Rồi Sẽ Đến Lúc” — trưng bày cá nhân đầu tiên của Nguyễn Đức Huy — gợi lên một không gian chuyển tiếp, lửng lơ giữa ranh giới của riêng và chung, của những thân hình luyện tập thể thao và sự ngưng đọng kéo dài của thời gian. Ở nơi này, các góc nhìn liên tục dịch chuyển khi nghệ sĩ đào sâu vào quá trình nghiên cứu hình thể nam tính trong bối cảnh nhà riêng đến những sân chơi thể thao, và ngược lại. Từ những cận cảnh tới những góc mở, cùng những cú nhảy mượt mà của khung cảnh nền, sự chuyển dịch này gợi mở tới sự truyền động không ngừng của các sự kiện thường được thấy trong những môn thể thao trên truyền hình.

Bát mã truy phong lấy cảm hứng từ bức tranh phong thủy cùng tên, mô tả một đàn ngựa đang phi về phía trước để báo tin vui. Sự khởi đầu và kết thúc của chuyến hành trình là ẩn số. Ở một thời điểm, chúng dường như bị kẹt trong phong cảnh. Dù đang phóng hết tốc lực, chúng chẳng có tiến bộ nào đáng chú ý trong chuyến hành trình. Tiếng thình thịch nhịp nhàng của chúng hòa quyện với âm thanh phát lại của tiếng nước chảy khi một người đang rửa bát. Mặc sự lặp lại cố hữu của chúng, cả hai hành động mâu thuẫn với nhau về những gì chúng biểu trưng: trong khi hành động trước gợi ý sinh khí nam tính và sự cao quý, thì hành động sau gợi tính trần tục của đời sống gia đình, mà có thể gây mỏi mệt với người này nhưng lại là thư thái đối với người khác. Bằng cách ghép chúng lại với nhau, tác phẩm nhằm giảm tính mãnh liệt của ngựa khi chạy – biểu tượng đã hằn sâu của sự thành công và thịnh vượng, đồng thời cố gắng đặt dấu chấm cho hành trình không bao giờ kết thúc của chúng.

Cardio suy ngẫm về trạng thái sống: những cảnh người đàn ông nhảy dây, tối đa hóa dung tích của hệ hô hấp xen lẫn với những cảnh của một không gian sống từng được sử dụng, nơi sự hiện diện của chủ nhân, tuy vắng mặt, vẫn hiện rõ qua các vật thể được hoạt hóa. Mặc một bộ đồ xanh chroma key, người đàn ông nhảy dây vẫn là chính mình trong khi, trớ trêu thay, khung nền tiếp tục thay đổi. Vừa tập thể dục vừa di chuyển dễ dàng từ phòng này sang phòng khác trong căn nhà, sự xuất hiện của người đàn ông trong khung hình bị gián đoạn bởi những cảnh giặt đồ. Dụng ý tương tự như trong Bát mã truy phong được lặp lại khi một người vừa phải tập thể thao vừa phải làm việc nhà. Âm thanh thấm thoát từ tiếng dây nhảy đập mạnh vào sàn gợi ra một sự trông đợi đầy ám ảnh về một cái kết – như thể cả cơ thể và không gian sẽ ngừng thở và sự sống không còn nữa.

Việc truyền phát vô tuyến của các sự kiện thể thao yêu cầu nhiều máy quay, trong đó một vài thiết bị quay ở vị trí cố định bên cạnh những máy quay cơ động sẽ giúp khán giả thiết lập được góc nhìn chính và tĩnh của họ. Mặc dù góc nhìn của khán giả sẽ thay đổi liên tục, họ sẽ luôn cảm nhận được bản thân mình vẫn quay trở lại góc nhìn chính này như một điểm kép – nơi họ sẽ đến và đi. Nhờ vào sự phong phú về công nghệ trong những thiết bị ghi âm và ghi hình tân tiến, khán giả của những môn thể thao trên truyền hình được coi như có một trải nghiệm bao quát hơn của sự kiện đó, so với những người tham gia trực tiếp. Sự phóng to và thu nhỏ của camera, sự phát lại của một hành động trong tốc độ bình thường và sau đó qua phương pháp quay chậm, những điều này đều góp phần giúp khán giả đến gần hơn bao giờ hết với mọi ngóc ngách của trận đấu. Âm thanh từ sân vận động được ghi lại triệt để – dù là tiếng cổ vũ của đám đông hay tiếng va chạm dù mơ hồ đến đâu – tiếng ồn xung quanh đều sẽ luôn thấm nhuần. Không thể tránh khỏi, khán giả sẽ tồn tại trong sự nhất thời của hoạt động mà không cần có mặt trực tiếp. Sự hiện hữu của sân vận động hòa vào với không gian tại gia và ngược lại.

Chuỗi tranh Giờ giải lao Chờ gió lặng gợi một sự trống vắng đáng lo ngại của âm thanh khi cơ thể và khung cảnh xung quanh nó được diễn tả trong trạng thái bất động. Cái nhìn cận cảnh của chủ thể giúp cô lập nó khỏi khung cảnh xung quanh, nhưng đồng thời, cái nhìn ấy gần tới mức làm lu mờ đi cảm nhận về chiều sâu của nó. Mặc dù được miêu tả một cách tượng trưng như một khối rắn màu đen, bóng đổ trên sân vẫn hé lộ thông tin về khoảng cách và mật độ của nguồn ánh sáng đã tạo ra nó: người vận động viên đứng ngay dưới một nguồn chiếu sáng ở mức cực đại. Khi những cái bóng đặc quánh dày lên và xuất hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, khúc đoạn của thời gian dần chậm lại và rồi dừng hẳn.

Các nhân vật nam giới chi phối không gian trưng bày với tính cá nhân của họ hoàn toàn được/bị che đậy: từ một người mặc toàn bộ áo liền thân chroma key cho đến các vận động viên mà cơ thể hoặc bổ sung hoặc hợp nhất vào sân thể thao của họ — tất cả đều chỉ ra sự linh hoạt của hiện diện của họ. Người xem không thể không thắc mắc liệu những nhân vật này có phải là cái bóng của những nhân vật đó hay không — phần bất tử của bản ngã, hay linh hồn của cơ thể — từ đầu. Tới gần phần cuối của trưng bày đón chờ một sự thay đổi trong góc nhìn, chỉ là lần này có chút gì đó mất phương hướng.

Trò chơi bắt đầu hé lộ thảm cỏ được cắt ra từ một cái bóng, thật ra là của chính Huy. Ngay phía trên là một vòi đang nhỏ giọt với nhịp độ vô cùng chậm và đều đặn, làm cho sự hiện diện của những giọt nước chỉ có thể dò được ra khi chúng chạm vào mặt cỏ. Một sự va chạm nhẹ nhàng, gợi cảm giữa lực và tính vật chất vẫn có thể tạo ra ma sát đáng kể theo thời gian. Để có thể quan sát tác phẩm, khách đến xem cần phải len vào trong phòng và bước thận trọng quanh nó, điều này sẽ nhốt họ vào trong một mô phỏng của trải nghiệm ở đây – lúc này. Thân hình vẫn không thể tìm thấy, nhưng cái bóng cuối cùng đã được cụ thể hóa. Trong sự đồng hiện hữu của chuyển động và tĩnh lặng – được bắt đầu và ngắt quãng bởi sự rò rỉ theo nhịp của nước – những câu hỏi về việc cái bóng có thể cho ta những thông tin gì và những gì còn đang ẩn khuất hiện ra.

Ngước lên nhìn vào hình vuông đang phát sáng ở ngay trên, một đôi chân màu xanh đang nhảy lên xuống giữa hư không. Nuốt con chim nhạn là một nỗ lực cuối cùng để thao túng góc nhìn của người xem khi ánh nhìn của họ đang xuyên qua từng hạt nhỏ cấu tạo nên hành động. Bị thu hút bởi sự mất cân bằng thoáng qua trong khoảnh khắc ngay trước khi bàn chân tiếp đất và đạt đến trạng thái ổn định, tác phẩm chiêm nghiệm về một sự vướng mắc có thể xảy ra giữa một lực vật lý và trạng thái tinh thần. Chim nhại hay chim én thường là biểu tượng gắn liền với dòng chảy thời gian bởi tập tính di cư theo mùa của chúng (chúng di cư khi nhiệt độ xuống thấp, và quay về khi thời tiết ấm dần lên), tác phẩm qua một hành động vật lý tiếp tục mường tượng về khả thể của việc thao túng thời gian.

—Linh Lê

Nguyễn Đức Huy (sn. 1995, Hà Nội) là một nghệ sĩ thị giác chủ yếu thực hành với hội họa, hoạ, nghệ thuật kỹ thuật số, sắp đặt và hoạt hình. Thẩm mỹ của Huy tràn ngập những màu sắc rực rỡ với màu đỏ, xanh dương và xanh lá chiếm ưu thế trên các tác phẩm minh hoạ, hội hoạ và hoạt hình ám chỉ sự ảnh hưởng của thẩm mỹ số. Gọn gàng về chi tiết và bố cục, tác phẩm của Huy vừa hài hước, lạ lùng nhưng đồng thời cũng mang đến cảm giác bối rối và lạc lõng. Huy từng tham gia một số triển lãm và trình chiếu phim trước đây gồm: Voices On SCREEN (Staatlich Kunstsamlungen Dresden, Đức, 2022), Đây không phải một bài hát tình yêu (Như Trăng Trong Đêm 3, Hà Nội, 2022), Chạy trên đường vàng (Á Space, Hà Nội 2021), Cõi Riêng Ảo (Manzi Art Space, Hà Nội, 2021), Hội Chẩn (Manzi Art Space, Hà Nội, 2019), Bộ Hành Cà Nhắc (Nhà Sàn Studio, 2016).

Linh Lê là một giám tuyển, cây viết và người nghiên cứu tại Sài Gòn. Công việc hiện tại của Linh thể hiện quan tâm của cô với chủ đề tính biểu hành (performativity) của lưu trữ, không gian và cơ thể trong nghệ thuật. Trong năm 2020, Linh được chọn là một trong hai ứng viên tham gia chương trình lưu trú trao đổi giám tuyển giữa Việt Nam và Sydney (Úc). Một số dự án trước đây của Linh gồm có tập san Măng Ta, dự án giáo dục nghệ thuật CáRô.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.