Bài viết của Đinh Thảo về trưng bày mây bay là bay rồi của Linh San (Á Space, 10–18.12.2022)
- Mình đến triển lãm của Linh một ngày trước khi về quê nội giỗ bà. Đây là một triển lãm mà Linh đã ấp ủ từ lâu, và mình cũng mong đợi theo em. Mình từng hỏi Linh về công việc làm gốm, và dám chắc rằng những gì mình hiểu được chỉ là một phần rất nhỏ so với sự vật lộn của em để xử lý chất liệu vốn đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và từ tâm này. Ban đầu mình chỉ hỏi đùa Linh, thế có đấu giá không? Linh bảo tác phẩm của em chắc ko ai dùng được đâu. Mang sẵn một định kiến về tính thực dụng của gốm, mình cũng tò mò không rõ phải thế nào mà một tác phẩm gốm có thể đến mức… không ai dùng được.
Khi mới tới triển lãm, Linh đã đợi sẵn ở đầu ngõ, mong manh trong một chiếc áo len trắng, nắm tay dẫn chúng mình vào bên trong. Á Space là một không gian triển lãm cá nhân nằm ở rìa thành phố với kết cấu ấm cúng, rất thích hợp để kể một câu chuyện riêng tư trong một buổi chiều mùa đông ảm đạm. Xung quanh là những ngôi nhà xám bén rêu, bọn trẻ con nửa nông thôn nửa phố thị thi thoảng vẫn lớn tiếng gọi nhau để cắt đứt dòng thời gian đang kết mạng nhện trong con ngõ nhỏ ẩm thấp.
- Từ lề đường bước vào, người ta bắt gặp ngay một màu trắng đơn sắc từ hai bức tường dội lại cùng hàng trăm bức thư gốm ngổn ngang không một dòng chữ, bày la liệt khắp gian phòng đầu tiên. Mình nhớ đến Thư chết của Linda Lê – một tác giả mà Linh rất ám ảnh, và chắc cũng ít nhiều tìm thấy những đồng điệu, âm vang. Nhìn những tờ thư gốm của Linh, mình hình dung ra cả cách em chế tác ra chúng. Những thử nghiệm không ngừng trên bàn xoay và hàng ngàn giờ phút trôi qua bên lò nung để chất liệu thành hình trong sự bảo lưu nguyên vẹn vẻ xác xơ, tàn lụi, rã rời của chúng. Những bức thư trải phẳng, nhàu nhĩ, cuộn lại, vò xé, mở bung ra hay gập nửa chỏng chơ trên sàn. Giữa màu trắng im lặng ấy, chúng hóa thành một thân người 12 năm gập mình trong các biến điệu của nỗi đau – mối giao tiếp duy nhất của nghệ sĩ đối với người cha quá cố. Công bằng mà nói, làm việc với gốm là một thể nghiệm tương đối hành xác. Giống như người ta chạy bộ để mồ hôi tiết ra theo nước mắt, dùng gốm để phơi bày sự tan vỡ, cái mong manh và một nỗi giằng xé không lời âm ỉ hết ngày này qua tháng khác là một sự tự lưu đày để thể nghiệm lại nỗi đau khắc kỷ của chính thân nhân mình.
Trong văn hóa Á Đông, màu trắng tượng trưng cho sự tang tóc và quên lãng. Trong một gia đình Á Đông truyền thống, cuộc trò chuyện của đứa con với người cha dường như khó khăn hơn so với người mẹ. Việc thể hiện tình cảm cũng vậy, nhất là những tình cảm bi lụy. Người cha thường là người im lặng và giao tiếp nhiều hơn thông qua các ngôn ngữ không lời. Bởi thế, những bức thư trắng của Linh chẳng những cho mình sống lại và cảm biết đầy đủ hơn những khó khăn trong giao tiếp và biểu đạt tình thương với những người đàn ông lớn tuổi trong gia đình, mà còn khiến mình chạm được nỗi đau rã rời mà tất cả chúng mình đều mang cất trong kí ức, toát ra từ những khoảng lặng chung quanh. Lựa chọn làm một công việc nhọc nhằn với gốm, cũng là Linh đang xoay vần, đang nung nấu, đang chờ đợi sự bất khả và niềm khao khát được kết nối với cha thành hình trong suốt ngần ấy năm qua.
- Căn phòng của mẹ là căn phòng khiến nhiều người thảng thốt hơn cả, mình dám chắc vậy. Nhìn những tấm áo bay lặng lẽ trên sàn, chăn sơ sinh trắng toát trên chiếu, không ai ngờ rằng ngôn ngữ gốm chẳng những biểu đạt được sự chết, mà còn có thể biểu đạt được một cuộc sinh nở sống động đến thế. Sự gọn gàng, mềm mại, thuần khiết của những tấm chăn vương mùi sữa như thức gọi trong người xem một mĩ cảm tính nữ ấu thơ, một khoái cảm hồng hoang về việc vuốt ve, bú mớm, chăm ẵm, nuôi dưỡng, ấp ủ, tất thảy đều mong manh, trần trụi và mời gợi bao đau đớn. Một lần nữa, ra khỏi cuộc hành xác với những bức thư chết khao khát chạm đến cha, Linh tiếp tục tạo tác những lớp chăn sơ sinh xếp chồng lên nhau ngay ngắn, lớp này qua lớp khác, như thể đang hoài thai lại chính cuộc hoài thai kiên nhẫn, yêu thương và khổ ải của mẹ. Lao động với gốm cũng chính là Linh đang cuốc đất, trồng cây, dãi dầu lại những nắng mưa hằn vết trên cổ trên tay người mẹ quê nhà mà em suốt đời mang nợ. Mình bảo Linh, mình nhớ đến Trắng của Han Kang. Nhưng Han Kang Hàn quá, còn Linh thì Việt Nam. Rời khỏi đất, bùn lấm luốc hay những đường gân thớ thịt rắn rỏi, người phụ nữ nông thôn trong tác phẩm hiện lên với tất cả tính nữ nguyên bản và khả năng tổn thương trong chính những lao động hàng ngày của mình.
Khăn cho tang lễ, khăn cho sinh nở, cái màu trắng mà người Á Đông rất thích dùng vào những nghi thức ước lệ như một cách thanh tẩy bi thương trong kí ức con người, để khi nhìn lại, ta chỉ thấy các mảng màu đơn sắc phủ lên vạn vật một tấm vải xô mỏng tang: không vui không buồn, không lời, không nghĩa, xóa tan và bắt đầu lại…
- Ám ảnh nhất đối với mình có lẽ là phụ chương Da ở góc phòng trưng bày Mẹ. Ở đó có lớp da sứ mỏng của một vùng da bị tổn thương do tai nạn giao thông, lụa bọc gỗ vụn và tro rỉ ra từ gạch, kèm một tấm vải gốm trắng xếp trong xó tối. Mình đã trông thấy Linh, trông thấy một cô bé đang tự hoài thai lại chính mình trong lòng mẹ, tuy ở bên mẹ nhưng luôn lặng lẽ ngắm nhìn những nỗi đau của bà từ xa và cũng như với cha, Linh rất khó để chạm đến mẹ, nhất là sau những tháng ngày dài xa quê, lăn lộn ở rìa thành phố, không thuộc-về một nơi chốn nào cả. Nếu người cha là một căn phòng rộng rinh, mẹ là một phòng nhỏ, quê hương là sân thượng thênh thang, thì Linh chỉ là một góc trơ trọi nép cạnh mẹ mình. Da thịt chỉ còn lại một lớp không lành lặn, tro đang rỉ ra, và gỗ vụn túa những hạt bụi li ti khỏi miếng lụa buộc hờ. Bất an, cô độc, sợ hãi, mình tìm thấy mình trong những biểu đạt thu lại nơi góc phòng của em.
- Triển lãm kết thúc ở tầng 2, ngoài sân thượng, một tấm lợp fibre cement quen thuộc của làng quê Bắc bộ trình hiện giữa cỏ cây và không khí ngoại ô. Mình thích cái cách những tấm lợp trắng đặc ấy rữa ra vì mưa nắng tự nhiên trong suốt thời gian triển lãm, như thể chúng ta đang được chiêm ngưỡng tác phẩm tự nó hủy hoại chính mình để cống hiến cho người xem một thực hành bi cảm thứ thiệt nhất. Nếu nghệ thuật còn một nghĩa lý gì với đời, thì chắc là ở chỗ nó còn giục, còn kéo, còn ngạo nghễ quăng chúng ta vào những trạng thái không dễ chịu, buộc chúng ta phải vật lộn với sự vô tri dẫu có phải phân rã bản thể trong cuộc chơi nghiệt ngã ấy. Và cũng giống như nhan đề tác phẩm, “mây bay là bay rồi”. Dưới bầu trời ngoại ô xám xịt, mái nhà quê của Linh đang lũa vào mưa gió để nói cho chúng ta về sự hiện hữu của những nỗi đau thường nhật vẫn đang ngọ nguậy sống và tan ra mỗi ngày…
- Bốn góc. Bốn thể nghiệm của gốm trắng tái hiện một không gian nông thôn Bắc bộ không bùn đất, không đồng áng, hoa màu, cây cỏ, chỉ có sắc trắng của những kí ức riêng tư gợi lên cả một vùng văn hóa tổn thương ngưng đọng trong lòng thành phố. Một kí ức xuyên suốt đến hiện tại với những khát khao kết nối của nhiều thế hệ, cả đàn ông lẫn đàn bà…
Rời khỏi triển lãm, mình ôm Linh rồi hít một hơi thật mạnh, cho cái mùi ngoại ô, cái mùi quê kiểng của hai đứa mình hòa vào nhau thêm một chút, một chút nữa, trước khi mây lại bay đi thật xa…
Đinh Thảo
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện đang công tác tại Tạp chí Phương Đông, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông.