Nghệ thuật trình diễn ở Hà Nội, Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào những năm 1990 và gần như gắn liền với những cái tên và các không gian quan trọng như Nhà Sàn Studio, Veronika Radulovic hay Đào Anh Khánh… Tuy nhiên, vào năm 2014, Nguyễn Thuỷ Tiên (sn. 1993), một nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia trẻ, tham dự một chương trình của Nhà Sàn 15+ và tạo nên một trình diễn gây tranh cãi có tên ‘Yoko’. Tác phẩm này vẫn được thảo luận và bàn tán cho tới tận ngày nay. ‘Yoko’ (2014) là một tác phẩm trình diễn quan trọng để hiểu thêm về động năng giữa nghệ thuật và quyền lực, một phản tư của người nghệ sĩ về việc tái trình hiện bản thân và tạo dựng bản thân trong bối cảnh Việt Nam.

Bài phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt và sau được biên tập, rút gọn lại và dịch sang tiếng Anh đăng trên tạp chí Southeast of Now, Volume 6, Number 1, March 2022. Phiên bản dưới đây giữ lại toàn bộ, gần như không biên tập, cuộc nói chuyện giữa Thuỷ Tiên và Tường Linh.

ID (2013–14), C-printing, labour job, Phnom Penh, Cambodia.
ID (2013–14), C-printing, labour job, Phnom Penh, Cambodia.
First message, Yoko (2014–present), durational performance.
Yoko (2014–present), durational performance, various locations. Video footage by Ta Minh Duc.
Stage, Yoko (2014–present), durational performance, various locations.
Yoko (2014–present), durational performance, various locations.
Used towels from customers, Yoko (2014–present), durational performance.
First week salary, Yoko (2014–present), durational performance.
A Gift, Yoko (2014–present), durational performance.
Room opened and closed, Yoko (2014–present), durational performance, Hanoi, Vietnam.

Tường Linh (TL): Em có thể kể về lúc em có ý tưởng về tác phẩm ‘Yoko’ từ năm 2014 và vẫn tiếp tục tới tận bây giờ như thế nào không?

Thuỷ Tiên (TT): Hồi xưa em học Khóa chụp ảnh ở Angkor (Angkor Photo Festival & Workshops), không hiểu sao em rất thích làm về những “identities” (danh tính) khác nhau. Thế là em quyết định làm thử những nghề khác nhau, giả dối thành những danh phận khác nhau, rồi chụp ảnh lại. Nhưng trong khuôn khổ của chương trình như vậy, mình không thể làm được trong thời gian dài mà chỉ có thể làm trong một khoảng thời gian rất là ngắn. Mỗi nghề em dành ra khoảng 3-4 ngày để làm, với 2-3 nghề một lúc rồi chụp ảnh lại. Lúc đấy em cũng cảm thấy nó như một dạng “role-playing” (nhập vai), nó rất là thật. Có công việc được trả tiền nhưng có công việc chỉ làm để vui và để chụp ảnh lại thôi. Mình giải thích với người chủ như thế, rồi họ cho mình làm. Làm mannequin này, rồi chăm sóc người già ở chùa, làm pê-đê hát và nhảy nhót ở chợ đêm. Có những cái mình thấy rất thật nhưng khi hiện lên ảnh thì nó trở thành “performance”.

Hồi xưa em học nhiếp ảnh, em đã bắt đầu với khía cạnh “identity” nhưng là “identity” của việc chụp ảnh. Khi mình chụp ảnh, nền tảng nhiếp ảnh đấy làm cho mọi thứ trở nên không thật, trở nên kịch, đôi khi giả dối. Khi bắt đầu với một số nghề nghiệp, em cảm thấy có một số môi trường rất thú vị, ví dụ như môi trường karaoke, chợ đêm,… Đối với em những môi trường đó rất hấp dẫn. Sau khi kết thúc khóa nhiếp ảnh Angkor trở về Việt Nam, em quyết định khai thác nhiều hơn ở những môi trường đó, nơi mà mình không hiểu rõ và xã hội thì không cởi mở cho lắm.

Ngày còn trẻ em cũng nghĩ mình “trẻ trung, đầu gấu” lắm, mình rất cởi mở và khi thấy một môi trường như vậy thì rất tò mò và muốn tìm hiểu. Em quyết định về Việt Nam em sẽ không chụp ảnh nữa mà làm công việc của một “karaoke hostess” (từ chỉ các cô gái phục vụ quán karaoke), giả dối luôn về danh tính của mình. Em bắt đầu kết nối việc đi làm ở quán karaoke đó với chủ đề “identity” hơn, danh tính trong vai trò người nghệ sĩ và danh tính như một cô gái phục vụ quán karaoke. 

Em vẫn còn nhớ đó là một quán karaoke ở phố Triệu Việt Vương. Đó là một khu phố với rất nhiều hàng quán dành cho người Nhật, trông rất đèn mờ. Em tìm trên mạng xem các quán này có tuyển người không, và cũng không nghĩ gì nhiều lắm. Khi làm trong các quán đó, em cũng chẳng cảm thấy gì đâu, mới đầu chỉ thấy buồn cười thôi. Người ta bảo làm việc này việc kia, giải trí cho người này người kia… Sau đó dần dần cũng thấy quen hơn, thích môi trường đó hơn và em dần thoải mái với việc buổi tối em lại trở thành một con người khác. Có lúc em cũng chụp lại bằng chiếc điện thoại Nokia cùi của mình, nhưng nhiều lúc em cũng quên luôn là mình cần phải ghi lại tư liệu. Em rất thích việc có “double identities” (danh tính kép), tuy nhiên, nó cũng khiến em đôi lúc lẫn lộn giữa hai danh tính, hai thân phận. Có những ngày thấy bực bội, cảm thấy không được tôn trọng. Có lúc cũng cảm thấy đầy sức mạnh bởi mình có thể giả vờ như không biết gì, nhưng thực ra mình đã ghi lại hết trong đầu rồi. Những người đàn ông đến đó họ không biết rằng sự hiện diện của người ta sẽ có ảnh hưởng như thế nào.

Sau một thời gian thì em bắt đầu cảm thấy khủng hoảng, em nghỉ làm tại quán một thời gian. Đó là thời điểm em quyết định làm một tác phẩm ở trên núi, mở một phòng karaoke. Khi mình đi qua những phòng karaoke, mình luôn tò mò về việc việc gì sẽ xảy ra ở trong, nhưng thực ra tất cả chỉ xảy ra trong đầu mình thôi. Khi nào em nghĩ mình là một nghệ sĩ thì em sẽ là một nghệ sĩ. Ngược lại, khi em nghĩ mình là một “karaoke hostess” thì em sẽ là một “karaoke hostess”. Khi làm tác phẩm này, em muốn xem mọi người nghĩ gì về “identity” của em. Một nghệ sĩ tham gia vào “festival” đó nhưng lại đặt trong một tình huống rất “đèn mờ” như vậy, thì mọi người có còn nghĩ em là nghệ sĩ nữa không hay là một “cô gái điếm”. Em thấy rất thú vị với việc đó bởi vì khi mình dàn dựng tình huống giả định đó, mình đặt ra luật chơi, nhưng người chơi lại nghĩ họ vận hành cuộc chơi đấy. Em có nhờ anh Tuấn Mami làm “má mì”. Mami sẽ thu thập tên rồi toàn quyền sắp xếp xem ai được vào trước, ai được vào sau. Ai vào thì cũng không có gì đâu, chỉ có hát karaoke và ăn bánh ngọt các thứ. Nhưng cũng có trường hợp rất buồn cười trong căn phòng ấy dù không có điều gì vượt quá mong đợi hay bất ngờ với em. Tuy nhiên mọi người thì nghĩ khá nhiều. Em thì thấy rằng khi một ai đó bước vào căn phòng ấy, dù là nghệ sĩ hay giám tuyển thì họ cũng đặt bản thân họ là một khách hàng của em. Khi họ bỏ tiền ra thì họ nghĩ rằng họ phải được một cái gì đó, ít nhất là chia sẻ được, nói chuyện được, sờ soạng được, ăn uống được hay hát karaoke được. Nói chung là họ có trông đợi để đạt được gì đó bởi đây là một dịch vụ trao đổi giá trị. 

Sau buổi hôm đó thì em cũng khá kiệt sức vì em cảm thấy mình vừa phải đặt bản thân là một nghệ sĩ vừa là một “hostess”. Em quyết định dừng màn trình diễn đó.

TL: Vậy là sau buổi “festival” trên núi đó thì em không quay trở lại quán karaoke ở Triệu Việt Vương làm nữa?

TT: Không, em không quay lại nữa. Em làm ở Sài Gòn, cũng nghề đó nhưng môi trường ở Sài Gòn khác lắm. Mọi người rất mở với “identity” của mình. Em cảm thấy hòa nhập được hơn, thậm chí gần như là ban ngày làm nghệ sĩ, đến tối đi làm “hostess” để kiếm thêm tiền. Em cũng vẫn còn giữ liên lạc với rất nhiều khách hàng cũng như đồng nghiệp trước đây. Nó đã gần như trở thành một phần “identity” của mình kể từ khi vào Sài Gòn. Còn công việc ở Triệu Việt Vương thì như hai mặt đối lập.

TL: Sau buổi trình diễn ở trên núi đó em đã cảm thấy bản thân mệt mỏi khi phải đóng cùng lúc hai vai, mệt hơn việc khi ra ngoài kia người ta không biết em là ai?

TT: Đúng ạ. Khi làm việc ở quán kia em thường vạch ra rất rõ. Ví dụ hôm nay mình phải thu thập tư liệu, mình phải chú ý tới mọi thứ. Nhưng có những hôm thì em cho mình được thoải mái hơn, cảm thấy mình là một cô “hostess” đúng nghĩa. Ngày đó thì mọi người còn không biết tên thật của em. Em đi làm với một cái hồ sơ xin việc giả, không ai quan tâm, không ai kiểm tra.

TL: Tại sao em lại chọn cái tên cho dự án là ‘Yoko’?

TT: Không hiểu sao hồi xưa em đã rất thích cái tên đó, dù nó không liên quan gì tới Yoko Ono đâu. Cái tên đó em thấy rất hay, và khi em đi làm ở quán karaoke thì mọi người phải chọn một cái tên Nhật hoặc tên Tây. Mà em thì không thích Anna các thứ nên em chọn Yoko. Mọi người ở quán đó đều gọi em là Yoko, kể cả người quản lý Mamasan biết tên thật của em cũng chỉ gọi em là Yoko.

TL: Tại sao lúc đấy em lại chọn một quán Nhật thay vì một quán karaoke Việt Nam bình thường?

TT: Em cũng không rõ nữa nhưng có lẽ bởi vì các quán karaoke của Việt Nam hoặc là loại 100% đèn mờ hoặc là loại quá rõ ràng quá. Nhưng những quán Nhật này thì khá tò mò khi những cô gái phục vụ thường mặc áo dài, em không nghĩ họ có thể hoạt động bán dâm ở đó được. Cái chính là em không biết những hành động giải trí ở đó là gì và khi em hỏi công việc có liên quan tới bán dâm không thì họ cũng nói rõ là không có nếu như mình không muốn. Đây là một thể loại “emotional labour” (lao động cảm xúc), rất là khác. 

TL: Lần đầu tiên em đến ứng tuyển ở đó thì em có cảm giác thế nào về những câu hỏi họ hỏi ứng viên? Hay là em đã có trải nghiệm ở Campuchia rồi nên em không thấy quá bất ngờ lắm?

TT: Em không thấy quá nặng nề đâu. Những câu hỏi của họ cũng bình thường thôi. Em bao nhiêu tuổi, em làm gì,.. Nhưng em nghĩ là khi mình gặp họ, mình nói chuyện với họ và mình trông ưa nhìn, không quá lùn, cũng không phải là che giấu gì cả thì họ sẽ ok và nhận mình. Tại sao em lại làm ở đây, thì em bảo em cần tiền. Em rất tự tin khi đi phỏng vấn, cũng không rõ tại sao nhưng em nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn thôi. 

TL: Em đã khai một thông tin khác luôn và không ai kiểm tra lại?

TT: Đúng rồi. Không ai kiểm tra lại cả.

TL: Lúc đó là em đi học ban ngày, tối đi làm ở đó?

TT: Đúng rồi.

TL: Vậy gia đình em hay bạn bè em có ai biết điều đó không?

TT: Không, gia đình em không biết. Em chỉ bảo là em đi làm ở quán cafe thôi.

TL: Vậy là lúc đấy em cũng đang che giấu một “identity” khác với chính những người thân xung quanh?

TT: Đúng ạ. Lúc đó em cũng chỉ nói với mọi người trong Nhà Sàn là em sẽ đi làm quán này thôi. Nhưng cũng không nói rõ là ở đâu. Riêng gia đình em thì không biết.

TL: Chị cũng vừa xem lại portfolio của em, năm 2013 em đã làm một tác phẩm video tên ‘Case 1953’, em đã từng triển lãm dự án này ở Nhà Sàn Collective tại Zone 9 trong triển lãm nhóm ‘Phá dỡ ký ức’. Đây có vẻ là dự án đầu tiên mà em bắt đầu thể hiện sự quan tâm của mình dành cho chủ đề “identity”?

TT: Đúng ạ. 

TL: Tất nhiên đó là một dự án mang tính cá nhân khi mà em đi tìm chính lịch sử của bản thân. Mối quan tâm của em với “identity” chắc có lẽ cũng xuất phát từ lâu rồi. Chị nhớ lúc em làm tác phẩm cho workshop nhiếp ảnh của anh Jamie Maxtone-Graham, tác phẩm cuối cùng của em sau đấy em cũng chụp những người phụ nữ và phỏng vấn họ. Tất nhiên là kết quả có thể khác đôi chút vì có lời khuyên của Jamie nhưng chị cho rằng em đã bắt đầu quan tâm đến phụ nữ và những “identity” của họ từ lâu rồi. Em có thể chia sẻ thêm một chút về việc vì sao em quan tâm tới chủ đề này không? Dù nó không được thể hiện rõ lắm nhưng nó vẫn có cái gì đó xuyên suốt?

TT: Em nghĩ là câu hỏi về “identity” thì ai cũng sẽ có khi mình trưởng thành nhưng những người ở thế hệ trước thì họ có thể không dám nghĩ đến. Mọi người không quen với việc bỗng một ngày không biết mình là ai, không chắc chắn với việc mọi người nhìn nhận mình như thế nào hay cảm thấy mình kém may mắn vì bản thân sinh ra là phụ nữ hay sinh ra ở một tính huống éo le,.. Em đã từng khá căng thẳng vì những vấn đề xung quanh em, về gia đình, về những thiếu thốn,… Nhưng em nghĩ đó là một phần tạo nên “identity” của mình. Em vẫn luôn nghĩ về vấn đề này nhưng có lẽ chỉ khi được làm workshop với anh Jamie thì mọi thứ mới bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Những “narratives” (trần thuật, câu chuyện) về những người phụ nữ quanh em như bà em, các mẹ của em, các chị em em, thì 100% đều là “narratives” của em. Khi mà mình chụp những bức ảnh tài liệu đó, tại sao mình lại suy nghĩ về sự cô đơn, bị bỏ rơi, không thuộc về ai, có phải nó đang phản ánh chính những gì mình đang suy nghĩ không,… Những “narratives” đó có thể nói lên những gì mình đang suy nghĩ, mình thiếu thốn gì,.. rồi dần dần em mới cảm thấy từ khoá mình đang hứng thú là “identity”. Nhưng em nghĩ câu chuyện “identity” là câu chuyện ai cũng có. Ngày xưa ở trong lớp nhiếp ảnh của trường Sân khấu Điện ảnh (SKĐA), em cũng một mình. Các bạn em không thể hiểu nổi em đang làm cái gì, bạn thân của em thậm chí còn thấy em rất dở hơi, em cũng mất rất nhiều bạn. 

TL: Vậy là bản thân môi trường của trường SKĐA không khuyến khích việc các bạn đi tìm cái tôi à?

TT: Đúng rồi. Rất là lạ. Khoảng 2 năm là em không còn chơi được với nhóm bạn của em nữa và em thấy rằng câu hỏi về “identity” nó không phổ quát như mình nghĩ. Nhưng cũng có thể là do rất nhiều bạn của em là con trai và họ không chất vấn suy nghĩ ấy ở thời điểm ấy. Bạn thân em thời đấy thì không hề hiểu em, nghĩ em chạy theo những thứ “trendy” (đú đởn), vớ vẩn. Họ không hiểu được những thứ trong đầu mình và khi mình cố gắng chia sẻ thì họ không hiểu được. Tự nhiên em cũng cảm thấy khá buồn, khi mà mình muốn thực hành nghệ thuật thì bạn bè mình lại cho rằng mình đang làm cái gì khác, không phải “identity” của mình nữa. Nhưng mà khoảng 2-3 năm sau thì em lại tìm được tiếng nói chung với người bạn đấy. Có thể là do vấn đề thời gian, phải đến khi họ nhận ra được vấn đề ấy và họ cũng có câu hỏi như vậy.

TL: Khi mà em bắt đầu khóa học của anh Jamie, trong một môi trường cùng những bạn làm sáng tạo khác, lúc đấy em có cảm giác là mình đã tìm được một cộng đồng của chính mình không?

TT: Đúng ạ. Em thấy rất là khác. Vì khi em chia sẻ với gia đình hay những bạn cùng trường thì nó không “click” lắm. Cho đến khi gặp được các anh chị ở Nhà Sàn Collective thì cảm thấy những câu hỏi, những tò mò của mình được mở ra. Mình càng biết thì mình càng tò mò và càng muốn thực hành để tìm hiểu. Em rất may mắn khi có xuất phát điểm như thế.

TL: Nhưng đúng là như em nói nó chỉ ở một giai đoạn đó thôi. Những người em từng thân rồi từng không thể chia sẻ được thì bây giờ lại quay trở lại và kết nối với họ?

TT: Đúng rồi ạ. Chính xác luôn. Em cũng không hiểu sao lại có sự thay đổi như thế.

TL: Em có nghĩ là do em không va chạm với ai trong cộng đồng của Nhà Sàn Collective một cách trực tiếp mà là tác phẩm của em. Tác phẩm đó chỉ reflect một phần thôi. Chị nhớ về tác phẩm ‘Yoko’ khi mà em trình diễn lần ở trên núi, thì lần đó đáng lẽ sự kiện diễn ra ở Hà Nội. Nếu làm ở Hà Nội thì em vẫn làm tác phẩm đó chứ?

TT: Dạ vâng ạ. 

TL: Lúc đó em có nói trước với giám tuyển của chương trình đấy và xây dựng tác phẩm với cả Phương Linh không?

TT: À em chỉ nói qua qua là em muốn làm một phòng karaoke thôi ạ. 

TL: Và mọi người thì phản ứng như thế nào?

TT: Mọi người cũng bảo là thấy hay, hợp lý, cứ làm thôi ạ.

TL: Chị nhớ là lần trình diễn trên núi đó không hề có tư liệu, em không cho mọi người quay phim chụp ảnh và em cũng không quay phim chụp ảnh.

TT: Có bạn Đức bé (Tạ Minh Đức) quay khoảng 5-10 phút lúc đầu giúp em. 

TL: Vậy là những lúc sau chỉ có em và người bước vào phòng kia?

TT: Đúng ạ. 

TL: Và em bảo anh Tuấn Mami làm “má mì” đúng không? Tức là anh ấy sẽ ra chọn hay người ta đăng ký với anh ấy?

TT: Đúng rồi chị. Trai gái đều được và người ta đăng ký với anh ấy. Sau đó em có thu âm âm thanh của mọi người ở ngoài. Em có nghe lại và nó rất buồn cười. Mọi người buôn chuyện và ồn ào xung quanh phòng đấy. 

TL: Và mọi người không biết là em thu âm?

TT: Không ạ. Em cứ đặt thu âm đấy thôi. Nhưng giờ em cũng không biết là ai giữ nữa. Bản thu âm ấy và bản quay 5-10 phút của Đức bé là tư liệu duy nhất của tác phẩm đó. 

TL: Hôm ấy có con gái và những nghệ sĩ nữ người Việt vào không?

TT: Có nhiều chứ chị. Có bạn người Nhật vào. Có Phương Linh. Cũng nhiều lắm mà em không nhớ lắm. 

TL: Đó chị thấy quan trọng là ở đó. Khi mà em bảo trai gái đều có thể vào nhưng phần lớn là trai, con gái thì chủ yếu là nghệ sĩ hoặc người nước ngoài.

TT: Đúng rồi. Nhưng thật ra nó cũng khác vì mọi người đã biết em và đang ở trong một “performance” rồi. 

TL: Tuy không nhiều người nhưng mà cũng có những người đi là để xem mà. Khi vào đó thì việc tương tác sẽ chấm dứt khi em là người quyết, em mời họ ra khỏi phòng hay là họ tự đi ra?

TT: Theo phút ạ. Đúng khoảng 15-20 phút gì đó Mami gõ cửa thì người ta phải đi ra ạ. Buồn cười lắm. Cái em thấy buồn cười nhất là mọi người rất tuân thủ luật í. 

TL: Không một ai cố để ở thêm?

TT: Mọi người rất tuân thủ luật đấy và em cảm giác mọi người cũng rất hào hứng và muốn tuân thủ luật. Mọi người tham gia đóng vai của họ rất đạt. Em nhớ một đoạn khi gặp anh Sơn X (Nguyễn Xuân Sơn), có Đức bé ở đó. Có lúc em nói giọng bình thường, có lúc em giả giọng miền Nam, lúc thì lơ lớ như người nước ngoài. Mọi người cũng phản ứng theo em, rất đạt.

TL: Hôm ấy em ngồi từ 6h tối đúng không?

TT: Vâng em ngồi từ 6h tối đến 1h sáng. 

TL: Vậy cũng phải tiếp tương đối nhiều người đúng không? Thế màn trình diễn kết thúc là do không có người nào vào nữa hay là do em mệt quá?

TT: Em cũng không nhớ luôn, em nói thật. Nhưng hình như lúc đấy là hết người rồi.

TL: Đúng là có rất nhiều những lời bàn tán xung quanh việc gì xảy ra bên trong căn phòng đấy. Ngay cả chị không ở bên ngoài hôm đấy mà chị còn nghe được từ người này đến người kia về em. Em đã trở thành một cái tên để được nhắc tới ấy.

TT: Em thấy mấy chuyện bàn tán, đồn đại đấy rất là buồn cười. Em cũng không để tâm đến nó đâu, em nghĩ nó vui mà. Việc người này kể qua người kia kể biến tấu toàn bộ cái nguyên gốc cũng hay, giống như việc em thay đổi “identity” của mình và hàng ngày nó cũng bị biến dạng và chính em cũng biến tấu nó đi. 

TL: Em nói rằng cái việc tương tác của mọi người em thấy “fun” vì giống như mọi người cũng đang diễn với em.

TT: Mọi người phải nói là hoàn toàn diễn luôn, rất hào hứng với việc diễn đấy. Và những người duy nhất không diễn là nữ – Phương Linh. Tất nhiên mỗi người khách bất kỳ khi vào phòng em sẽ chào đón họ theo cái cách giống nhau, mời vào phòng, chào hỏi, đưa khăn ấm, hỏi họ ăn uống gì không. Phương Linh vào thì quan tâm và hỏi thăm, lúc đấy em thấy ngay “identity” của mình là nghệ sĩ ấy. Lúc đấy em cảm thấy mình đúng được là mình, như một nhịp nghỉ trong màn trình diễn. Còn một cô gái Nhật thì vừa vào chưa kịp gì đã nói luôn về chuyện cuộc sống của cô ấy, em lại phải diễn theo.

TL: Trong số những người em gặp, dù cho em bảo em đã lường trước hết rồi, em đặt ra luật để họ chơi cùng em, nhưng có trường hợp nào khiến em bất ngờ không? Hoặc có yếu tố nào tác động đến em khiến em mệt, không còn muốn đi làm ở quán kia nữa?

TT: Ở tại thời điểm ấy thì em thấy là tác phẩm đấy nó gần. Có một vài trường hợp em cũng kỳ vọng nó diễn ra như thế nào, và nó cũng diễn ra theo những gì em kỳ vọng, thậm chí là hơn, theo kỳ vọng và mong muốn của mình. Thời điểm đấy em chính xác cảm thấy đủ đầy, mệt nhưng đủ và em thấy mình cần nghỉ để phản tư lại tác phẩm này. Sau màn trình diễn ấy thì em đã nhìn nhận rõ ràng cả quá trình từ lúc em đi làm cho đến khi kết thúc buổi trình diễn thì đó hoàn toàn là công việc, một công việc hết sức tận tuỵ và đòi hỏi cam kết. Đây chính là lúc em thấy mình cần phải nghỉ, để suy nghĩ mình đã làm những gì, sẽ làm những gì tiếp. Đó là lúc bản thân thấy mệt mỏi cho cả quãng thời gian đi làm trước đây.

TL: Tính đến thời điểm em làm tác phẩm đó thì em làm công việc như một “hostess” đã được bao lâu?

TT: Khoảng 3 tháng ạ. Từ tháng 10. 

TL: Và sau tác phẩm ấy thì đúng là em cũng nghỉ hẳn một thời gian trước khi theo đuổi tác phẩm tiếp theo?

TT: Vâng. Thật ra sau tác phẩm đó thì em cũng không làm gì mấy vì mọi người đều nói về tác phẩm ấy nhiều. Sau tác phẩm đấy em cũng khá nặng nề bởi nó thực sự kiệt sức về mặt cảm xúc. Và em cũng bị căng thẳng vì cái tác phẩm đấy phải theo hướng này. Hồi đó em còn trẻ và em luôn tự kỳ vọng mình rằng tác phẩm phải ra sao, phải identify tác phẩm như thế nào. Và trong một khoảng thời gian em thấy em không còn là em nữa. Vậy nên em quyết định dừng, không làm trong một thời gian. 

TL: Kiểu như nghỉ không làm nghệ thuật một thời gian luôn? Vì dạng nghệ thuật đó quá gắn với cuộc sống của mình và làm mình thấy mệt?

TT: Vâng ạ. 

Case 1953 (2013), video, collected evidence, performance, Nhà Sàn Collective, Hanoi, Vietnam.
Avery Fragile, Will? (2015)
Avery Fragile, Will 2 (2016)
Would you take care of my fake plastic trees (2018), performative installation, video, engraved poem on plexiglass, Japan.

TL: Ngay sau đấy thì em vào Sài Gòn để tham gia Sàn Art Laboratory?

TT: Em nghĩ là sau đợt Sàn Art thì mới đến quãng nghỉ của em. Lúc em vào Sàn Art em vẫn có nhiều kỳ vọng. Thật ra lúc đó cũng có một biến cố lớn xảy đến với em là khi mẹ nuôi em mất. Tác phẩm của em cũng dành tặng nhiều cho mẹ. Nó cũng kết nối với “identity” của hai người phụ nữ và cái tác phẩm đấy nó rất phản ánh thời điểm của em lúc đó: rất “messy” và rất là “dark”. Sau khi làm xong thì em mới quyết định nghỉ.

TL: Trong portfolio của em có một tác phẩm tên là “Goldfish on love and everything’s in between” (Cá vàng về tình yêu và tất cả những gì ở giữa), đó là tác phẩm hồi em vào Sàn Art đúng không?

TT: Vâng đúng rồi ạ. 

TL: Trong đề xuất em gửi cho Sàn Art thì em cũng muốn làm “performance” hay họ không yêu cầu?

TT: Họ không yêu cầu về form. Lúc đấy em chỉ nói về mảng quan tâm của em là về “identity”, về ký ức và cách ký ức vận hành, về những dư dấu của “object”, chẳng hạn như mình nhớ về “object” là cái gì. Nó cũng khá gắn kết giữa “identity” và “object”, và khá liên quan tới mẹ em, nhưng em không đề cập đến. Em muốn đề xuất sử dụng một “object” nào đấy rồi mang tới một giá trị mới về nó. Em thấy nó thật sự kết nối với “identity”, nhưng lúc đấy em nhìn “identity” xa với cách trực tiếp về em là nghệ sĩ hơn, nó mang một “identity” trở nên “universal” hơn, “general” hơn. Cách “identity” được thay đổi như thế nào, qua lịch sử, qua ký ức. Và nó trở nên kín đáo hơn.

TL: Và cái này hoàn toàn là sắp đặt hay em có làm trình diễn hôm mở xưởng?

TT: Cái đó hoàn toàn là sắp đặt ạ. Hồi đấy em vẫn đi làm ở quán karaoke Nhật ở Sài Gòn. Em đi làm vì em muốn tìm hiểu xem có sự khác biệt như thế nào, và em cũng cô đơn ở đó nữa.

TL: Hồi ấy em lưu trú với ai?

TT: Một bạn tên là Ratu Saras, nghệ sĩ người Indonesia, và chị Võ Trân Châu. 

TL: Mentor (cố vấn) của em lúc đó là ai?

TT: Là anh Matt Lucero (cựu thành viên nhóm The Propeller Group) và chị Trâm Kha. Anh chị ấy rất là ủng hộ về mặt tình cảm, về mặt ý tưởng. Tuy nhiên về mặt hoàn thiện tác phẩm thì là lần đầu tiên em tự hoàn thành một cách hữu cơ và tự nhiên. 

TL: Với nhóm mentor, nghệ sĩ và giám tuyển?

TT: Đúng. Zoe Butt và chị Phan Thảo Nguyên khá quan ngại vì em là một nghệ sĩ trẻ, là nữ và những tác phẩm em làm thì đều liên quan đến các môi trường của những phụ nữ trẻ, đẹp. Vậy mọi thứ sẽ ra sao khi em không còn là một phụ nữ trẻ và không còn xinh đẹp nữa. Kiểu như cái “identity” đó đóng vai trò quá là lớn trong tác phẩm của em và em sẽ không thể tiếp tục làm được một tác phẩm như thế nữa khi lớn tuổi hơn. Em cũng không biết nữa. Lúc đấy em cũng chẳng nghĩ nhiều. Nhưng việc mọi người nghĩ tác phẩm của em đặt em vào một tình thế nạn nhân hoá là một câu hỏi thú vị và rất cần thiết. 

Bởi tác phẩm của em là một cái sắp đặt trong một căn phòng của người phụ nữ, nhưng không ai biết người phụ nữ ấy đã đi đâu, đã bị làm sao. Thật ra là người phụ nữ ấy đã mất rồi. Câu chuyện của em là người giết người phụ nữ ấy cũng ở căn phòng đấy luôn, họ rất yêu người phụ nữ đó và quyết định giết người đó để giữ mãi tình yêu với ông ta. Cũng giống như việc mẹ nuôi của em mất, em rất muốn giữ một cái gì đấy và cảm thấy hơi ám ảnh với cái việc mình phải sưu tập hết đồ của người ta, mình phải giữ những thứ đó. Nó gắn kết với việc mình muốn giữ “identity” của người ta như thế nào cho mãi mãi. Câu chuyện đó cũng như việc khi mà em không đi làm ở quán karaoke trong Sài Gòn nữa, giống như em đã giết chết một “identity” của em. Rất nhiều thứ chết chóc xảy ra và em cảm thấy thời điểm đó nó rất tăm tối và khó khăn với em.

Thế nhưng em nghĩ rằng việc đặt một người phụ nữ vào tình thế nạn nhân trong câu chuyện và xây dựng tác phẩm ấy lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Có thể người phụ nữ ấy là một phần của mình hoặc một phần rất chung khác, nhưng khi mình xây dựng tác phẩm đó là khi mình đã có một khoảng cách rất là xa với “identity” đấy rồi.

Em thì không thấy bản thân mình nạn nhân hoá nhưng có thể mình là một người vừa gần vừa xa với tác phẩm, không thể nhìn được một cách rõ ràng. Đây là điều đáng nhớ nhất trong buổi critic của em. 

TL: Những người khác thì nghĩ sao?

TT: Anh Tuấn Andrew có nói một ý rất hay. Anh ấy bảo rằng cô này đặt ra một cái mục tiêu là sẽ làm những môi trường đó từ đầu. Vậy có thể cô ấy không phải là nạn nhân đâu mà cô ấy đặt ra cả một cấu trúc từ đầu rồi. Việc mình đang “critic” cô ấy dưới dạng “You don’t know you victimize yourself” (Bạn không biết là bạn đang nạn nhân hoá bản thân) cũng có thể là việc cô ấy đã lường trước. Như việc lường trước những người phụ nữ khác sẽ “critic” người phụ nữ này.

Em thấy mình cũng không hẳn hoàn toàn lường hết được trước mọi thứ nhưng em cũng không phải là người nạn nhân hoá bản thân. Em nghĩ tác phẩm đấy nó có những phần rất là chân thật, thường là em sẽ bày những cái chân thật đó ra. Thời điểm ấy rất là khó khăn với em. Và khi chia sẻ câu chuyện đấy thì em thấy nó quá cá nhân với mình. Sau đó thì em không làm “interactive performance” (trình diễn tương tác) nữa. Đó là thời điểm em bắt đầu thay đổi dần trong suy nghĩ.

TL: Em ở trong Sàn Art 6 tháng thì em đi làm ở quán được mấy tháng?

TT: Em cũng phải làm khoảng 3 tháng. 

TL: Và những đồ vật em dùng trong tác phẩm là đồ vật cá nhân của em?

TT: Đồ vật cá nhân, đồ vật làm ở quán và cả đồ vật của mẹ em. Nói chung là trộn lẫn thành một câu chuyện. Chả hạn em viết một câu chuyện về “narratives” đấy, kể về câu chuyện giết người đó ở một ngôi thứ ba. Nhân vật đó sử dụng rất nhiều tính cách của một ông khách quen của em, sử dụng rất nhiều thói quen của ông đó. Người phụ nữ bị giết thì nó rất phản ánh em và cũng phản ánh mẹ em. 

TL: Tức là căn phòng đó khi mọi người bước vào thì sẽ có một đoạn “text”. Không có “artist statement” hay gì cả mà chỉ có một câu chuyện ở trên, mọi người đọc và tưởng tượng về những đồ vật ấy?

TT: Đúng rồi. Khi chị bước vào căn phòng ấy, việc đầu tiên chị phải làm là rửa tay bằng cục xà phòng. Cục xà phòng đó được làm từ một phần cục xà phòng của mẹ em, một phần xà phòng em làm “handmade” và một phần từ cục xà phòng mà ông Ueno đưa cho em. Em xin ông ấy một cục xà phòng. 

TL: Vậy là ba cục xà phòng em làm thành một cục?

TT: Đúng rồi, em lấy một phần thôi rồi em làm thành một cục to. Sau khi rửa tay xong thì mọi người bước vào căn phòng của một ai đó nhưng mọi người sẽ cảm thấy nó rất “shady” (nhầy nhụa). Đó là cái không khí mà em tạo ra. Nhưng sau đó 3 cục xà phòng ấy vẫn còn và em vẫn đang bày nó ở Singapore.

TL: Chị thấy yếu tố cục xà phòng rất hay. Bởi vì “identity” mà vô hình của mỗi người nó sẽ liên quan đến mùi hương, về phân tử… Khi mà phân tích ở góc độ khoa học thì những gì của con người vẫn sẽ còn còn lưu lại trên đồ dùng của họ.

TT: Đúng rồi ạ. 

TL: Chị thấy sau này em cũng làm tác phẩm liên quan đến xà phòng tên “Avery Fragile, Will” năm 2015. Tác phẩm này em làm ở Nhà Sàn à?

TT: Vâng. Em bắt đầu làm tác phẩm này ở thời gian em ở Sàn Art. Trong khoảng thời gian đó em phát triển câu chuyện về xà phòng. Sau đó em mới đặt tác phẩm ở Nhà Sàn Collective tại Hanoi Creative City (1 Lương Yên) cùng tên với bộ tác phẩm trước đấy, bởi nó cùng chất liệu và nó cùng về vấn đề “identity” được hình thành như thế nào và các “identity” bị bỏ lỡ. 

Xà phòng Cô Ba là xà phòng đầu tiên của Việt Nam, em chỉ lấy một nhánh nhỏ từ câu chuyện đó thôi. Em suy nghĩ cô Ba là cô nào? Thực ra cô ấy là vợ của một ông chủ tiệm xà phòng. Tất cả mọi người đều biết về ông chồng mà không ai biết cô Ba là ai. Em thấy cái nhánh đó rất là thú vị và mọi người đều không biết cô Ba này là cô nào.

TL: Vậy cái xà bông Cô Ba này em tình cờ biết được hay nhà xưa em dùng và em có ký ức?

TT: Em tình cờ biết được thôi. Khi mà tìm hiểu về xà phòng thơm thì em mới biết đó là xà phòng đầu tiên ở Việt Nam, khi mà mình có thể tự sản xuất và tự cung cấp 100% xà phòng Việt Nam. Buồn cười là tiểu sử về ông chồng rất dài nhưng chẳng ai biết cô Ba là ai.

TL: Họ là người miền Nam hay miền Bắc?

TT: Người miền Nam ạ. Lúc mà em làm tác phẩm đấy thì em đã nghĩ nhiều hơn về “women identity” (danh tính người phụ nữ). 

TL: Kiểu như tại sao một doanh nhân, một ông già lại mượn cô gái trẻ để bán hàng ấy.

TT: Đúng vậy. Để quảng cáo. Với người doanh nhân thì ai cũng biết họ tên rõ ràng, còn cô gái kia thì không.

TL: Vậy ba mẩu xà phòng ở đây là ba mẩu như em vừa nói à?

TT: Nó là ba mẩu từ cục xà phòng to nhất ở triển lãm. 

TL: Có một ý em nói ở trước là em trình bày ở Singapore 3 mẩu xà phòng thì nó là một trưng bày hay một trình diễn khác à?

TT: Nó chỉ là một trưng bày khác thôi nhưng mà em bày ở Sing trước khi em bày ở Nhà Sàn. Em bày ba cục đó ở trong một cái kính vuông, chiếu một cái đèn neon hồng vào thôi. Em khá thích cái trưng bày ấy vì nó đơn giản nhưng nó có tiếng nói. Tác phẩm của em lúc đó trở nên vật chất hoá hơn và dựa trên đồ vật (object-based) nhiều hơn.

TL: Vậy những tác phẩm trước của em thì em cho rằng nó phù du (ít tính vật chất) hơn?

TT: Nó cũng rất mang tính thời điểm, có nhiều tương tác. Thật ra bây giờ em vẫn thích việc tạo tình huống và các tác phẩm của em bây giờ vẫn mang tính tạo tình huống nhiều dù nó là dựa trên đồ vật. Trước đây việc tạo tình huống liên quan rất nhiều đến con người, hay cụ thể là người tham gia. Hiện tại thì khác. Em thấy thực hành của em hiện tại thiên hơn về làm việc trong xưởng nhưng em cũng khá thích việc đó.

TL: Phiên bản cô Ba sau này em làm là em tự thiết kế? Em tự tưởng tượng ra một cô Ba?

TT: Đúng rồi. Em tự tưởng tượng ra. Thật ra cô Ba được lấy hình ảnh từ cô diễn viên người Việt gốc Pháp mà hồi xưa rất là nổi tiếng vì cô ấy có một cảnh porn rất táo bạo. Em lấy y hệt hình ảnh cho cô Ba nhưng thay mặt cô diễn viên. Em làm một cái trưng bày như ở siêu thị và quảng cáo xà phòng này là thứ dùng sẽ trở nên xinh đẹp. Và em cũng nói về các tiêu chuẩn vẻ đẹp, rồi về “identity”…  

TL: Vậy từ “Me-Moir” là em cũng tự lái đi à?

TT: Kiểu như nó là viết sai chính tả của từ “Memory” nhưng mà cũng là kiểu “Ce-Moi”, nghĩa là tôi đây. Thời đó em cũng đi làm ở công ty sản xuất quảng cáo, làm quảng cáo cho các nhãn hàng, trong đó có Toyota. Em rất thích việc sử dụng các quảng cáo bóng bẩy, lên chiến dịch truyền thông các thứ,…

TL: Vậy là lúc đó công việc ban ngày của em đã là làm quảng cáo rồi?

TT: Vâng lúc đó em mới bắt đầu.

TL: Chị nhớ có lần nào đấy em còn làm lại tác phẩm trình diễn trên núi ở Nhà Sàn Collective ở Hanoi Creative City đúng không?

TT: Đúng rồi ạ. Nhưng không hẳn là trình diễn như ở trên núi đâu. Lúc đó [là một trong các nghệ sĩ tham gia sự kiện trình diễn “từ . tới” của Nhà Sàn Collective, tháng 2/8/2015], em đi dán khắp thành phố một cái poster có nội dung: “Nếu bạn đọc được poster này thì bạn có 15 phút để nói hết tất cả những bí mật của bạn”. Họ có thể gọi điện thoại cho em, hoặc đến đây để gặp em. Kiểu như một hòm thú nhận (confession box). Có rất nhiều người đến. Có người lạ và có người quen. Thậm chí các bạn học đại học của em cũng đến. Và tự nhiên như kiểu mình viết một thư tình rải khắp thành phố và người ta hồi âm lại thư tình của mình. Em thấy nó rất lãng mạn, không liên quan gì đến “identity” cả.

TL: Em vẫn mặc như Yoko hay em chỉ là em thôi?

TT: Em chỉ là em thôi. Em mặc như bình thường, đúng cái bộ quần áo mà em mặc khi dán poster ấy. 

TL: Mọi người đến nói chuyện thôi chứ không nhập vai như trong tác phẩm ‘Yoko’?

TT: Không hề. Mọi người chỉ đến uống rượu và nói chuyện trong một không gian riêng tư. Em thấy nó rất đáng yêu. Khi nhiều người mình không kỳ vọng họ đến thì họ lại đến với mình. 

TL: Chị thấy rằng bẵng đi một thời gian, khi em đi làm nghệ thuật ở một nước khác, em lại có thể bắt đầu một cách mới mẻ hoàn toàn, không liên quan tới những gì em làm ở Việt Nam. Em cũng di chuyển nhiều và có nhiều trải nghiệm. Chị nghĩ rằng đối với em có thể nó là trải nghiệm đơn thuần thôi chứ em cũng không coi nó là một cái tác phẩm đúng không? Nhưng dĩ nhiên là khi em đi tới một nơi văn hóa xã hội khác thì em cũng đã mang một “identity” khác rồi.

TT: Vâng. Thật ra điều đó đúng. Em thấy rất buồn cười vì nhiều khi em đi những nơi khác nhau và mọi người hỏi em làm gì, câu trả lời của em rất là khác. Có lúc em bảo em học báo chí, mọi người sẽ “critic” khác. Có lúc em bảo em làm Toyota. Có lúc em cũng bảo em thực hành nghệ thuật. Ba câu trả lời tạo ra ba cái “identity”, ba quan tâm khác nhau. Ba quan tâm đó đều định hình nên các thực hành của em rất nhiều. Lúc đi làm quảng cáo khi ở trong một môi trường rất có tính thương mại thì em thấy nó nhảm nhí, buồn cười, và cực thú vị với em. Em thấy bản thân chơi đùa với các “identities” của mình và em cũng thấy bản thân là một người thích nghi khá nhanh. Nhưng nó cũng khiến cho em đôi lúc đặt câu hỏi về việc thích nghi đấy nó đến từ thời kỳ nào, nó đến từ đâu,… Ví dụ như gia đình của em làm cho em thích nghi rất nhiều, việc di chuyển nhiều, đi nhiều cũng làm em thích nghi nhiều. Nó khiến em cảm giác mình không có một bản sắc tác phẩm như những người khác. Mọi người hình thành cái bản sắc tác phẩm đó rất sớm và rõ ràng, như ở Việt Nam em thấy mọi người đều có.

Với bản thân em thì em không rõ là em không biết, em không muốn hay bản sắc tác phẩm của em là luôn “deform” (giã dạng), “transform” (biến dạng), luôn nói về việc thích nghi hay thất bại trong việc thích nghi. Đó là điều em càng cảm thấy rõ ràng hơn và em thể hiện rõ hơn trong tác phẩm cũng như thực hành trong xưởng của mình. Nhưng em cũng ngày càng nhìn rõ bản chất con người em và bản chất tác phẩm của em luôn luôn về việc thay đổi và cố gắng để hòa mình vào một cái gì đấy nhưng không bao giờ có thể hòa mình vào được.

Em rất thích các anh chị ở Nhà Sàn Collective nhưng em không thể nào trở thành một phần trong số họ được. Bởi em cảm thấy mình không vừa vào và không thể sống một cách này hay ứng xử theo một cung cách nào đó. 

TL: Khi nhìn lại toàn bộ tác phẩm của em nó cũng rất em đấy chứ. Có thể nó vào thời điểm của em khi làm khi so sánh với các anh chị ở Sàn Art thì mọi người sẽ có một phong cách nhất quán. Tuy nhiên, nếu nói về một thế hệ di chuyển nhiều, “transnational” (xuyên quốc gia), ở đâu em cũng có thể cảm thấy mình là một phần của nơi đó nhưng mình không phải ở đây, thì chị thấy việc đấy phản ánh rất là rõ trong tác phẩm của em. Em cũng không nhất thiết ở trong một chủ đề. Cũng như các anh chị kia thì mình cũng không thể nào bảo họ phải theo mình được. Họ sinh ra ở thời đó, văn hóa của họ mạnh, đậm. Họ phải đúng như thế họ mới tồn tại được chẳng hạn. Còn mình thì có thể thích nghi và trở thành một thứ mềm như chất lỏng, có thể chảy và chuyển hóa trong nhiều hoàn cảnh. Chị nghĩ nó thậm chí còn phản ánh cho cả một thế hệ nữa.

TT: Vâng đúng rồi ạ. 

TL: Chị thấy rất tiếc khi các tác phẩm của em rất hay nhưng chưa có ai viết về nó. Mặc dù em giỏi tiếng Anh, em có thể viết nhưng khi viết thì nó vẫn là cảm xúc cá nhân của em. Còn người bên ngoài thì họ sẽ bối cảnh hoá được, kết nối được để viết.

TT: Thật ra đúng là như vậy nhưng cũng khó để có thể kết nối được mọi thứ vì nó khá phức tạp. Có chị Julia Holz cũng thích viết về tác phẩm của em, đặc biệt là từ sê-ri ‘Yoko’ đến sê-ri xà phòng. Nhưng mà em cảm thấy rất khó để có thể giải thích được.

TL: Chị ấy có phỏng vấn em nhiều và viết trong luận văn của chị ấy không?

TT: Có. Chị ấy cũng phỏng vấn em mấy lần. Đến thăm xưởng của em một lần. Em thấy khó ở chỗ có thể giải thích tại sao việc ấy lại thú vị với em. Ví dụ như tác phẩm ‘Yoko’, chị ấy chỉ có thể hiểu được phần liên quan tới “mại dâm” thôi còn em cho rằng nó còn rộng hơn cả. Nó còn về “taboo” (điều cấm kỵ), những gì được nghĩ về những điều cấm kỵ và phản ánh cấu trúc và động năng quyền lực nhiều hơn. Khởi điểm em thấy hứng thú với môi trường đó, nhưng khi nó trở thành tác phẩm thì nó về vấn đề động năng quyền lực nhiều. Em muốn nhấn mạnh về đó. Nhưng khi chị ấy viết thì chị ấy muốn hướng về nghiên cứu của chị ấy, đó là điều rất bình thường. Vì thế em thấy rất khó để giải thích rằng kết thúc của tác phẩm không chỉ là về giới.

TL: Khía cạnh giới hay mại dâm là cách dễ dàng nhất để nghĩ về tác phẩm này. Bình thường khi nói về châu Á, trong phim ảnh hay các tác phẩm dạng khác cũng khắc hoạ vấn đề này như thế rồi và nó còn là cả về những bàn tán xung quanh và nhiều vấn đề khác nữa.

Bản quyền thuộc về Đỗ Tường Linh và Nguyễn Thuỷ Tiên.

Đỗ Tường Linh học lịch sử nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội và tại khoa Nghệ thuật đương đại châu Á và châu Phi ở SOAS (Đại học London). Nghiên cứu của cô tập trung vào nghệ thuật tiền phong và đương đại Việt Nam hậu Đổi Mới, quan hệ giữa Việt Nam và các nước hậu xã hội chủ nghĩa, và giữa Việt Nam và châu Phi. Cô hiện đang sống tại Hà Nội và làm việc trong vai trò giám tuyển, nhà nghiên cứu và nhà giáo dục.

Thuỷ Tiên Nguyễn (sinh ra tại Hà Nội, Việt Nam, hiện sống tại Frankfurt). Thuỷ Tiên hứng thú với những cách các ký ức cá nhân và tập thể bị biến dạng, tan rã và tái cấu trúc. Các tác phẩm gần đây của cô mang cảm thức về nhà, quê hương, cũng như sự bất khả luôn dao động trong việc định vị giữa các môi trường. Dù sử dụng điêu khắc, sắp đặt, nhiếp ảnh hay các tình huống, thực hành của cô thường mang vẻ vụng về và là các sự xảy ra tình cờ, tạo ra không gian cho sự nhiễu loạn. https://www.thuytienoi.com/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.