‘mây bay là bay rồi’ tại Á Space 

Thực hiện bởi Đan Trần

Chuyên mục Những gương mặt mới (Fresh Faces) của tạp chí Art & Market là nơi mỗi tháng, chúng tôi sẽ giới thiệu hồ sơ của một nghệ sĩ triển vọng từ khu vực và nói chuyện với họ về cách họ đã khởi động sự nghiệp của mình, cách họ đã duy trì thực hành và điều đã thúc đẩy họ như một nghệ sĩ. Đọc hồ sơ của Linh San do chúng tôi thực hiện tại đây.

Bài viết gốc được đăng tải trên Art & Market có thể tìm đọc tại đây.

Chân dung của Linh San. Ảnh của nghệ sĩ.

Hành trình chị đến với nghệ thuật khởi xuất từ lúc nào và ra sao?

Lần đầu tiếp xúc với nghệ thuật đương đại và những lịch sử nghệ thuật “khác” là từ năm nhất đại học (2016) khi mình bắt đầu làm cộng tác viên cho các chương trình nghệ thuật của Heritage Space, từ đó biết đến các nhóm nghệ thuật ở Hà Nội như Hanoi Doclab, Nhà Sàn Collective, Domdom,… Khi ấy, mình liên đới nghệ thuật bởi các dự án, triển lãm, chương trình chiếu phim mà mình có tham gia cộng tác, điều phối. Cứ như vậy cho tới khi mình tốt nghiệp đại học, sau vài năm, mình đã có những tình bạn, những mối quan hệ thân quen với các nghệ sĩ và những người làm nghệ thuật ở Hà Nội.

Mình học chuyên ngành Ngữ Văn ở đại học, mình có sáng tác thơ nhưng không có nền tảng nghệ thuật thị giác, nên sau khi ra trường mình đã chọn làm biên tập viên ở nhà xuất bản, làm thủ thư ở các thư viện, và một số công việc khác liên quan tới giáo dục. Thời điểm đó, dù mình đã làm phim hay trình diễn thơ, mình vẫn nghĩ mình chỉ là một người yêu, một người thưởng thức, một khán giả của nghệ thuật.

Cho đến khi, sau một thời gian đi làm, mình thường xuyên cảm thấy bí bách, thấy có gì đó sai sai vì hàng ngày đi làm mình không vui một tí nào. Có những lúc, giữa những giờ nhập liệu sách vở lên hệ thống thư viện, mình ngồi vẽ vào sổ những điều mình tưởng tượng về một triển lãm, một cảnh phim, một tạp chí thơ nho nhỏ của riêng mình.

Khi Heritage Space muốn thực hiện kho lưu trữ về nghệ thuật đương đại Việt Nam, mình đã nhận lời quay trở lại làm việc cho Heritage Space trong dự án này với vai trò là người thu thập và xử lý dữ liệu. Song song với công việc gặp gỡ nghệ sĩ, gom nhặt thông tin, nghiên cứu thực hành, mình dần dần nhận ra năng lượng sáng tác của mình mạnh hơn mình nghĩ. Vậy là mình không còn cách nào khác ngoài việc đi vào nó.

Linh San và Châu Hoàng tại hiện trường set-up cho triển lãm 'mây bay là bay rồi'. Ảnh: Vân Đỗ. Ảnh thuộc về nghệ sĩ và Á Space.

Ai đã từng là một người thầy, người hướng dẫn, hay với vai trò nào đó khác đã có ảnh hưởng sâu sắc đến thực hành nghệ thuật của chị?

Khi mình mày mò học gốm, người không phải thầy, không phải người hướng dẫn trực tiếp nhưng đã cho mình rất nhiều ngẫm ngợi về tư duy chất liệu và không gian, đó là Richard Serra. Thực hành của Richard Serra gợi mở cho mình rất nhiều điều khi mình từ viết thơ, làm phim, thử nghiệm sang một dạng vật chất hữu thực hơn.

Linh San ngâm thơ tại buổi ra mắt sách và khai mạc triển lãm 'tôi viết (tiếng Việt)' (2021) tại Viện Goethe, Hà Nội. Ảnh: Bông Nguyễn. Ảnh thuộc về nghệ sĩ.

Chị có kinh nghiệm làm việc với nhiều loại hình nghệ thuật rất khác nhau về cơ chế và tính chất—từ thơ ca với tính văn chương và trình diễn, phim ảnh với bản chất nghe-nhìn, đến gốm chạm vào xúc giác với tính thực hữu của nó. Do đâu mà dẫn tới sự chuyển dịch này?

Thực ra không có một nguyên do cụ thể nào vì mình không chủ định trong sự chuyển dịch này. Nó diễn ra hết sức tự nhiên. Mình hay suy nghĩ triền miên, có lúc dòng nghĩ muốn biểu lộ ra bằng ngôn ngữ, có lúc suy tư muốn hiện ra bằng các dải hình ảnh, có lúc sự nghĩ cần được hữu hình hóa trong không gian để có thể tái tục.

Thơ ca thì gần như là máu thịt vì mình thích ngôn ngữ và học văn từ nhỏ, những chuyện thơ của bà nội hay lối sống “nhà nho” của bố cho mình một cảm quan về thú phong lưu văn nghệ, về khả năng nới rộng đời sống của sự thưởng lãm. Mình học làm phim ở Hanoi Doclab, Doclab tiếp cận việc làm phim phần nhiều từ góc độ của phim độc lập, nên những kĩ năng như quay, dựng, thu âm,… mình cần tự trau dồi và rèn luyện.

Gốm có lẽ là loại hình xa hẳn hai loại hình trước, để đi đến sự trừu tượng hay để gợi một cảm giác, mình phải đi vào những logic rất cụ thể của chất liệu như các loại đất, độ lỏng – khô của đất, tính chất của đất trước và sau nung, cách vận hành lò nung, dải nhiệt trong lò, các hóa chất phụ gia, những lưu ý an toàn,… Mình tự làm tất cả các công đoạn từ chọn đất, trộn đất đến tạo hình, nung đốt. Việc phải dùng tay một cách trực tiếp làm mình thích thú vô cùng, như thể, một lần nữa, mình lần đầu tiên bước vào thế giới.  

Linh San, ‘Sách vỡ’, 2021, gốm, 12 x 8 x 0.2 cm mỗi tấm. Ảnh: Bông Nguyễn. Ảnh thuộc về nghệ sĩ.

Trong một tác phẩm gần đây của chị mang tên Sách vỡ | Broken (Note) Book (2021), chữ và hình hiện diện trên những mảnh gốm lọt trong lòng bàn tay. Nơi đây các loại hình nghệ thuật hợp lưu qua hình thể hiện hữu. Còn có những liên kết nào khác giữa các chất liệu mà chị từng kinh qua nữa không (ví dụ về mặt tư duy nghệ thuật)?

Sách vỡ | Broken (Note)Book là bước khởi đầu cho hành trình làm việc với gốm của mình. Sách vỡ | Broken (Note) Book được hình thành nhờ đề xuất của Nhã Thuyên và trao đổi chung giữa những người viết trẻ về một triển lãm của những người viết, về việc chữ có thể hiện diện khác đi như thế nào. Nghĩ về triển lãm của những người viết, mình muốn chuyển dạng một mảnh nhỏ trong số các bản thảo thơ của mình sang bề mặt gốm. Thời điểm đó, mình tiếp cận với chất liệu gốm ở tính chất dễ vỡ, dùng gốm để nói về quá trình làm việc của một người viết.

Một bài thơ, một đoạn viết chỉ có thể hoàn thành sau khi tất cả các bản thảo của nó “vỡ”, mình là một người sáng tác bị hấp dẫn bởi cấu trúc, nên mình thấy từ “vỡ” hay sự dễ vỡ của gốm nói được việc viết của mình tốt hơn từ “xóa” (erase). Xóa là mất dấu, nhưng vỡ thì còn nguyên dấu vết của sự biến đổi trong khi nhìn tổng thể có thể không quá khác.

“Bản thảo của một người viết, chữ của nàng nương vào đất đai là mô tả của mình cho Sách vỡ | Broken (Note)Book, khoảng thời gian làm Sách vỡ | Broken (Note)Book cũng là khoảng thời gian sự viết của mình quan tâm nhiều tới vùng đất, địa đồ. Những làng gốm thường rải quanh các lưu vực sông, nên gốm cũng là một trong những lựa chọn mang tính định vị địa lí khi nói về những vùng sống.

Nhưng tiếp cận với gốm của mình về sau này, nhất là trong triển lãm cá nhân mây bay là bay rồi | no longer holding a cloud đã rất khác với Sách vỡ | Broken (Note) Book

Chị có thể giới thiệu thêm về triển lãm cá nhân mây bay là bay rồi (2022)? Triển lãm được thai nghén từ lúc nào và với những ý niệm gì? Cơ hội lưu trú tại Á Space đến với chị như thế nào? Quá trình làm việc với Châu Hoàng là giám tuyển cho triển lãm ra sao?

Ý tưởng đầu tiên cho tác phẩm đầu tiên – những đêm | nights – trong chuỗi tác phẩm thuộc triển lãm được mình đề xuất lần đầu cho kỳ lưu trú 2 tháng ở Ba-Bau AIR vào tháng 11 năm 2021. Hai tháng lưu trú ở Ba-Bau AIR, mình dành thời gian nghiên cứu chất liệu và thử nghiệm tất cả những khả năng có thể để thực hiện tác phẩm này. Ở những đêm | nights – một loạt thư gốm được “viết” bằng các trạng thái của giấy, mình đã bám vào cảm giác của chất liệu để biểu đạt câu chuyện cá nhân trong sự câu thúc đồng thời của tính thẩm mĩ và sự giãi bày. 

Trong thời gian lưu trú ở Ba-Bau, Vân Đỗ có tới thăm xưởng và trò chuyện. Sau đó Vân đã mời mình tham gia chương trình lưu trú SoloMarathon ở Á Space, mình bắt đầu tách khỏi tác phẩm lẻ để hình dung về cấu trúc một triển lãm với chùm tác phẩm trong đó. Ban đầu, ngoài những đêm | nights, ý tưởng cho các tác phẩm khác xoay quanh làng gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, khi bắt đầu tạo hình, mình không cảm thấy sự bức thiết của hình ảnh, sự liên kết giữa mình và thứ mình muốn nói không được bện quyện. Thời gian chuẩn bị vào lưu trú ở Á, em gái mình bắt đầu vào học đại học, sự kiện này như một lời nhắc về trách nhiệm đời sống vì mình cần cùng mẹ lo toan các khoản học phí và chi phí sinh hoạt cho em mình nhập học.

Mình ngồi lại với các phác thảo triển lãm, mình đã bỏ hẳn những ý tưởng “hướng ngoại” liên quan tới quang cảnh nghề gốm nói chung, và đi vào những nỗi niềm riêng về đời sống vốn vẫn luôn om ủ trong tâm tư nhưng mình chưa bao giờ tự đối diện. Vậy là mình cứ làm và làm, thử và thử, tận dụng hết các không gian của Á để làm việc. Sau mỗi lần mở lò, mình, Châu và Vân lại ngồi lại với nhau để trao đổi và phản hồi trên chính những thử nghiệm đã thành hình, mình tiếp tục thử và điều chỉnh cho những lần vào lò tiếp theo, cứ như vậy cho đến ngày triển lãm. 

Các tác phẩm của Linh San tại xưởng ở Nhà Kỳ Quái, Bát Tràng, khi chuẩn bị cho triển lãm 'mây bay là bay rồi'. Ảnh thuộc về nghệ sĩ.

Cách tiếp cận của chị với gốm mang tính đương đại. Điều này cũng khác biệt, hay thậm chí trái ngược, với những quy ước thông thường trong lĩnh vực thủ công truyền thống này. Đây có phải là một điểm xung đột khi chị thực hành gốm không? 

Khi mình muốn thực hiện các ý tưởng làm tác phẩm gốm của mình, mình cố gắng liên hệ với những người có xưởng gốm. Hai lần thử làm việc với hai xưởng ở Hà Nội của mình cũng dẫn tới những kết quả không thoả mãn, vậy nên mình tiếp tục tìm kiếm xưởng nào có thể đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật của mình. Đầu tiên, gốm của mình tạo nên từ đất sét, vì thế chúng cần được nung riêng, tách khỏi các sản phẩm gốm của người khác có sử dụng men để tạo màu, bởi nó có thể làm vẩn màu vào gốm của mình. Thứ hai, mình muốn thử nghiệm với nhiều nhiệt độ nung khác nhau, mà mình lại không thể kiểm soát được khi mình đã gửi tác phẩm tới xưởng người khác để nung.  

Sau đó, mình tới làng gốm Bát Tràng, nơi quả thực khá khó khăn để định hướng nếu không có những kết nối. Không giống như làng gốm Jingdezhen ở Trung Quốc đã khá quen thuộc với việc hợp tác cùng các nghệ sĩ đương đại, làng Bát Tràng thì không như vậy. Phần lớn các nghệ sĩ địa phương tiếp cận gốm như một chất liệu điêu khắc thay vì đi sâu vào các khả năng của nó. Mình cũng cảm thấy khó khăn khi phải thoả thuận với các nghệ nhân địa phương bởi các nhu cầu của tôi không phù hợp với một đơn đặt hàng thương mại. May thay, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã giới thiệu mình với nghệ nhân Lê Ngọc Thạch. Anh từng có nhiều năm đào tạo vào kinh nghiệm làm việc ở làng gốm Jingdezhen và sẵn lòng giúp đỡ các thử nghiệm của minh. Dần dà mình chuyển xưởng ở nhà của mình tới không gian Nhà Kỳ Quái tại làng Bát Tràng. 

Khi mình bắt đầu thử tạo hình đất sét thành hình dạng của giấy và chia sẻ các ý tưởng này với các nghệ nhân ở đây, họ lập tức cho rằng ý tưởng của mình là bất khả thi, và điều đó cũng khiến mình nghi ngờ bản thân. Ban đầu mình sử dụng các kỹ thuật cuộn đất mỏng hay dùng khuôn thạch cao để đạt được độ mỏng của giấy, nhưng đều không thành công. Sau đó mình nghĩ về quá trình làm giấy cũng bao gồm đặt các lớp mỏng chồng lên nhau, nghĩ về xói mòn và bồi tụ của sông. Những liên tưởng này gợi hứng cho mình nghĩ ra một cách thức riêng để đạt được độ mỏng vả mềm mong muốn. 

Theo quan sát của em, chị học hỏi về nghệ thuật không qua trường lớp chính quy, như qua Hanoi DocLab và với nghệ nhân gốm. Những trải nghiệm này đã nhào nặn thực hành của chị như thế nào?

Mình hiểu nếu được đào tạo chính quy về nghệ thuật mình sẽ có một tham chiếu phổ rộng cho thực hành của mình. Bản thân mình cũng có mong muốn sau này có thể đi học về nghệ thuật. Có một kênh khác giúp mình học rất hiệu quả và chủ động về thời gian đó là internet. Mình hay bắt đầu từ các từ khóa chung nhất, ví dụ như với gốm mình bắt đầu học qua video của các cửa hàng gốm giới thiệu sản phẩm ở showroom của họ. Sau đó là các website bán nguyên liệu làm gốm ở Anh. Rồi thu hẹp phạm vi quan tâm bằng các từ khóa chuyên sâu hơn về “contemporary ceramics” (gốm đương đại).

Khi mình tìm cách kết nối với các nghệ nhân gốm làng Bát Tràng, thì trước đó mình đã có các ý tưởng, dự định về tác phẩm của mình rồi. Nên việc trao đổi với các nghệ nhân là khâu cuối để làm sao hiện thực hóa được các ý tưởng đó. Mình nghĩ được đào tạo chính quy hay không chính quy thì việc hiểu bản thân mình muốn nói gì, và có thể nói điều ấy ra sao là việc quan trọng nhất.

Để kết lại, chị mong muốn nhìn thấy những gì ở quang cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam? 

Giữa những không gian quy mô hơn và những người có năng lực hơn, mình mong có nhiều người làm hơn. Hiện tại Hà Nội có cả những không gian độc lập nuôi dưỡng các nghệ sĩ trẻ dù hạn chế về nguồn lực, cũng có cả những tổ chức quy mô lớn có những phương tiện để hỗ trợ các nghệ sĩ đã thành danh và những dự án tham vọng. Mình ủng hộ những nghệ sĩ và những người lao động trong lĩnh vực văn hoá có năng lực, bất kể không gian nghệ thuật nào mà họ sẽ tham gia vào, sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho quang cảnh hiện tại.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.