“Đêm qua anh mơ bóng quê xưa bước anh trở về
Đứng dưới bóng mát, đến đón em khi tan trường
Dáng cũ lối nhớ đã cách mấy nắng mưa
Ôi trông nhau xa vời vợi
Anh kêu tên em, em mừng chẳng nói nên lời”
 

Đây là một phần lời bài hát “Đôi bờ” của ca sĩ Anh Tú kể về những trạng thái của một mối tình xa cách, vô vọng, như hai bờ của một dòng sông, không bao giờ gặp được nhau. Xuyên suốt bài hát, ta chỉ có thể bắt gặp những khung cảnh đẹp hiện ra, những kí ức ùa về hay những lần gặp gỡ ngắn ngủi trong những cơn mơ.

“Chợt mộng tan” vừa là động từ, vừa là trạng từ cứ lặp đi lặp lại liên tục, ở những đoạn điệp khúc nếu câu hát được mở đầu bằng một từ “mơ” thì nó sẽ được kết thúc và đóng lại khi mộng tan và tỉnh thức, như một vòng lặp không hồi kết. Dẫu biết giấc mơ luôn là một phản ảnh chân thực nhất của tiềm thức, nhưng có lẽ ai cũng từng ngụp lặn trong những giấc mơ để nhặt nhạnh cho bản thân những mảnh kí ảo ảnh trước khi lại đối diện với sự thật khi tỉnh giấc. Thuỳ Anh nghe đi nghe lại “Đôi bờ” cũng như cách mà cô mơ và cóp nhặt những khả thể mà cô tin hoặc tự tưởng tượng ra mỗi ngày, luẩn quẩn nhưng cũng là một cách để xoa dịu bản thân. Cô mơ về gia đình, về cây cỏ, về những đồ vật bị bỏ quên, những phong cảnh kỳ dị tưởng chừng chỉ là những mảnh vụn ảo ảnh từ các thế giới xa lạ, nhưng rồi vỡ lẽ ra lại là chính những kiếp khác, những bóng ma của hiện tại và niềm tin ẩn tàng giữa nhận thức và những gì sâu thẳm nhất bên trong.

Ngủ/nằm/lim dim/mơ màng/mộng mị/li bì/chập chờn/gà gật… dù ngắn hay dài, dù ngày hay đêm, vừa là phương tiện, vừa là chất liệu, vừa là chất dẫn và vừa là tác phẩm. Hành động thường nhật khi xảy ra ở những không gian và trạng thái cơ thể–tinh thần khác nhau như một cách Thuỳ Anh thể nghiệm với nhiều định dạng không gian giả lập khác nhau, rồi từ đó lần tìm lại những ảnh tượng, ký ức và cảm xúc [từng] đến với cô.

Xuyên suốt trong hai năm qua, Thuỳ Anh trôi dạt từ miền này đến chốn khác qua một loạt những thử nghiệm hội hoạ, sắp đặt, trình diễn và những sáng tác đa phương tiện. Tham gia chương trình #SoloMarathon2022 được tổ chức bởi Á Space, trong một không gian làm việc và cư trú đặc thù, Thuỳ Anh tiếp tục ngao du, đồng thời nhìn lại chuỗi-mơ của mình sau một thời gian dài gắn bó. Khi ta tỉnh dậy, rời đi, liệu giấc mơ có hồi kết? Một câu hát trong bài “Che sarà – Điều gì sẽ đến trong cuộc đời tôi?” (bản gốc tiếng Ý của “Đôi bờ”) sẽ kết lại đoạn viết ngắn về dự án “Chợt Mộng Tan” nhưng cũng để mở ra hành trình sắp tới ở Á của Thuỳ Anh:

“Ti do l’appuntamento come quando non lo so Ma so soltanto che ritornero”

“Hẹn em một ngày nào đó, còn khi nào, thế nào, tôi cũng không thể biết

Nhưng tôi chỉ biết rằng, tôi sẽ trở lại”
 

#SoloMarathon2022 là chương trình đồng hành cùng nghệ sĩ trẻ và giám tuyển trẻ do Á khởi xướng với sự hỗ trợ từ Quỹ Hoàng Tử Claus, bạn bè và đồng nghiệp.

 

Ảnh & chữ: Linh Lê & Đặng Thuỳ Anh

Thiết kế: Hải Lê
Chuyển ngữ: Linh Lê
Đặng Thuỳ Anh sinh ra tại Hà Nội, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Đồ hoạ tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2019. Từ 2017, cô tham gia thường xuyên vào thực hành nghệ thuật thử nghiệm thông qua việc sinh hoạt với Nhà Sàn Collective, các sự kiện trình diễn và khám phá các phương tiện khác nhau như sắp đặt, nhiếp ảnh, và các cách tiếp cận ý niệm đối với việc làm nghệ thuật. Mối quan tâm của cô xoay quanh mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, các mô típ hình ảnh được hiểu rập khuôn, và tác động của định kiến xã hội lên việc hình thành khái niệm về giới. Thuỳ Anh thường sử dụng sinh vật sống, cơ thể của chính mình, và lưu trữ cá nhân như là chất liệu cho nghệ thuật.
Thuỳ Anh từng có triển lãm cá nhân ‘Lặng yên san sát’ (The Factory, TP. HCM, 2019). Một số triển lãm nhóm tiêu biểu khác bao gồm: Liên hoan trình diễn mini ‘Sáng – Trưa – Chiều – Tối’ (Á Space, Hà Nội, 2022); triển lãm nhóm ‘Chạy trên đường vàng’ (Á Space, Hà Nội, 2021); Wu Wei Performance (Coda Culture, Singapore, 2020); Tháng thực hành nghệ thuật (Heritage Space, Hà Nội, 2018); Mở xưởng I, II, và III (Á Space, Hà Nội, 2018); NIPAF IN:ACT (Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2017 và 2019); Mot Plus Performance Festival (MoT+++, TP. HCM, 2019), Gương mặt nghệ sĩ mới (Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2018).
Linh Lê là một giám tuyển, cây viết và người nghiên cứu tại Sài Gòn. Công việc hiện tại của Linh thể hiện quan tâm của cô với chủ đề tính biểu hành (performativity) của lưu trữ, không gian và cơ thể trong nghệ thuật. Trong năm 2020, Linh được chọn là một trong hai ứng viên tham gia chương trình lưu trú trao đổi giám tuyển giữa Việt Nam và Sydney (Úc). Một số dự án trước đây của Linh gồm có tập san Măng Ta, dự án giáo dục nghệ thuật CáRô. Linh có bằng Cử nhân (Honours) Quản Lý Nghệ thuật từ Đại học Essex kết hợp với Nanyang Academy of Fine Arts (Singapore).
Hiện tại, Linh đang tham gia hai dự án nghiên cứu dài hơi: một dự án liên quan đến thực hành trình diễn của các nghệ sĩ nữ Việt Nam và ý nghĩa của cơ thể trong cách nghệ sĩ, người xem, sử gia nghệ thuật “đọc” một tác phẩm; một dự án liên quan đến khả năng thể hiện quan điểm cá nhân trong nghệ thuật. Cùng một số dự án thảo luận, giáo dục, và giám tuyển khác.