Văn bản thuộc trưng bày Mỗi Tuần Trăng Vỡ Mật của nghệ sĩ Vũ Đức Toàn

Lại nói về tứ trụ cà phê Hà Nội thế kỷ trước, người đời vẫn lưu truyền 4 quán huyền thoại:

Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng

Trong bốn quán này, ra đời muộn hơn cả gần một thập kỷ so với ba quán còn lại lần lượt vào thập niên 40-50 thì Dĩ đến đầu năm con Khỉ (1968) mới ra đời. là cách gọi tắt quen mồm của dân uống cà phê Hà Thành, một cách gọi không đầy đủ của cái tên dài ba chữ: Minh Dĩ Ký 明以記明. Lai lịch và nguồn gốc ra đời của quán có nhiều thất tích bởi những đồn thổi của người đời khiến nó nhuốm màu huyền sử. Đã vậy, quán Dĩ cũng kết thúc sớm hơn rất rất nhiều so với các quán Nhân, Nhĩ, Giảng. Những quán này thì ngược lại cho đến tận bây giờ ngày càng nổi tiếng hơn và ngày càng mọc thêm chi nhánh cửa tiệm. Bộ tứ chỉ còn có ba. Sự kết thúc của quán Dĩ lại đường đột và thất thiệt hơn cả lúc nó xuất hiện.

Quay trở lại trước năm con Khỉ mà mọi người cho là mốc ra đời của Minh Dĩ Ký 明以記明. Họ nói về hai người đàn ông là cặp song sinh mang bộ dạng và hành tung có phần kỳ dị ở khu phố Tàu hành nghề lò rang với một xưởng nhỏ hẹp xuyên từ phố Nguyễn Siêu sang phố Hàng Buồm. Họ nhận mối gia công rang cho những tiểu thương người Hoa khác từ rang các loại lạc, hạt dẻ, hạt dưa, hạt bí, hạt bắp, hạt tương, hạt cà phê…

Đến một ngày, trong hai anh em chẳng biết là người anh hay người em học lỏm không đến nơi đến chốn rồi tự chế một cách pha ra thứ nước cũng gọi là cà phê đắng ngắt, vị ngai ngái có mùi thơm hắc nồng khác biệt với tất thảy các quán cà phê của Hà Nội lúc bấy giờ và giá rẻ bằng nửa. Nên ngày lại càng nhiều người mách nhau lui tới tận lò để uống thứ cà phê này. Ban đầu, khách chủ yếu lúc đó chỉ là tầng lớp lao động bình dân trong khu phố Tàu.

Rồi một sự kiện bi thảm xảy đến vào đúng thời khắc giao giữa năm con Dê sang năm con Khỉ. Những người đời sau, nhất là những người sinh ra ở quanh khu phố Tàu vẫn được cụ kị ông bà kể về một vụ hỏa hoạn rất to và kì dị ở khu phố này. Đích thị đó chính là người ta nói đến vụ phóng hỏa thiêu rụi lò rang của hai anh em song sinh rồi lan ra cả dãy nhà kế bên. Có người lại kể rằng không phải ai khác mà chính là một trong hai anh em tự phóng hỏa. Kẻ thì đồn do một đứa trẻ đốt pháo vô tình gây nên. Lại có người nói do bà cụ lẩn thẩn ở đầu ngõ hóa vàng bất cẩn… Cũng chưa từng thấy sự việc được nói rõ ràng ai thương vong ai bỏ mạng. Nhưng có điều từ đó về sau, khi chuyển sang tiệm cà phê mới to đẹp hơn gần đó thì chỉ còn xuất hiện một người trong số họ. Cũng không biết đấy là người anh hay người em đó nữa. Nhưng trong vụ họa hoạn đấy có một truyện này thật rợn.

Khi cả người dân khu phố đến giải vây dập lửa. Họ phát hiện ra trong lò rang đằng sau là những lồng nuôi nhốt hàng trăm con thỏ, khỉ, baba, rùa,… mùi thơm khét và tiếng rin rít, chí chóe. Chỉ trong chốc lát, ngọn lửa nướng chín tất cả bọn chúng trước sự bất lực của mọi người. Đến gần giờ Tí thì ngọn lửa mới chìm hẳn xuống. Mọi người ra về ai nấy với bộ mặt khói đen lem luốc và mệt mỏi rã rời. Cả khu phố cũng chìm vào giấc ngủ.

Lúc gà gáy sớm hôm sau, hiện trường vụ cháy tinh tươm đến khó tin và lúc này khi không còn lò rang thì nó tạo thành không khác gì một con ngõ mở lối từ Nguyễn Siêu thông sang Hàng Buồm… Sau này tiểu thương và người phu khu phố đi lại thật tiện cỡ hai xe bò kéo tránh nhau được. Giao thông con ngõ này chỉ tấp nập ban ngày, đến chập tối là không có lấy một bóng người. Trong ngõ thành thói quen người ta vẫn cắm hương thờ một số con vật bị hỏa thiêu. Nhưng nghe nói đến năm 1978 (tức năm Mậu Ngọ), thủ đô ngăn con ngõ này lại để xây nhà xí công cộng. Trước ngày động thổ, phường văn công khu phố còn hảo tâm lập đàn và góp một hoạt cảnh rất cầu kỳ diễn lại vụ hỏa hoạn gây cảm kích mà thật diệu. Vở có tiên giáng trần khua gươm làm phép phun mưa cứu hỏa. Trong các câu chuyện vui về nhà xí Hà Nội thì có một nhà xí sạch sẽ nhất, hầu như chẳng mùi mẽ gì, đó là người ta đang nói đến nhà xí này. Người khắp khu phố không ai bén bảng đến đây để phóng uế hay đại tiện bao giờ.

Lại nói về quán cà phê lò rang chuyển về chỗ khác sau vụ hỏa hoạn. Phải nói là ngay tức khắc thì đúng hơn. Chỉ hơn một tuần sau, cách đó vài nhịp phố chính tại ngách ngã ba Hồng Phúc (nay là là ngõ Hàng Đậu thông ra phố Hồng Phúc), một người anh Hoặc một người em trong số họ đã mở tiệm cà phê thật khang trang to đẹp. Đây mới là lần đầu tiên và chính thức quán có biển tên hiệu: 明以記明 Minh Dĩ Ký

Hình như ở Hà Nội hiếm thấy quán cà phê nào lúc khai trương lại linh đình đến vậy. Có cả màn đốt pháo và múa lân… Khách thì càng ngày càng đông nhưng không còn là những khách ở khu phố Tàu nữa, những người trong cộng đồng đó hầu như không ai đến quán để uống thứ cà phê kia từ khi quán có tên 明以記明 Minh Dĩ Ký. Quán thì có rất nhiều cách gọi. Một số nhóm khách quen gọi là Dĩ Ký, hay chỉ gọi cộc lốc là Dĩ. Có những người bản phố chả biết uống cà phê bao giờ chỉ hay ngồi đánh cờ trước cửa quán thì chả hiểu sao vẫn gọi là quán cà phê thạch hầu (khỉ đá). Có người lại gọi là quán cà phê Quan Âm vì bên cửa tả hữu quán có đôi chậu cây trúc Quan Âm rất đẹp…

Cà phê của quán thì không rõ có khác nhiều không nhưng quán rất đông khách mọi nơi đổ về và giá thì cũng là một trong những quán đắt nhất Hà Nội. Thế rồi vào quãng năm Nhâm Tí một lần nữa quán lại bị tai họa dáng xuống tan tành. Kẻ độc mồm thì nói bị sét đánh trúng. Người thì bảo nó nằm trong đợt nạn vãi bom B52, người thì bảo lại bị phóng hỏa một lần nữa. Nhưng cũng lạ chỉ sau đó ít lâu quán lại chuyển sang gần phố Hàng Bông Thợ Nhuộm giao Lý Thường Kiệt nhìn chếch bên tay mặt là cổng chợ 19-12, chếch bên tay trái là phía khu Hỏa Lò. Bấy giờ tuyệt nhiên không còn thấy người anh hay người em bán mà là cô Minh đã lớn đứng tiệm. Người thì bảo cô Minh là con nuôi, người bảo không phải, nên thân phận của cô đến giờ chưa rõ. Biển tên của quán lúc này chỉ còn hai chữ: Dĩ Minh 以明

Nhiều người nói cà phê cô Minh rất ngon và khác đi nguyên bản so với Minh Dĩ Ký đời trước và giá cũng không còn đắt đỏ. Nhưng hình như vẫn rất ít khách cộng đồng người Hoa lui tới.

Đến đầu năm Mậu Ngọ, quán đột nhiên đóng cửa. Có người nói ngay trước lúc đó, quán đã xóa hai chữ tượng hình trên tấm biển chỉ còn chữ Dĩ Minh. Rồi một thời gian sau lại dỡ nốt cả tấm biển và chuyển hầu hết đồ đạc ở nhà đi đâu đó những vẫn cố bán nốt một thời gian. Quán vẫn đông nghịt khách ngay khi không có biển hiệu gì sất. Truyện lạ là sau khi quán đã đóng cửa theo năm tháng chỉ còn là căn nhà bỏ hoang dán bùa niêm phong cửa im ỉm thì nhiều người lan truyền rằng thỉnh thoảng vẫn thấy một ông già một mình trên ban công. Và những người biết về quán từ trước đến giờ tả rằng qua cái thân hình vẹo vọ và nhỏ thó kì dị đó chắc chắn là một người anh hoặc một người em kia, nhưng hoang đường ở chỗ, một người không thể lão hóa nhanh chóng như một ông cụ đến vậy.

Cuối năm Tân Dậu, người ta đồn rằng ông già chính là người tiếp tục mở lại quán ở ngõ Hàng Hương thông ra Lý Nam Đế. Biển quán là một tấm cót ép bây giờ chỉ còn chữ: cà phê giải khát không có tên hiểu gì sất. Nhưng dân uống cà phê thì biết và họ vẫn gọi đó là cà phê những đa phần họ chỉ tò mò lướt qua để nhìn ông già bán cà phê chứ họ đồn rằng đó là ma chứ chẳng phải người nên thực hiếm có ai dám uống ở nữa. Quán lúc này chỉ còn bán cho vài khách quen là cùng. Hẳn đó là những vị khách đặc biệt vía cứng lắm hay cũng là hạng người to gan lớn mật. Một trong đó là Thiếu tướng Phạm Bính. Ông thường đi bộ theo lối tắt từ cơ quan (bên hông thành Nguyễn Tri Phương) ra ngõ Hàng Hương rất gần và luôn đến quán vào 7 giờ kém 15 và rời quán lúc 7 giờ kém 5 đều như vắt chanh. Quãng cuối năm Bính Dần đầu năm Đinh Mão, quán đóng cửa và theo thời gian chìm vào quên lãng và từ đó không ai hay biết tung tích gì về nó.

Sau này người ta chỉ có nói tiếp một chuyện liên quan đến vị khách quen dường như là cuối cùng gắn liền với quán vẫn là tướng Bính. Có tin nói rằng ông tự tử trong phòng làm việc bằng súng ngắn. Con trai ông cũng là một sĩ quan cấp cao ngay sau đó cũng được đưa vào trại thương điên và một thời gian sau cũng tự tử chết trong đó. Thêm nữa có người nói rằng cô Minh thực ra là con trai. Cô điệu đà thích làm dáng, suốt ngày nhai trầu môi đỏ nên mọi người gọi vậy là cô thích lắm.

Thật thiếu sót nếu không nhắc đến một nhân vật ở Ngõ Gạch tên Bổng, biệt danh Bổng chồn (Bổng chớp). Người khu phố hay gọi vậy vì ông có tật ở mắt trái nháy chớp liên hồi. Ông là thiếu gia khét tiếng và cũng chính ông là một trong những mạnh thường quân góp mấy cây vàng cho phường văn công dựng vở về vụ hỏa hoạn nói trên. Quãng cuối năm Đinh Tỵ Sau một chuyến buôn ở xứ Tam Kỳ, ông về giao du giới sành uống Hà Thành. Bọn họ được ông thuật lại đủ thứ chuyện thật đáng nghi vực. Nếu ai thực sự là ma xó cà phê khu miền Trung thì sẽ biết đến một tiệm lâu năm ở Tam Kỳ Quảng Nam tồn tại từ thập niên 60. Tiệm này có tên là Hồ Tôn Ký. Ông chủ Hồ còn được mấy khách quen gọi với một cái tên khác là cậu Hai, vì theo mô tả ông giống hệt cậu Hai Đạo Dừa huyền thoại ở Gò Công với vóc dáng nhỏ thó lưng gù, trục xương vai vẹo vọ dị tướng. Dân trong vùng cũng gọi quán này với một số cái tên khác như cà phê tranh kính, vì nghe nói quán này nhỏ hẹp nhưng có một bức tranh thờ rất lớn là loại tranh kính đẹp nức tiếng. Bức thờ tiếu tượng ba con vật, bên tả là Thỏ, bên hữu là Rùa chính giữa Khỉ. Hay nhiều ngươi sau này vẫn nhắc đến tiệm cà phê con giống gần khu Da Liễu thì đích thị là nói đến Hồ Tôn Ký. Đến cuối thập niên 70 thì không còn tiệm này nữa. Nghe nói ông chủ vượt biên thì mất tích ngoài Nam Hải. Sau này Tam Kỳ lên thành phố, khu đó thành khu Nguyễn Văn Trỗi đằng sau khu có quán chè thập cẩm bà Minh rất đắt khách chủ yếu là những cô cậu học sinh. Tụi này quen gọi quán chè với một cái tên chả ra làm sao cả, là quán: Anh Đã Mất Em hay Em Đã Mất Anh đại loại vậy. Quán này ngoài chè còn có vài món cực hảo hạng là Thạch Cao Quy Linh, Chí Mà Phù ngay cả những người lớn tuổi cũng thích chứ đừng nói đến đám học sinh. Người ta nói tới một chuyện thực như đùa, mà hồi sau khiến ai cũng thấy ngác ngơ. Là chuyện trước đây, đợt cửa tiệm vừa chỉnh trang sơn sửa lại. Nghe nói người của quán áp giải một thiếu niên lên đồn. Đó là tên đã bắt xe đò từ thủ đô vào tận đây để viết bậy lên bức tường mới sơn đẹp đẽ trắng tinh của cửa tiệm rồi bị bắt tận tay với tang vật là viên gạch mẩu. Thiếu niên này u ơ phát âm khó khăn và điệu bộ luôn chậm rãi. Y khai làm theo một người xúi cho tiền. Thiếu niên tiết lộ người này trả giá một chỉ vàng vừa nói tay vừa chỉ chỉ vào cái chỗ da trắng hếu vết đeo nhẫn đã lâu ở ngón tay. Hỏi nhẫn đâu thì chỉ khẽ lắc lắc cái đầu u ơ tay chỉ thiên chỉ địa. Hỏi gì cũng không rõ, người xúi thuê thì cũng không rõ là nam hay nữ già hay trẻ. Chỉ nói dặn thế này thế kia và đưa cho mẩu giấy để chép lên tường cho đúng cho đẹp. Cả đồn không ai biết đọc Hán tự để hiểu nội dung viết gì? Gặng mãi y rồi cũng nói ra được đáp án khiến cả đồn phì cười. Tóm lại dòng chữ đỏ tươi được viết nắn nót bằng gạch trên tường trắng có mũi tên xuyên tim kia như sau:

以,我失去你了

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.