THỰC/THƠ - CHÙM PHIM TÀI LIỆU NGẮN VIỆT NAM

Giới thiệu các tác phẩm của Phạm Thị Hảo, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Duy Anh, Linh San, Đỗ Hà Lan

Có phải thực tại chỉ có một?

Hay ở trong thực tại chung lại có những thế giới riêng? Chúng song hành và trái ngược nhau như thế nào?

Ta sống cùng nhau trong thực tại chung, quy định bởi những quy tắc xã hội, lề thói cố hữu. Nhưng phim tài liệu lại có khả năng kì diệu – dẫn dắt người xem tới vô vàn không gian riêng, nơi mà ta được chiêm ngưỡng hiện thực qua lăng kính cá nhân và đậm chất thơ của người nghệ sĩ. Trên màn ảnh, ranh giới giữa điều gì là “thực” và điều gì là “thơ” mờ đi, hòa quyện và chồng lớp.

Thực/Thơ – Chùm phim tài liệu ngắn Việt Nam là một lời mời, mở ra lối vào những mảnh hiện thực muôn màu muôn vẻ – qua hơn 10 tác phẩm của 6 nhà làm phim Việt đầy tài năng. Với chủ đề của 2 buổi chiếu lần lượt là Tôi – Người, chùm phim đi từ thế giới nội tâm, mở rộng ra ngoài tới những ngoại cảnh rộng lớn, nhưng vẫn không hề mất đi góc nhìn độc đáo, gần gũi của người tác giả.

buổi 1

Phạm Thị Hảo | 27:00

Bia Bọt và Xả Hơi (2007)

Triết Lý Tình Yêu Buổi Sáng (2008)

Khuê Phòng (2005) 

Chùm 3 phim ngắn của Phạm Thị Hảo mô tả ba trạng thái tâm trạng của ba nhân vật mà thực chất ba nhân vật này đều lấy nguyên mẫu từ chính đạo diễn, diễn ra trong một số thời điểm đáng nhớ của cuộc đời một phụ nữ.

Nguyễn Phương Thảo, Touch Me Not (2022) | 20:00 

Phim Touch me not của Nguyễn Phương Thảo như những trang nhật ký riêng tư nhưng không phải để thổ lộ trực tiếp cảm xúc cá nhân mà là sự quan sát và ghi nhận lại những câu chuyện xung quanh đạo diễn trong bầu không khí một trại cách ly thời COVID-19.

buổi 2

Nguyễn Hồng Quân | 28:00

Dear Ly (2018) 

Người cha sống ở thành phố Brussels kể một câu chuyện cho người con gái nhỏ đang sống tại Hà Nội của mình, qua video call. Câu chuyện hé lộ về cả mối quan hệ giữa chính anh và gia đình.

A Theoretical Film (2017)

Bộ phim tài liệu 13 phút khám phá mối quan hệ giữa Bailint (cậu bé khuyết tật 14 tuổi, bị chứng ALS và chỉ ngồi ở xe lăn) và mẹ của cậu. Bailint muốn trở thành 1 người lập trình máy tính và rất ưa tìm hiểu về UFO.

The Visit (2017) 

Làn sóng UFO đến từ Bỉ đạt tới đỉnh điểm vào đêm 30/31 của tháng 3 năm 1990. Trong đêm định mệnh ấy, nhiều thực thể bí ẩn đã được dò ra bởi radar, được chụp ảnh và nhìn thấy bởi 13,500 người đi đường. 2,600 người trong số đó đã khai báo chi tiết những gì mà họ đã chứng kiến được…

Nguyễn Duy Anh, Vườn nhà anh Bính (2018) | 12:00 

Ở một miền quê công giáo, ta tìm thấy một vườn hoa muôn sắc. Chủ vườn hoa này, anh Nguyễn Văn Bính, một thanh niên trẻ chọn ở lại đây và nối nghiệp làm hoa của gia đình. Sớm tôi nhận ra, anh Bính đang yêu…

Linh San, Vườn của mẹ (2019) | 4:00

Ở quãng rơi của thời gian, vườn của mẹ nằm trong vùng thắt cỡ bảy mươi ngàn kí ức.

Đỗ Hà Lan, Tết hai không hai mấy? (2021) | 8:00

Làm sao để biết Tết đến và khi nào thì Tết đi? Bộ phim là một quan sát gần gũi và nhẹ nhàng của nhà làm phim về bối cảnh Tết trong gia đình cô tại Hà Nội…

Phạm Thị Hảo: Qua quá trình làm phim cho mình và dựng phim cho người khác, tôi khám phá ý nghĩa của nghệ thuật điện ảnh dành cho riêng mình như sau: Hiện thực là một mớ bòng bong những vấn đề, những drama, kịch tính, những câu chuyện đan xen, chồng chéo, đối nghịch, mâu thuẫn, phi lý, hư ảnh… Nhưng khi lên phim (tài liệu và hư cấu) thì cái phức tạp của cuộc sống lại cần được lý giải và dẫn dắt bởi một lô-gíc nào đó, nếu không thì người ta cũng chẳng cần đến những bộ phim.

Phương Thảo, học ngành nghệ thuật đương đại, chuyên khoa Video/Installation (trường nghệ thuật Haute école des arts du Rhin ở Pháp).

Nguyễn Hồng Quân là một đạo diễn làm phim độc lập đến từ Hà Nội. Hiện anh đang là giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Từ 2016 đến 2018, anh nhận được học bổng toàn phần của chương trình The DOC NOMADS Erasmus Mundus Joint Master Degree (EMJMD) – khoá đào tạo thạc sĩ “Đạo diễn phim tài liệu” liên thông tại ba trường đại học hàng đầu của ba nước châu u: Bồ Đào Nha, Hung và Bỉ.

Nguyễn Duy Anh (vudieunongsay) là nhà làm phim sống tại Hà Nội, Việt Nam. Năm 2019, Anh tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn điện ảnh từ chương trình trao đổi 4 năm giữa Học viện Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và INSAS, Vương quốc Bỉ. Dưới vai trò đạo diễn, biên kịch, sản xuất, biên tập và tổ chức, Duy Anh đã cho ra mắt nhiều tác phẩm khác nhau, bao gồm phim ngắn hư cấu và phim tài liệu, video sắp đặt, video ca nhạc, v.v. Các tác phẩm này đã có cơ hội được trình chiếu và triển lãm tại nhiều địa điểm và liên hoan phim khác nhau như Liên hoan phim quốc tế Singapore, Liên hoan phim ngắn quốc tế Bali, Kunsthalle TRAFO, v.v. Tác phẩm của Duy Anh thường đi vào khám phá và đặt câu hỏi về sự chi phối của các hệ thống lớn hơn đối với quyền tự do biểu đạt của các cá nhân trong bối cảnh xã hội đương đại. Bên cạnh đó, Duy Anh cũng là thành viên của Babau.Air, một collective giám tuyển, nhà sản xuất và nghệ sĩ ở Hà Nội, cùng với Cao Việt Nga, Duy Anh sáng lập Hoa Quỳnh Cinema – chương trình chiếu phim và sinh hoạt điện ảnh thân mật.

Linh San tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2020. Hiện tại, cô làm việc cho một số không gian văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội. Thực hành của Linh San trải rộng trên nhiều chất liệu, bao gồm thơ, hình ảnh chuyển động và làm gốm. Các sáng tác của cô xoay quanh đời thường giản dị với tính thơ và suy tưởng.

Đỗ Hà Lan sinh năm 1998, tốt nghiệp trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành Biên Kịch. Từng là học viên của Hanoi DocLab và TPD. Hà Lan từng làm phim với những vai trò như: biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật,…Và là người host phim của VUI Studio đã nhiều năm nay. Cô cũng tham gia tổ chức nhiều hoạt động điện ảnh ở Hà Nội (Xanh/xanh – Như trăng trong đêm; Liên hoan phim trường SKĐA 2020,…) Niềm vui của Hà Lan là được xem phim – làm phim và ở cạnh 3 chú mèo của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.