#Thời gian:

14:30 – 16:30, ngày 20 tháng 11 năm 2023

#Địa điểm:

Hội trường Nhà máy xe lửa Gia Lâm, 551 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội

#Tiểu sử: 

Lê Thuận Uyên hiện là giám tuyển/ Giám đốc nghệ thuật tại The Outpost – một tổ chức tư nhân hướng tới việc sưu tầm, trưng bày và thảo luận về văn hoá và nghệ thuật thị giác. Vốn được đào tạo trong lĩnh vực khoa học chính trị, Uyên quan tâm tới những góc nhìn đa chiều về lịch sử, xã hội thông qua những câu chuyện cá nhân luôn lẩn khuất. Thực hành của Uyên thường xoay quanh việc tìm hiểu sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật đương đại trước phông nền xã hội và tiến trình phát triển thẩm mỹ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Uyên cũng lưu tâm tới việc tích hợp trải nghiệm nghệ thuật vào môi trường giáo dục, xây dựng hạ tầng cho quang cảnh nghệ thuật bản địa. Một số triển lãm cô đã thực hiện bao gồm: Dị Diện (The Outpost, 2023); Vụn Thời Đại (The Outpost, 2022); Thân bằng quyến thuộc (Ilham Gallery, KL, 2019); Gang of Five Lạc bước Tân kỳ (Xưởng phim của Hãng phim truyện Việt Nam, 2017); Sindikat Campursari (Jakarta, 2016);…

Vân Đỗ (sn. 1995, Việt Nam) là giám tuyển và người viết hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Từ 2019 tới 2021, Vân làm việc trong nhóm giám tuyển của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP. HCM). Năm 2022, Vân chuyển về Hà Nội và bắt đầu vai trò Giám đốc Nghệ thuật của Á Space, một không gian độc lập dành cho các thử nghiệm nghệ thuật. Thực hành giám tuyển của Vân quan tâm tới những can thiệp vào các cấu trúc không gian có sẵn và thiết lập những tham dự có tính phê bình vào cộng đồng nghệ thuật địa phương. Các dự án và triển lãm gần đây gồm: Tạp âm trắng (Nguyễn Art Foundation, TP. HCM, 2023); Tương tương ngộ ngộ cá kho tộ, ngộ ngộ tương tương đậu kho tương (Á Space, Hà Nội, 2023); IN:ACT 2022 (Nhà Sàn Collective & Á Space, Hà Nội & Kassel, 2022); Hà Ninh Pham: Ngụ ngôn quy nạp (A+ WORKS of ART, Kuala Lumpur, 2022); Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên (The Factory Contemporary Arts Centre, TP. HCM, 2021); Ca tụng (cõi) vi sinh (Dcine, TP. HCM, 2020). Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, Vân giám tuyển triển lãm ‘Overvoltage’ phản hồi với không gian Trạm điện cao thế 33B của Nhà máy xe lửa Gia Lâm cùng nghệ sĩ điêu khắc Vy Trịnh. 

Phạm Minh Hiếu (sn. 1996, Việt Nam) là nghệ sĩ đương đại, suy tưởng hiện thực bằng cách tạo ra những nơi chốn mà anh gọi là “sắp đặt tuyệt đối của nghệ thuật.” Anh thành lập Studio Phạm Minh Hiếu năm 2021 với viễn kiến về thực hành nghệ thuật không bị ràng buộc bởi định nghĩa và thể loại truyền thống. Studio Phạm Minh Hiếu cộng tác với các đối tác công nghệ, các đơn vị cung cấp giải pháp vật liệu, và các viện nghiên cứu trong quá trình sáng tác nghệ thuật. Các tác phẩm gần đây sử dụng những kỹ thuật tiên tiến như miền âm toàn nhập (soundscape), ánh xạ chiếu (projection mapping), công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo, v.v. Một số triển lãm tiêu biểu của nghệ sĩ bao gồm: Vụn Thời Đại (The Outpost, 2022); Như thể là (AGOhub, 2021); Ở đây & Bây giờ (Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, 2014).

#Chương trình
 
Trong thực hành nghệ thuật đương đại, thuật ngữ “site-specificity” (nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Như Huy từng dịch là “tính biệt vị”) có thể tạm hiểu là những thực hành đặt tính chất đặc thù của nơi chốn—bao gồm kiến trúc, lịch sử, chính trị-xã hội, văn hoá và mối quan hệ với địa bàn dân cư xung quanh—ở vị trí trọng tâm, góp phần hình thành nên cơ thể tác phẩm/dự án, không chỉ ở giai đoạn trưng bày mà còn ở quá trình nghiên cứu và xây dựng xương sống ý niệm cho tác phẩm/dự án nghệ thuật đó. Trong một số trường hợp, sự hiện diện của tác phẩm nghệ thuật không những biến đổi không gian vật lý mà còn kích hoạt hoặc thay đổi bản chất các mối quan hệ gắn liền với không gian đó. Bởi khả năng khai đào những kí ức sẵn có của nơi chốn đồng thời kiến tạo những giá trị, câu chuyện mới cho không gian, việc khởi động các dự án nghệ thuật trong không gian di sản được nhiều nước trên thế giới áp dụng, với mong muốn để các di sản tiếp tục ‘hô hấp’ với sinh quyển đương thời.
 
Việc các không gian di sản như nhà máy xe lửa Gia Lâm hay bốt Hàng Đậu được mở ra và trở thành địa điểm thực hiện “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023” là một tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với công chúng Hà Nội nói chung khi được tiếp cận với một phần lịch sử gắn liền với sự phát triển của đô thị hiện đại. Đồng thời ngữ cảnh đặc biệt còn tiềm tàng nhiều câu hỏi bỏ ngỏ này còn hứa hẹn kích hoạt tiềm năng của không gian trong bối cảnh đương đại, truyền cảm hứng cho các dự án nghiên cứu, sáng tạo và sáng tác nghệ thuật dài hơi.
 
Qua một số nghiên cứu trường hợp diễn ra trong những năm gần đây, buổi thảo luận giữa Lê Thuận Uyên (Giám tuyển, Giám đốc nghệ thuật The Outpost), Vân Đỗ (Giám tuyển/Giám đốc nghệ thuật Á Space) và Phạm Minh Hiếu (Nghệ sĩ đương đại) sẽ phân tích các trường hợp cụ thể, và đưa ra góc nhìn từ những người thực hành nghệ thuật về một số phương pháp làm việc và tiếp cận đa dạng với nơi chốn và không gian, những quan tâm cụ thể cắt qua bối cảnh lịch sử-xã hội, thẩm mỹ, và cộng đồng, cũng như những cách thức ý nghĩa để nghệ thuật có thể trở thành phương tiện lưu giữ ký ức tập thể, trao đổi liên thế hệ và hồi đáp cùng sự thấu hiểu với hiện tại, lịch sử và quá khứ.
 
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, do UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức; với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) và phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan. Lễ hội sự tham gia đồng hành của các đơn vị tài trợ, và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tổ chức văn hóa giáo dục và ngoại giao, các trường đại học, viện đào tạo, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và giới sáng tạo Hà Nội.