế sẵn cho khán giả, và thời gian mà những khán giả đó tự tạo ra cho chính mình. Khi mượn tên “Vườn Lài” cho dự án tìm hiểu di sản điện ảnh queer Việt Nam, tôi nghĩ đến việc “queer hoá” rạp chiếu phim nay đã không còn của những người đồng tính nam phần lớn được coi là thuộc tầng lớp lao động ở Sài Gòn. Chuyển ánh nhìn tới màn hình sang những hàng ghế bên, thay trải nghiệm hình ảnh bằng trải nghiệm cơ thể, biến không gian công cộng thành nơi gần gũi, những thao tác mỹ học trong không gian được thiết kế chặt chẽ cho những tri giác nhất định. Quang cảnh Vườn Lài cũng làm tôi nhớ đến những rạp chiếu phim và những người đồng tính nam tìm bạn tình trong nhiều bộ phim nổi tiếng, một di sản văn hoá queer và điện ảnh queer, những hành vi diễn ra không chỉ ở một nơi, một thành phố hay quốc gia. Nhìn như vậy, phải chăng việc kiến tạo không gian và thời gian không phù hợp với những gì đã được định trước, sự tái-tạo-nghĩa cho không gian và thời gian, tính tái-tác-giả luôn luôn có thể diễn ra?; đó không chỉ là khả năng của người xem vốn là tác giả làm nên trải nghiệm của mình, mà còn có sẵn trong chính phương tiện biểu đạt điện ảnh? Trong bài viết của mình, tôi sẽ tìm hiểu các thực hành giám tuyển trong dự án Vườn Lài – Xứ sở diệu kỳ (2019), có liên quan đến tính tái-tác-giả được đề xuất ở trên.

Bàn về những rung cảm cá nhân trong công tác dựng triển lãm
Nguyễn Huy An

Trước khi là một giám tuyển phải là một người thưởng thức. Sự rung cảm này mang tính cá nhân chủ quan: nó đồng cảm, nó phát hiện, nó mở rộng sức sống cho tác phẩm, nó phụ thuộc vào vốn sống, tâm tính của người thưởng thức. Một tác phẩm ra đời tạm thời coi như phần việc của nghệ sĩ đã xong. Khi giám tuyển nó dù muốn hay không nó vẫn sẽ được hiện ra dưới tác động nhiều yếu tố bên ngoài tác giả, trong đó phần quan trọng (khi có sự tham gia của giám tuyển) là dưới cảm nhận riêng của giám tuyển. Dựa vào cái cảm nhận riêng của giám tuyển – bối cảnh mà việc bày trở nên có nhiều cách phong phú tạm gọi là các thủ pháp trưng bày: giữ nguyên, chọn góc bày, bố cục không gian, đôi khi can thiệp các thủ pháp này bình đẳng với nhau dù là cách thức có vẻ dân chủ hay độc tài. 

Trong khi làm giám tuyển, tôi không quan tâm tới công việc khác của giám tuyển mà chỉ quan tâm tới việc cho xuất hiện triển lãm. Trong tham luận này, tôi sẽ chia sẻ về dự án Những chân trời có người bay 4 (2020) tại KingKho-Mini Storage, một doanh nghiệp cho thuê kho tự quản tại quận Hà Đông (Hà Nội), và trưng bày Câu chuyện giấc mơ (2023) của Phạm Xuân Cảnh do tôi giám tuyển để làm rõ những ý trên. 

White Noise: Một đề xuất về sự nhìn
Vân Đỗ 

Công tác giám tuyển triển lãm nghệ thuật đương đại, tưởng như đã an bài và có thể đóng gói thành các công thức, vẫn tồn tại nhiều kẽ hở cho sự sáng tạo. Sẵn trong những cấu phần khác nhau của thực hành này—từ việc lựa chọn tác phẩm và phương pháp làm việc với nghệ sĩ, các thao tác bài trí và xử lý không gian, viết các dạng văn bản khác nhau, cách ứng phó với những tình huống xã hội gắn liền với yếu tố con người và phi con người mang đặc thù sở tại—người thực hành giám tuyển đứng trước vô vàn các khả thể để đề xuất khác đi với những quy ước đã được xác lập. 

Tất cả những cấu phần này được hình thành dựa trên nhãn quan, kinh nghiệm, thể trạng của giám tuyển, tuy có thể hiện lên rõ nét hoặc không rõ nét. Khi hiện ra rõ nét, họ có thể đứng trước nguy cơ của việc bị phê bình là “cá nhân” hoặc “can thiệp vào tác phẩm”, hoặc trung lập hơn thì được gọi là  có tính “tác giả”. 

Ở triển lãm White Noise (Nguyễn Art Foundation, 2023), các cấu phần này cựa quậy, xô lệch, tung hứng, bất bình, đi chệch khỏi điểm bắt đầu, cán đích cách không ngờ tới. Thăm lại triển lãm kể trên, tham luận muốn đưa ra một đề xuất về sự nhìn.

Nguyễn Quốc Thành là nghệ sĩ, giám tuyển, người đồng sáng lập và thành viên ban giám tuyển Nhà Sàn Collective. Năm 2013, and sáng lập Queer Forever!, liên hoan nghệ thuật queer, dự án tiếp diễn, rạp chiếu phim tự phát, workshop zine và viết, căn bếp, nơi gặp gỡ, ăn uống, lắng nghe, học hỏi và yêu đương queer. Anh tham gia triển lãm, liên hoan nghệ thuật trình diễn, dự án cộng đồng và hội thảo tại các nước như USA, Nhật, CHLB Đức, Ba lan, Indonesia và Việt nam. Năm 2022, anh thực hiện tác phẩm nhà queer ưhưh22 trong khuôn khổ dự án Bến của Nhà Sàn Collective tại documenta 15 ở Kassel, CHLB Đức.

Nguyễn Huy An sinh năm 1982 tại Hà Nội và tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2008. Được coi là một trong ‘những nghệ sĩ cá tính và mạnh mẽ nhất trong thế hệ của mình’, các tác phẩm của An gồm tranh, trình diễn, sắp đặt đều là quá trình cố gắng đào sâu vào những mảng tối của tâm thức. Anh được các curator và nhà phê bình nghệ thuật quốc tế đánh giá cao bởi sự tối giản về hình thức, mạnh mẽ về nội tâm, và giàu ý niệm trong các tác phẩm.

An tham gia nhiều triển lãm và festival nghệ thuật trình diễn, gồm triển lãm cá nhân “Bốn đề mục [Thấy hoặc Không thấy]”, Manzi Art Space, Việt Nam (2022);  “Âm sáng”, Galerie Quynh, Vietnam (2019), “Canh Sáu”, Manzi Art Space, Việt Nam (2018); “78 Nhịp”, Galerie Quynh, Việt Nam (2014). Các triển lãm nhóm tiêu biểu gồm: “Disrupted Choreographies”, Carré d’Art – Musée d’Art Contemporain, Nimes, France (2014); “Nếu Thế giới Đổi thay”, Singapore Biennale (2013); “Âm bụi (somniloquy)”, 943 Studio Kunming, China (2011).

Vân Đỗ là giám tuyển hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Thực hành giám tuyển của Vân quan tâm tới những can thiệp vào các cấu trúc không gian có sẵn và thiết lập những tham dự có tính phê bình vào các cộng đồng địa phương. Từ 2019 tới 2021, Vân làm việc trong nhóm giám tuyển của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP. HCM). Năm 2022, Vân chuyển về Hà Nội và hiện là Giám đốc Nghệ thuật và thành viên Ban giám tuyển của Á Space, một không gian độc lập ở Long Biên dành cho các thử nghiệm nghệ thuật. Các dự án và triển lãm gần đây gồm: “Vy Trịnh: Quá áp” (Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, 2023); “Tạp âm trắng” (Nguyễn Art Foundation, TP. HCM, 2023); “Tương tương ngộ ngộ cá kho tộ, ngộ ngộ tương tương đậu kho tương” (Á Space, Hà Nội, 2023); IN:ACT 2022 (Nhà Sàn Collective & Á Space, Hà Nội & Kassel, 2022); “Hà Ninh Pham: Ngụ ngôn quy nạp” (A+ WORKS of ART, Kuala Lumpur, 2022); “Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên” (The Factory, TP. HCM, 2021); “Ca tụng (cõi) vi sinh” (Dcine, TP. HCM, 2020).

Linh Lê là một giám tuyển và người nghiên cứu độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh. Quan tâm của Linh xoay quanh việc khám phá những (bất) khả thể của lưu trữ và các đường hướng khác. Đặt cộng đồng địa phương ở trọng tâm thực hành của mình, Linh thường mở rộng công việc giám tuyển đến những chiều kích khác như xuất bản, thảo luận, workshop và giảng dạy. Một số dự án trước đây của Linh gồm “Chợt Mộng Tan” (Á Space, Hà Nội, 2022); “Phòng Đoán” (Galerie Quynh, TP.HCM, 2022); “Tất cả khởi hành” (Galerie Quynh, TP.HCM, 2023) và “Rồi sẽ đến lúc” (Á Space, Hà Nội, 2023). Linh cũng là một trong các người nghiên cứu tham gia vào dự án xây dựng kho dữ liệu về kiểm duyệt văn hoá và nghệ thuật ở Đông Nam Á, Southeast Asian Arts Censorship Database, của ArtsEquator (Singapore). Năm 2024, Linh Lê trở thành một thành viên trong Ban Giám Tuyển của Á Space, một không gian nghệ thuật phi lợi nhuận được thành lập tại Hà Nội từ năm 2018. 

THÔNG TIN SỰ KIỆN: 

  • Thời gian: 09:00 – 18:30, Thứ Bảy và Chủ Nhật, Ngày 13 và 14 Tháng 4 Năm 2024
  • Địa điểm: Trung tâm Mỹ thuật Đương đại – Hội Mỹ thuật Việt Nam, 621 Đê La Thành, Hà Nội
  • Xin lưu ý, khách tham dự yêu cầu phải đăng ký trước. Để tham gia, vui lòng đăng ký qua đường link sau:
Đăng ký tham dự

Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ Nhất*

Khởi xướng và tổ chức: Á Space
Đồng tổ chức: Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS)
Nhà tài trợ kim cương: Dogma Collection
Nhà tài trợ vàng: Nguyễn Art Foundation
Đối tác truyền thông: Art Republik
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Nghệ thuật The Outpost

*Nằm trong khuôn khổ VINACURA, một dự án do Á Space, Nguyễn Art Foundation và The Outpost Art Organisation đồng khởi xướng và thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.