[Phòng tối, chỉ có 1 đèn spot chiếu vào micro. Linh bật máy chiếu]

Kính thưa quý vị khán giả, tôi là Linh Lê là người sẽ bắt đầu đầu tiên trong phần trình diễn tiếp theo này. Trước khi để phần trình diễn của chúng tôi — gồm có chị Lại Diệu Hà, chị Phạm Thu Hằng, Đặng Thuỳ Anh và tôi bắt đầu — có một số lưu ý dành cho quý khán giả đang ở trong khán phòng như sau:

  1. Vui lòng không quay phim, chụp ảnh
  2. Vui lòng tắt chuông điện thoại và không sử dụng điện thoại trong suốt trình diễn
  3. Nếu bạn có tiền sử bệnh động kinh, trình diễn này rất tiếc không phù hợp với bạn
  4. Khi trình diễn bắt đầu, chúng tôi sẽ đóng hoàn toàn cửa chính
  5. Trong quá trình trình diễn nếu bạn cảm thấy không thoải mái, có thể rời khỏi trình diễn bằng cửa sau.
  6. Trình diễn này không dành cho trẻ em.

Phần trình bày của tôi khởi đầu từ quan tâm cá nhân về trình diễn và lưu trữ, về thời tính trong trình diễn (sống và chết). Có tổng cộng 5 hồi. 

Hồi 1. Còn lại gì?

Rebecca Schneider hỏi
liệu trình diễn có thực sự biến mất sau khi nó kết thúc
bà cho rằng sự biến mất của nó đến từ việc ta quá tôn thờ lưu trữ
Bấy lâu nay, trình diễn được xem như một loại hình phù du – tức, nó chỉ diễn ra “sống” hay “trực tiếp” trong một khoảng thời gian nhất định.
Tiếp cận, thăm lại một trình diễn hầu như chỉ phụ thuộc vào ảnh chụp, video tư liệu, vật thể.
Và đôi lúc, để việc này trở nên khả thi, quá trình tạo ra các lưu trữ diễn ra đồng thời cùng trình diễn và mang theo một sức nặng tương đương.

Nhưng nếu, trình diễn không thực sự kết thúc ở thời điểm khi nghệ sĩ cúi chào khán giả, thu vén quần áo và đồ vật, rồi lặng lẽ hoà mình vào đám đông?
Tôi nghĩ về việc khi màn trình diễn sống-trực tiếp thôi không còn sống nữa
Nó sẽ có thể tồn tại, tiếp biến ở dạng thể nào?
Trình diễn xuất hiện
Bắt đầu
Khi
Một hành động
Nhắc lại

Tác phẩm trình diễn “Bay Lên” của chị Lại Diệu Hà tại IN:ACT cách đây 13 năm, trái ngược với nhiều tác phẩm trình diễn trong nước, này được báo chí loan tin rất nhiều.
Như nhiều sự kiện xã hội gây chú ý trong dư luận, các bài viết sử dụng thủ pháp quen thuộc “tổng hợp từ nhiều nguồn”
Từ một bài phỏng vấn
Họ cắt
Ghép
thêm
bớt
xào nấu thông tin và nội dung
nếu có lòng, họ kèm thêm nhận xét của một vài nhân vật nào đó

Cái gì đang được nhắc lại?

Kết quả là, i như trong văn mẫu, ta-người đọc tưởng mình hiểu trọn vẹn một trình diễn,
Những xung động quanh nó
Chỉ qua một cú trượt của con chuột
Sự lặp lại diễn ra không hồi kết, và luẩn quẩn
Đến nỗi
Một chương trình truyền hình còn tạo nên một tiểu phẩm tấu hài chắp vá một cách mượt mà chi tiết từ ba trình diễn khác nhau
Để châm chọc
Bỡn cợt
Mạt sát

Cái gì đang được nhắc lại?

***

Lời kể của nghệ sĩ:

Tôi cần có một thảm lông mầu xanh hình chữ nhật, chiều dài bằng tôi. Các bạn tôi đã giúp tôi trải tấm thảm lông ấy. Tôi bước lên tấm thảm này và cởi dần quần áo ngoài của mình. Sau đó, tôi cởi độn mông của mình, những chiếc độn mông đã theo tôi những 10 năm trời, có miếng đã rách nát. Vừa cởi, tôi vừa lẩm bẩm: “Tao chia tay với mày, vì mày cũng làm tao khổ đến 10 năm nay rồi. Tao cũng muốn hình ảnh của tao đẹp, tao muốn tao mông to hơn. Mày làm tao ghẻ, chồng tao cũng nói mày mông chả ra mông”.

Khi cởi xong, tôi phết một lớp keo lên người và nằm xuống, khán giả tương tác bằng cách phủ lớp lông xanh lên kín người tôi. Vì tôi muốn hình ảnh mình khoả thân chỉ xẩy ra trong tích tắc thôi. Tôi từ từ ngồi dậy và đi lại. Tôi cúi xuống bắt một con chim vành khuyên trong lồng (là loài chim dùng để phóng sinh), vừa ôm nó vừa thì thầm. Tôi nói: “Tao xin lỗi mày vì tao đã làm cho mày stress trước khi làm cho mày tự do”. Kết thúc tác phẩm là tôi ngậm con chim vành khuyên vào mồm, sau đó há ra để con chim bay lên.

Cái gì đang được nhắc lại?

 

Hồi 2: Sự thật và hư cấu? Một trình diễn hay nhiều trình diễn hay một trình diễn với nhiều hậu kiếp?

Tôi muốn mời lên đây một khán giả của trình diễn

[Phạm Thu Hằng bước lên sân khấu]

Tên tôi là Phạm Thu Hằng

Tôi chỉ nhớ hôm đó ở Nhà Sàn, nơi tổ chức sự kiện rất đông đúc.

Hồi đó các sự kiện diễn ra ở đây lúc nào cũng hót, những người đến xem chủ yếu là các nghệ sĩ và những khán giả nằm vùng của Nhà Sàn cùng các không gian nghệ thuật underground ở Hanoi.

Trước buổi trình diễn của chị Hà đã có các performance của các nghệ sĩ khác. Người đến đông, cả tầng trên và tầng dưới.

Chị Hà trình diễn ở tầng dưới, không gian rộng và có nhiều ngõ ngách hơn.

Tôi nhớ tôi là một trong những người quay phim cho sự kiện này, nhưng nhìn lại bức ảnh hôm  họp với nhóm thì tôi thấy tôi đứng lấp ló đắng sau cột gỗ và ngó vào.

Tôi tò mò. Sự hiếu kỳ nhìn thấy rõ trong tư thế mà tôi đứng.

Ở vị trí đó tôi không bị ai che khuất tìm nhìn, và cũng vì có cây cột nhà để ôm, tôi không sợ bị expose bản thân trước những khán giả xung quanh, những người mà tôi nghĩ cùng chia sẻ một sự hiếu kỳ và tò mò dữ dội về điều mà Hà tỉn sắp sửa làm.

Chị Hà nổi tiếng trước đó về những tác phẩm trình diễn rất táo bạo, vì vậy tôi đoán người ta cũng có những kỳ vọng tương tự với chị ở lần trình diễn này.

Tôi không nhớ được tuần tự các chi tiết cụ thể, rõ ràng từng bước chị làm.

Có thể là chị đã trút bỏ quần áo, naked hoàn toàn, trát keo lên toàn bộ thân thể và dính lông chim lên trong bóng tối.

Hình ảnh sống động nhất mà tôi còn nhớ là nom chị xanh mướt, có thể còn có chút lấp lánh và hào quang toả ra từ chị do chị đứng dưới ánh sáng đèn mạnh và trắng xoá. Có thể chị trang điểm một chút, vì hai viền môi đỏ giăng lên như hai mảnh trăng lưỡi liềm lênh đênh trên nền tuyết trắng trên khuôn mặt bầu bĩnh của chị.

Tóc chị cắt ngắn, để lộ chiếc cổ nhỏ nhắn. Đột nhiên, tôi thấy chị hiện ra, đứng đó, giữa một vòng tròn vây kín bởi những sự hiện diện của các gương mặt người quen và không quen. Tất cả đều tập trung vào chị, chòng chọc nhìn. Tôi thấy chị căng thẳng, môi mím chặt, khuôn người tròn trịa, chắc lẳn, những  đường nét cơ thể mềm mại, phập phồng, run rẩy sau lớp lông vũ xanh. Đột nhiên nữa, tôi có cảm giác chị giống như một chú chim parrot bị chịu tội phán xét, cứ như thể vai trò đã bị đảo ngược.

Rồi tôi thấy cạnh chị có một chiếc lồng chim, chú chim sẻ nâu không cất lên lời véo von nào trong suốt buổi phán xử âý. Tôi thấy chị mở lồng chim, chú sẻ nâu bị tóm lên và nằm gọn gàng trong lòng bàn tay của chị.

Chị đưa chú lên miệng, há to và đẩy nó vào trong. Chú chim khá to, chị đẩy đến lưng chừng, miệng khum khum vì không khép chặt lại được, cổ ngửa, khuôn mặt hướng lên một góc 45 độ. Chị đứng đó, thở và giữ trong tư thế đó. Tôi vẫn nhớ mình có thể cảm nhận được tiếng lạo xạo phát ra từ sự hoảng loạn của chú chim bé nhỏ. Tôi nghĩ nếu là mình, chắc tôi không chịu được như chị. Cảm giác nhộn nhạo khó chịu trong miệng. Chừng 10-15′ sau, miệng chị mở rộng, chú chim lật đật tìm đường ra. Chú bay lên. Thoát thân.

Mọi việc sau đó thế nào tôi cũng không nhớ rõ. Nhưng rõ ràng chị không nói gì, màn trình diễn đến đó kết thúc. Tôi không nhớ chị dọn dẹp ra sao, tẩy rửa đám lông chim trên cơ thể kia bằng cách nào. Nhưng khán giả thì không phản ứng gì, không có ai nhảy vào can thiệp, ko có ai đưa ra lời bình luận. Họ chỉ hiện diện ở đó, mãn nhãn vì màn trình diễn, và thì thầm đánh giá trong những cái đầu bé nhỏ sợ sệt của mình. Sợ sệt vì ai cũng sợ lên tiếng. Tôi nghĩ vậy. Vì tôi cũng sợ sệt, lúc đó. Tôi thấy chị dũng cảm. Dám đương đầu với dư luận. Bây giờ tôi vẫn thấy thế.

[Trên thực tế, Phạm Thu Hằng tiếp tục nói về trải nghiệm của cô về việc hồi tưởng về sự kiện này và suy nghĩ của cô về ý nghĩa của nghệ thuật. Sự hiểu cá nhân của cô về khả năng của nghệ thuật. Một số khán giả rời khỏi phòng]

Hai lời kể
ở hai vị trí
khi chạy đồng thời
chồng lên nhau
lúc giao nhau
lúc đối chọi
trên một hay nhiều mốc thời gian

một chủ động cho ta ký ức bao quát, tóm lược
một mơ hồ đan xen, chồng lấp những thực kiện và cảm xúc cá nhân
nhưng cả hai dường như đều trơn trượt
trên sống lưng của những gì thực sự diễn ra

Trên thực tế:

  • Trong lúc từ từ cởi quần áo, gấp quần áo để sang một bên và cởi bỏ các miếng độn, Hà bắt đầu nói:
    Mày đã theo tao đã 10 năm rồi. Lúc nào tao cũng nóng bức vì mày. Tao bị ghẻ mông vì mày. Chồng tao bảo mày, lúc nào cũng, mông chả ra mông. Mọi người tưởng tao mông cong. Chẳng hiểu sao tao chẳng tự tin lắm. Thân thể gầy còm là của tao. Tao đành phải chấp nhận. Cái gì là của tao, tao chấp nhận.
  • Ai mới thực sự hoảng loạn? Hằng hoảng loạn? Khán giả hoảng loạn? Nghệ sĩ hoảng loạn?
  • Có tiếng ú ớ như mắc nghẹn
  • Điều gì đang được nhắc lại?
  • Người xem con bỏ sót điều gì?
  • Là nâu hay vàng hay xanh?
  • Phút hay giây?
  • Điều gì đang được nhắc lại?

 

Hồi 3: Trình diễn tiếp diễn

Tràn lan trên internet, “Bay Lên” và Lại Diệu Hà được phủ một màu xanh biếc
Ta thấy chị đang bắt một con chim từ lồng
Ta thấy chị đưa nó vào miệng
Ta thấy chị há miệng và nó bay đập cánh, bay ra

Hết

Điều gì được nhắc lại?

Nhiếp ảnh vừa đóng băng
Vừa nấu chảy
Ảnh chụp khi được trích dẫn lại nhiều lần, sao chép từ trang này sang trang khác, tự mình tạo nên một dòng thời gian trình diễn khác còn mạng internet là mãi mãi

Trình diễn giờ đây co lại thành khoảnh khắc
Vừa nở ra, lan tràn toàn bộ trục thời gian tuyến tính

Hình ảnh mang sứ mệnh của kẻ tử sĩ vĩnh cửu hoá ký ức của ta về sự kiện

Là bằng chứng?
Là lịch sử?
Hay là những cú trượt sinh ra từ hành động trích dẫn không ngừng?
Trở thành hư cấu?

***

Thực tế là, nghệ sĩ mở đầu bằng một trường đoạn đặt bối cảnh cho toàn bộ những sự kiện sắp sửa diễn ra sau đó.
Để chia tay phần cơ thể đã gắn bó 10 năm
Chị thực hiện một nghi thức
Nghi thức bắt đầu với những thủ thỉ tâm sự, đầy trấn an, phân bua cho cuộc chia tay sẽ sớm diễn ra trong chốc lát
Chị vỗ thật mạnh vào hai mông

[Linh tái hiện động tác này]

Rồi từ từ cởi bỏ từng miếng độn
Lại vỗ
Cởi bỏ
Vỗ
Cởi

Ngồi xuống trên tấm thảm lông vũ xanh biếc hình chữ nhật,
“giờ tao muốn làm gì cũng được
Tao cảm thấy lúc này chẳng có ai cả”
Đoạn, chị thoa hồ dán lên người mình và nói “massage body”.
Nghi thức kết thúc khi chị mời khán giả đến tương tác bằng cách phủ lông chim lên người chị.

 

Hồi 4: Trình diễn là ai?

Ngoài hiện diện của nghệ sĩ và khán giả
Còn có rất nhiều máy ảnh và máy quay phim
Hiện diện của chúng can thiệp trực tiếp và trực diện vào trình diễn
Vừa là âm thanh
vừa là ánh sáng
vừa là tiết tấu
vừa là môi sinh
Cho ta biết thời khắc nào trong trình diễn là quan trọng và đáng nhớ

 

Hồi 5

Tôi muốn biết
Và vì thế tôi trở thành tín đồ của lưu trữ
tôi muốn biết
vì thế thôi đi tìm
chờ đợi
lục lọi
mong để đến gần
cái gọi là sự thật

Tôi muốn biết
Và vì thế tôi trở thành nô lệ của lưu trữ
Bất lực
Phẫn nộ

Cái gì đang được nhắc lại?

Tôi muốn biết
Nhưng rồi
Tôi thấy mình chỉ thể ngồi ở bậu cửa
Cách trình diễn ở một khoảng tay
Chẳng với được

Cái gì đang được nhắc lại?

I như trong văn mẫu
Tôi thấy mình bị phản bội bởi chính đức tin của mình
Sự bất khả của lưu trữ
Sự bội ước của lưu trữ

Cái gì đang được nhắc lại?

Trình diễn
Đang
Sẽ
Tiếp tục

 

[Máy chiếu tắt, Linh mời khán giả đứng thành một vòng tròn. Đèn spotlight tắt]

Im lặng.

Thuỳ Anh bước từ từ trong vòng tròn. Căn phòng quá tối nhưng mọi người đều biết rằng có gì đó đang diễn ra. Có một chuyển động, và Thuỳ Anh là người đang đi xung quanh đám đông. Có người nào đó rên rỉ. Khi đi ngang qua tôi, Thuỳ Anh cầm tay tôi và đặt lên ngực cô ấy, ngực cô ấy hình như đang được phủ bởi cái gì đó.

 

Im lặng.

 

Khi tôi nghe thấy âm thanh *bép* lần đầu, tôi liền bật công tắc chiếc đèn chớp.
Thời gian bị xô lệch bởi ánh đèn chớp nháy.
Tôi thấy tóc cô ấy, tay cô ấy ở giữa không trung.

 

*bép*

 

Tôi nghe hơi thở dốc của Thuỳ Anh sau một hồi. Đoạn cô ấy ngồi xuống và nói:

Khi Linh Lê mời tôi tham gia vào trình diễn này, có một câu trong bài viết mà tôi nhớ đó là liệu trình diễn có thực sự kết thúc khi nghệ sĩ cúi chào khán giả, thu vén quần áo và đồ vật, rồi lặng lẽ hoà mình vào đám đông?

Đoạn cô ấy ném hai miếng dán ngực cuối cùng xuống sàn. Cô bắt đầu vỗ tay. Mọi người vỗ tay. Đèn loé sáng liên tục. Ta thấy phần thân trên trần trụi của cô, và cô chủ động cho ta thấy cơ thể mình, rồi cô cúi đầu.

 

Tôi tắt đèn.
Thuỳ Anh rời khỏi sân khấu.
Tôi dẫn chị Hà bước lên bục xám. Bật đèn spotlight.
Chị đứng trên bục khoác và khoác trên mình chiếc áo vest quá khổ của con trai. Chị cầm chiếc ly đang sủi bọt tràn ra ngoài. Chị ném trứng xuống sàn. Chị bắt đầu cởi khuya áo và cột hai đầu núm vú của mình vào hai dây cước. Rồi chị cột hai dây này vào cổ, chị Hằng bước lên sân khấu và cắt dây.

 

HẾT.

 

26/11/2023
Ý tưởng, viết và tổng hợp bởi Linh Lê
Với sự tham gia của Lại Diệu Hà, Phạm Thu Hằng và Đặng Thuỳ Anh
Chiếu sáng và âm thanh: Nguyễn Long Biên, Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Hữu Hải Duy
Một dự án thuộc Á Experimental Space

 

Chân thành cảm ơn
Vân Đơ, Vũ Đức Toàn và Christopher Vĩnh-An Lưu.

Lại Diệu Hà tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2005. Thông qua nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, sắp đặt và video, Diệu Hà sử dụng các vết mờ tâm lý để làm rõ và hình thành nên tiếng nói nghệ thuật của mình. Các triển lãm đáng chú ý trước đây của cô gồm: ‘Tâm kịch trị liệu’, Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn quốc tế Rapid Pulse, Chicago, Mỹ, 2014; ‘Tâm trí, Xác thể, Vật chất’, Sàn Art, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014. Năm 2015, Triển lãm cá nhân đầu tiên, ‘Bảo tồn sức sống’ được CUC Gallery tổ chức ở Hà Nội, Việt Nam. Từ 2017 tới nay, Lại Diệu Hà chuyên tâm vào hội hoạ và dùng các bức tranh như một phương tiện để giới thiệu cách mình làm trình diễn sắp đặt – một cách hoàn thiện tư liệu.



Phạm Thu Hằng làm việc tại Viện Văn Hoá và Nghệ thuật Việt Nam từ năm 2004. Sau đó, cô tham gia HanoiDoclab, một trung tâm độc lập dành cho phim tài liệu và nghệ thuật video ở Hà Nội, và tại đây, cô bắt đầu thực hiện một vài phim tài liệu ngắn. Từ đó, cô quyết định đóng góp tiếng nói của mình vào một cộng đồng tuy nhỏ nhưng đang dần phát triển của những nhà làm phim tài liệu độc lập ở Việt Nam. Hằng nhận bằng Thạc sĩ về Đạo diễn Phim Tài liệu từ chương trình Thạc Sỹ Liên kết DocNomads — là một chương trình liên kết giữa ba đại học châu Âu ở Lisbon, Budapest và Brussels. Quan tâm của cô hướng đền nhiều chủ đề nhưng đa phần vẫn là việc hướng sự chú ý đến văn hoá Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa thế giới bên trong và ngoài Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hoá hiện nay.

Đặng Thuỳ Anh sinh ra tại Hà Nội. Từ năm 2017 cô thực hành nghệ thuật thử nghiệm thông qua trình diễn, sắp đặt, nhiếp ảnh, và tiếp cận ý niệm. Cô quan tâm tới mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, các mô típ hình ảnh được hiểu rập khuôn và kiến tạo xã hội của giới.

Linh Lê là một giám tuyển và người nghiên cứu độc lập ở thành phố Hồ Chí Minh. Quan tâm giám tuyển và nghiên cứu hiện tại của Linh khám phá những (bất) khả thể của lưu trữ, cũng như những cuộc gặp gỡ tiềm năng giữa việc làm trình diễn và làm triển lãm. Đặt cộng đồng nghệ thuật ở trung tâm thực hành của mình, Linh mở rộng phạm vi giám tuyển của mình sang các lĩnh vực như xuất bản, thảo luận, workship và giảng dạy. Một số dự án trước đây của cô gồm có Cá Rô—một chương trình giáo dục nghệ thuật dành cho các bạn trẻ ở thành phố (tp. Hồ Chí Minh, 2020-21); Măng Ta—một dự án xuất bản độc lập về văn hoá-nghệ thuật tại Việt Nam (2020-đang ngừng). Một số triển lãm mà Linh thực hiện gồm có ‘Chợt Mộng Tan’ (2022, Á Space); ‘Phòng Đoán’ (2022, Galerie Quynh); ‘Tất Cả Khởi Hành’ (2023, Galerie Quynh) và ‘Rồi Sẽ Đến Lúc’ (2023. Á Space).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.