#Thời gian:

????️ Thời gian trưng bày: từ ngày 17 tháng 11 – ngày 31 tháng 12 năm 2023
⏰ Giờ mở cửa: Mở cửa theo lịch hẹn trước

#Địa điểm:

Trạm điện cao thế 33B, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, 551 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội

#Tiểu sử: 
Vy Trịnh (sn. 1996, Việt Nam) là một nghệ sĩ điêu khắc. Tác phẩm của cô khám phá cách mà các mạng lưới vật thể mở rộng khỏi chính phạm vi của chúng, và phản ánh kết cấu và điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam đương đại. Thực hành của cô men theo lưu lượng của vật thể, phom dạng khác nhau của lao động và tính tự chủ, cùng những không gian nơi mà các khái niệm luôn phải thương thoả và ứng tác.
Vy có bằng thạc sĩ Mỹ Thuật (MFA, Fine Arts) từ trường ĐH Pennsylvania và bằng cử nhân Mỹ Thuật (BFA, Fine Arts) từ trường Parsons the New School for Design. Vy đã thực hiện một số triển lãm tại Worthless Studios (Brooklyn, NY), Atelier (Philadelphia, PA), Automat (Philadelphia, PA), White Columns (New York, NY) và Gallery MC (New York, NY). Năm 2022, Vy được trao tặng Giải thưởng Christopher Lyon. Các dự án của cô cũng được nhận tài trợ từ: Sáng kiến Thiết kế Đô thị Nhân văn (H+U+D) (2022), Chương trình Đổi mới Nghệ thuật Sachs (2022) và Trung tâm Thể nghiệm Dân tộc học (2022) thuộc trường ĐH Pennsylvania. Vy hiện đang sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh và New York.
Vân Đỗ (sn. 1995, Việt Nam) là giám tuyển và người viết hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Thực hành giám tuyển của Vân quan tâm tới những can thiệp vào các cấu trúc không gian có sẵn và thiết lập những tham dự có tính phê bình vào cộng đồng địa phương. Từ 2019 tới 2021, Vân làm việc trong nhóm giám tuyển của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP. HCM). Năm 2022, Vân chuyển về Hà Nội và bắt đầu vai trò Giám đốc Nghệ thuật của Á Space, một không gian độc lập ở Long Biên dành cho các thử nghiệm nghệ thuật.
Các dự án và triển lãm gần đây gồm: Tạp âm trắng (Nguyễn Art Foundation, TP. HCM, 2023); Tương tương ngộ ngộ cá kho tộ, ngộ ngộ tương tương đậu kho tương (Á Space, Hà Nội, 2023); IN:ACT 2022 (Nhà Sàn Collective & Á Space, Hà Nội & Kassel, 2022); Hà Ninh Pham: Ngụ ngôn quy nạp (A+ WORKS of ART, Kuala Lumpur, 2022); Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên (The Factory, TP. HCM, 2021); Ca tụng (cõi) vi sinh (Dcine, TP. HCM, 2020).
#Chương trình
Vietnam Art Collection (VAC) và Á Space thân mời các bạn tới buổi khai mạc ‘Quá áp’, một phản hồi với không gian trạm điện cao thế thuộc nhà máy xe lửa Gia Lâm của Vy Trịnh, do Vân Đỗ giám tuyển và Á Space tổ chức và Croled hỗ trợ.
“Máy quét ngừng hoạt động đột ngột, mất điện hoàn toàn. Một đoàn tàu gặp nạn, khung gầm bốc cháy thành tro bụi mù mịt. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra. Đồng hồ tích tắc lùi, thời gian dừng rồi lại chạy với tốc độ 5.0. Điêu khắc gia phi đến trên cầu trượt Akira. Mọi thứ đều tối đen. Bóng đèn cuối cùng bắt đầu nhấp nháy.”
Không gian là chất liệu chính trong ‘Quá áp’. Tiếp cận không gian sẵn có – một phòng cung cấp điện – như một vật thể vừa hữu cơ vừa cơ khí, vừa con người vừa phi-con người, ‘Quá áp’ chứng kiến một cuộc chạm trán giữa những dấu tích còn lại của một cấu trúc kiến trúc với một nghệ sĩ điêu khắc sẽ làm việc ngay tại không gian này, trong một khung thời gian cố định, sử dụng những nguyên vật liệu từ các cửa hàng điện gắn liền với ngành công nghiệp này cũng như từ hệ sinh thái bên trong nhà máy và khu vực lân cận (quận Long Biên).
‘Quá áp’ đề xuất rằng một không gian không nhất thiết luôn bị phủ lên bởi bóng dáng lịch sử chính trị-xã hội của nó, mà thay vào đó, có thể được cảm nhận, và làm lộ ra – như cách dòng điện cung cấp, di chuyển và ngắt mạch – thông qua cảm năng. Với phương pháp làm việc ngay tại chỗ của Vy, nhà máy xe lửa trở thành động cơ của cô trong việc nhận diện cá tính mà nó đã từng và đang là – buộc phải lộ diện và bị can thiệp, bỗng dưng tương tác với nhiều kẻ lạ, đợi chờ một tương lai bất định.
#Lời cảm ơn
Đội ngũ kỹ thuật: Nguyễn Long Biên, Hồng Kèn, Tuấn Minh
Lời cảm ơn đặc biệt tới: Muchun Niu, Sophie Huang, Nguyễn Thuý Anh, Nguyễn Văn Thành, Mai Hưng Trung, Bill Nguyễn, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Thanh Hương, Ngọc, Linh Lê, Mai Thanh Nam
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, do UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức; với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) và phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan. Lễ hội sự tham gia đồng hành của các đơn vị tài trợ, và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tổ chức văn hóa giáo dục và ngoại giao, các trường đại học, viện đào tạo, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và giới sáng tạo Hà Nội.