THẨM MỸ HANDICAM: Buổi chiếu của quỳnh chi

Giới thiệu các tác phẩm của Maya Deren, Charles Henri Ford, Haile Gerima, Jonas Mekas, Carrie Mae Weems

Nhắc đến phim thể nghiệm, không thể bỏ qua thể loại ‘handicam’ đặc sắc—đây kỹ thuật khởi nguồn của phim avant-garde Mỹ. ‘Handicam’ là một phương tiện có tính tức thời, cá nhân và gần gũi; nhưng những ứng dụng đời đầu của thiết bị này đã tạo nên những thước phim vượt không-thời gian. Chuỗi 6 phim thể nghiệm ‘handicam’ giới thiệu tới người xem những thực hành mang tính lý thuyết, soi xét thao tác sử dụng máy quay phim cầm tay như một công cụ níu kéo ký ức, liên đới tinh thần với hiện thực.

Maya Deren, A Study in Choreography for Camera (1945) | 2:15

Maya Deren, Meditation on Violence (1948) | 12:26

Mẹ đẻ của phim avant-garde Mỹ, Maya Deren, là một nhà lý luận điện ảnh không gặp thời. Cô mất sớm khi mới 44 tuổi trong nghèo khó và không được công nhận bởi giới chuyên môn. Tuy vậy, các tác phẩm của cô đánh dấu khởi đầu cho thể nghiệm điện ảnh trong những thập kỷ sau, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim Stan Brakhage, Kenneth Anger, và đạo diễn David Lynch. Thời gian nghiên cứu nhân học ở Haiti ảnh hưởng lớn tới yếu tố thị giác trong các bộ phim câm của Deren. Sử dụng handicam để đồng điệu hoá chuyển động của nhân vật với người quay phim, Deren ‘chập’ cơ thể cô và máy quay làm một. Hai phim ngắn Choreography và Meditation thể hiện rõ nét ý tưởng này.

Charles Henri Ford, Poem Posters (1966) | 24:18

Charles Henri Ford là nhà văn siêu thực hàng đầu những năm 1940 ở New York, Mỹ. Các sáng tác của ông là những văn bản queer sớm nhất của thời đại, coi tiêu chuẩn dị tính như là thần thoại trong xã hội. Là cầu nối quan trọng giữa nghệ thuật chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, ông làm thơ, collage, trưng bày tranh và ảnh vẽ. Cuối những năm 1960, ông bắt tay vào làm phim và giới thiệu Andy Warhol tới giới điện ảnh underground ở New York. Phim thể nghiệm Poem Posters là tài liệu về triển lãm tranh của Ford ở Factory, với sự góp mặt của nhiều ngôi sao avant-garde thời đó như Jayne Mansfield, Frank O’Hara, Ruth Ford, Roy Lichtenstein, William Burroughs, Andy Warhol, và Jonas Mekas.

 

Haile Gerima, Hour Glass (1971) | 13:22

Haile Gerima là người Mỹ gốc Ethiopia là thành viên của nhóm L.A Rebellion, một nhóm nhà làm phim người da màu hình thành từ trường đại học UCLA. Cùng nhau, họ mường tượng một tương lai cho điện ảnh độc lập cho cộng đồng người da màu. Ngoài làm phim, Gerima còn dạy học và sở hữu một cửa hiệu sách—không gian cho những đối thoại học thuật về khó khăn của người da màu trong bối cảnh hậu Jim Crow. Phim ngắn Hour Glass thừa hưởng di sản của phong trào dân quyền Hoa Kỳ. Trong phim, một thanh niên da màu vẽ nên viễn cảnh anh là vận động viên bóng rổ, chơi bóng để phục vụ người da trắng, mơ màng giữa những trang sách của Frantz Fanon (cha đẻ của chủ nghĩa giải thuộc địa), Malcolm X (thủ lĩnh da màu bị ám sát năm 1965), thủ lĩnh Martin Luther King Jr. (ám sát năm 1968) và Angela Davis (dẫn đầu phong trào nữ quyền).

Jonas Mekas, As I Was Moving Ahead Occasionally I Saw Brief Glimpses of Beauty (2000) | trích đoạn ~30:00 

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ 2, Jonas Mekas rời bỏ quê hương Lithuania và lang thang từ biên giới tới các trại tị nạn ở châu Âu, cho tới khi ông và anh trai đặt chân tới Mỹ. Vốn là một nhà báo, Mekas sớm trở nên năng nổ với viết lách và quay phim tư liệu. Ông sáng lập Anthology Film Archive, một trong những kho lưu trữ phim tiên phong lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới, và cộng tác với Andy Warhol, Yoko Ono, John Lennon, v.v… Phim của ông thường sử dụng footage từ handicam, xen lẫn nhiều lời tựa, được coi là “phim nhật ký”. Phim Glimpses of Beauty tổng hợp những hình ảnh thường ngày trong 30 năm cuộc đời của Mekas, được tác giả thuật lại bằng giọng văn của ông. Bản gốc phim dài 4 tiếng 48 phút; em Chi sẽ chiếu khoảng nửa tiếng để người xem hình dung được thực hành của Mekas. 

Carrie Mae Weems, Okwui Enwezor (2020) | 4:44

Okwui Enwezor, đạo diễn nghệ thuật và nhà giám tuyển documenta 11, là một trong những học giả African diaspora đầu tiên bên cạnh Suzanne Blier và Stuart Hall. Cùng nhau, họ đặt nền móng cho các nghiên cứu học thuật về châu Phi, đặc biệt chú trọng tiếng nói của người da màu và các vấn đề về tính đại diện (representation). Ông mất khi ở đỉnh cao của sự nghiệp vì ung thư, năm ông 55 tuổi. Video tư liệu về lễ truy điệu của ông ở Nigeria được Carrie Mae Weems ghi lại bằng handicam. Weems là nghệ sĩ nhiếp ảnh đương đại hàng đầu nước Mỹ và một người bạn thân của Enwezor.

Quỳnh Chi là trợ lý giám tuyển và cây viết tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Hà Nội. Năm 2022, Chi nhận bằng cử nhân từ Đại học Miami-Oxford (Ohio, Hoa Kỳ) và hỗ trợ Bà Bầu AIR tham gia Documenta 15 (Kassel, Đức). Ở trường đại học, Chi là chủ tịch Hội sinh viên Lịch sử nghệ thuật & Kiến trúc, đóng góp nhiều bài viết chuyên sâu về nhiếp ảnh và hình ảnh động, đặc biệt quan tâm vấn đề màu da, giai cấp và giới. Tốt nghiệp cử nhân và trở về Hà Nội, Chi mong muốn được kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước thông qua thực hành viết. Cô đã cộng tác với VinMagazine và đóng góp bài viết “Từ Nghệ thật đến Nghệ thuật!” trong cuốn “Từ Điển 202X”, cũng như biên tập song ngữ cho các dự án và triển lãm tại Six Space, VCCA, Mơ Art Space và Galerie Quynh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.