Một phỏng vấn của Eva Bentcheva với Tuấn Mami
Vân Đỗ dịch, Hương Mi Lê hiệu đính

nguồn bài gốchttps://muse.jhu.edu/article/851965


Eva Bentcheva (EB):

Mami, bạn đã mô tả thực hành gần đây của bạn như một cách dịch chuyển khỏi ‘nghệ thuật trình diễn’ sang ‘sắp đặt mang tính trình diễn’ hay ‘các môi trường [mang tính trình diễn]’. Bạn có thể giải thích rõ hơn những thuật ngữ này và ý nghĩa của chúng với bạn? 

Tuấn Mami (TM):

Tôi đã luôn thực hành trình diễn kể từ những ngày đầu trong thực hành của tôi, chẳng hạn như sê-ri ‘The Cover’ (tạm dịch: Cái vỏ) từ năm 2007 tới 2009 mà tôi đã sử dụng sữa đặc. Vào những dịp khác, tôi sử dụng cơ thể và môi trường như là chất liệu, trong các tác phẩm như ‘Let It Grow Up On’ (2010) (tạm dịch: Để nó mọc lên trên). Tôi nhận thấy ngôn ngữ và các khả năng của nghệ thuật trình diễn rất gợi mở và có tính trao quyền cho người nghệ sĩ khám phá những cách suy nghĩ khác nhau. 

Một vài năm trước, tôi bắt đầu cảm thấy nhu cầu phải đẩy xa hơn giới hạn của loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là sau khi tôi bắt đầu làm việc với những vấn đề xã hội và làm theo hướng thực hành dựa vào nghiên cứu nhiều hơn. Tôi nhận ra có những cách có thể chuyển hoá và phát triển nghệ thuật trình diễn vượt lên trên hình thức và trình hiện vật lí của nó. Kể từ đó, tôi bắt đầu phát triển thực hành của mình theo dạng ‘sắp đặt mang tính trình diễn’. Đối với tôi, đây là một dạng nghệ thuật được định nghĩa bằng sự sáng tạo ra môi trường, nền tảng hay tình huống, hơn là tái trình hiện bằng cơ thể. Nó có thể bao gồm các hành động, vật thể, sắp đặt, vân vân, nhưng tất cả đều cần tham dự vào một diễn tiến mang tính đối thoại trình diễn. Trong cấu trúc này, người nghệ sĩ và tất cả những yếu tố tham gia vào quá trình/những người cộng tác/khán giả đều đóng một vai trò nhất định và đóng góp vào hành trình thể nghiệm trong tình huống đó. Hướng đi mới trong thực hành trình diễn này của tôi giúp tôi đi ra xa khỏi việc xem nghệ thuật trình diễn như những thành tố rời rạc giữa người nghệ sĩ – khán giả – vật thể – không gian mà, thay vào đó, mang tất cả những yếu tố này lại với nhau trong quá trình chia sẻ/sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.  

Hình 1. The Cover, Berlin, 2009.

 

Hình 2. Let It Grow Up On, Tokyo, 2010.

EB:

Khi bạn nghĩ về cách hiểu ‘sắp đặt mang tính trình diễn’ này, dường như, bạn cũng ngày càng hứng thú về di cư và dịch chuyển của con người. Điều gì thúc đẩy sự hứng thú này và bạn đã phát triển nó như một nghiên cứu nghệ thuật có tính trình diễn như thế nào? 

TM:

Thực ra, hứng thú của tôi về di cư và dịch chuyển của con người có nguồn gốc từ xa hơn một chút, vào năm 2011. Tôi được mời làm một tác phẩm trình diễn ở Hàn Quốc sau khi thực hiện chương trình lưu trú ở Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Nottle Hooyong (Nottle Hooyong Performing Arts Center). Trong kỳ lưu trú này, tôi đã nghiên cứu về Làng Hooyong, nơi tất cả dân cư giờ chỉ còn lại toàn người già bởi vì những người trẻ đã sống và làm việc ở những thành phố lớn. Tôi làm bạn với những người bà, và chúng tôi sẽ cùng uống mỗi ngày bên ngoài nơi họ sinh sống. Đó vốn là một dạng nghi thức của việc chờ đợi và chào đón những người hay những thành viên trong gia đình trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Nhưng, giờ đây, những người già này đều cô đơn và không ai còn trở về nhà cả bởi vì họ đều sống rất xa đó. Tôi mời những người bà ấy làm một tác phẩm về tình huống của họ và về nghi thức này. Trong một sự kiện có tính trình diễn, có rất nhiều câu chuyện buồn và khắc khoải được kể. Tôi nghĩ những câu hỏi về sự di chuyển của con người bắt đầu nảy mầm trong suy nghĩ của tôi từ khi đó.

EB:

Bạn đã tiếp tục phát triển những dự án mang tính trình diễn khác như thế nào ở Hàn Quốc, Campuchia, Cộng hoà Séc và gần nhất là ở Đài Loan và Đức? 

TM:

Điểm khởi đầu trong nhiều tác phẩm của tôi là nghiên cứu và quan sát. Mỗi dự án của tôi có những mẫu số riêng, được tích hợp từ hiện thực và các vấn đề xã hội cụ thể. Đầu tiên tôi sẽ học tìm hiểu mỗi cộng đồng và xã hội, rồi phát triển dự án của mình xung quanh một tình huống đặc biệt tôi gặp phải trong quá trình nghiên cứu. Ví dụ, trong dự án của tôi ‘Myth East Mist’ (tạm dịch: Sương huyền thoại Đông phương), tôi làm việc với những gì được xem là những cộng đồng gần như tàng hình—các bà mẹ của những cô dâu Việt, những người tới Hàn Quốc thông qua những người môi giới để cưới những người đàn ông Hàn Quốc. Những người mẹ của họ tới Hàn Quốc để giúp đỡ những người phụ nữ nuôi dạy con của họ. Họ cũng có cơ hội làm việc và kiếm tiền để gửi về cho gia đình nghèo của họ ở Việt Nam.  Họ phần lớn là sống một mình và bị cô lập. Dự án của tôi là về việc tạo ra một ngày nghỉ cho họ, và mời họ tới và chia sẻ về cuộc sống của họ với chúng tôi. 

Ở một dự án khác, tôi tìm được một cộng đồng người Việt đã sinh sống ở Campuchia nhiều thế hệ liền. Nhưng, họ luôn sống trên những con sông bên rìa thành phố và luôn phải ngụy trang để hoà mình vào xã hội và tránh tất cả những mâu thuẫn tiềm tàng có thể xảy ra. Dựa trên những trải nghiệm thật của họ, tôi tạo ra một tác phẩm mà những người Campuchia và các thành viên trong cộng đồng người Việt tha hương được mời tới triển lãm của tôi và trao đổi những câu chuyện đời họ bên cạnh những tác phẩm của tôi. Sau một thời gian, tất cả các câu chuyện và vật phẩm nghệ thuật hoà vào nhau và kể cho chúng ta về chuyện của những cuộc đời bên ngoài biên giới, nhưng được kể với nhiều ký ức và sự quan tâm. 

EB:

Dường như những ‘con đường’ của các cộng đồng hải ngoại luôn đóng vai trò quan trọng trong thực hành của anh. Bằng cách nào mà mối liên hệ của anh với những cộng đồng di cư đã định hình cách tiếp cận của anh đối với tính trình diễn/tính biểu hành (performativity)? 

TM:

Tôi xem việc học, hiểu, và làm việc với những vấn đề xã hội của những cộng đồng nhập cư và tha hương là một phần quan trọng trong thực hành của mình. Những điều này kết nối một cách chặt chẽ với những vùng nghiên cứu khác của tôi ở Việt Nam mà tôi cho là những trao đổi có tính biện chứng, khá giống với hai mặt của một đồng xu, giữa những không gian và những mối quan hệ của các vấn đề địa phương và toàn cầu. Đôi khi, khi làm việc với những cộng đồng nhập cư, những ‘đối tượng’ mà tôi ‘nghiên cứu’ kết cục lại dậy cho tôi điều gì đó; họ hướng dẫn tôi làm sao để trình bày những vấn đề của họ, và làm sao để tạo ra một cấu trúc hay phom dạng cho dự án của tôi. Làm việc với những cộng đồng này, đặc biệt với những người Việt nhập cư, là một trải nghiệm rất đặc biệt với tôi. Những người tới từ những cộng đồng khác nhau có những hành động và cư xử rất khác nhau. Để phát triển một tác phẩm, tôi phải sống và học về cuộc đời của họ. Từ ban đầu, đó đã là một quá trình có tính trình diễn và một phần then chốt trong công việc của tôi.

EB:

Dự án hiện đang diễn ra của anh, ‘Vườn di cư’, làm việc với những cộng đồng Việt Nam, những cộng đồng tha hương ở Đài Loan. Tuy nhiên, trái với những dự án trước của anh sẽ có sự tái trình hiện của con người, tác phẩm này lại kể câu chuyện của họ thông qua các lịch sử của những loài thực vật được nhập khẩu trái phép vào Đài Loan. Dự án này đã tiến triển như thế nào? 

TM:

Trong nhiều tháng nghiên cứu, tôi đã có cơ hội gặp nhiều người Việt Nam sinh sống ở Đài Loan—từ những người tị nạn trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc năm 1979 cho tới những người tới Đài Loan, dưới dạng cô dâu người Việt, công nhân nhập khẩu, sinh viên, v.v…—và nhiều trong số những người sống ở đó vẫn nhớ quê hương họ, đặc biệt là mùi hương và đồ ăn từ các loại rau và rau mùi Việt Nam. Nhiều người đã làm mọi cách để thu thập các loại cây Việt và trồng chúng ở những mái nhà ở của họ, ở ban công ký túc xá trường, phía sau công xưởng nơi họ làm việc, hay thậm chí trên những thửa đất nhỏ bên vệ đường. Đối với nhiều người, tuy vậy, điều ước nho nhỏ này này cũng không dễ để trở thành hiện thực. Không chỉ là vì họ phải làm việc vất vả mỗi ngày, mà những ‘vườn Việt’ nhỏ của họ cũng gặp phải những thách thức bởi vì việc đem hạt giống, thực vật, và thậm chí hoa quả vào trong đảo Đài Loan vẫn là bất hợp pháp. Một lần nọ, tôi gặp bà Dung, bà sống ở quê và có một khu vườn lớn với nhiều loại cây Việt Nam. Bà nói, “Đôi lúc khi tôi bị đau đầu, viêm họng hay là bị đau bụng, tôi chỉ cần đi ra vườn và lấy một số loại rau mùi, như là cách mẹ hay ông bà tôi đã dạy tôi từ khi còn nhỏ. Nó cũng giúp ích rất nhiều để nấu được những gì có hương vị quê hương từ chính đất mẹ của mình, như là các loại rau, khi bạn thấy nhớ nhà hay nhớ gia đình.” Tôi được truyền cảm hứng sâu sắc bởi điều này. 

‘Vườn di cư’ là một sắp đặt mang tính trình diễn dựa trên câu chuyện về khu vườn của bà Dung. Bà nhập cư vào Đài Loan từ miền Bắc Việt Nam 20 năm trước về trước để làm công nhân trong một nhà máy. Kể từ đó, bố và mẹ của bà Dung cũng thường xuyên tới Đài Loan để thăm con gái, mỗi lần họ đều lén/bất hợp pháp đem những loại hạt giống hoặc những loại cây nhỏ để xây dựng khu vườn cho bà. 

Hình 3. Vườn Việt ở không gian công cộng (nghiên cứu ở Thành phố Đài Bắc Mới).

 

Hình 4. Vườn của bà Dung (nghiên cứu ở Hsinchu).

 

Hình 5. Vườn của bà Mong (nghiên cứu ở Chaiyi).

Ý tưởng lúc đó là để bà Dung có thể dùng những loại cây Việt Nam để chữa bệnh theo cách truyền thống hoặc để nấu ăn, để có được những hương vị và mùi vị thân quen, và cũng để bà nhìn thấy cảnh vườn tược mà cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn. Dự án của tôi xây dựng dựa trên ý tưởng về khu vườn của bà Dung, cũng như từ những câu chuyện và nguồn lực của nhiều người Việt sống ở Đài Loan. Khu vườn này giống như một ‘sắp đặt mang tính trình diễn’ là một suy tư về những vấn đề chính trị sâu hơn xung quanh việc di cư, những vấn đề đã định hình suy nghĩ và văn hoá của chúng ta, và cũng là một biểu tượng về cách mà tâm trí chúng ta gần gũi thế nào đối với ký ức và cuộc sống hàng ngày. Tác phẩm này là một quá trình cấp tiến. Bởi cuối cùng tôi mong muốn có thể xây dựng một khu vườn như một nền tảng cho những trao đổi, gặp gỡ và trò chuyện về sự dịch chuyển của con người. Theo cách nào đó, nó cũng là một ‘thư viện’ về những loại hạt giống, cây cối và những ‘câu chuyện được nhập cư’ của Việt Nam, để chia sẻ với mọi người. 

EB:

Nghĩ về khu vườn như một dạng ‘sắp đặt đặt trình diễn’, những vị khách từ Đài Loan hoặc từ những nơi khác, đặc biệt là thành viên từ cộng đồng người Việt, có thể tương tác với nó như thế nào? 

TM:

Khu vườn được xây dựng bằng những tài nguyên ‘được nhập cư’, và vì thế bản thân nó đã mang nhiều những hành vi và câu chuyện không nhất thiết là nhìn thấy được (vận chuyển trái phép, trồng lén lút, vân vân), nhưng chúng lại được ấn định sẵn trên những loại cây này rồi. Khu vườn cũng được xây dựng với nhiều sự trợ giúp từ những người Việt đang sống ở Đài Lan.  Khi khu vườn hoàn thành, nó sẽ trở một nền tảng xã hội để tương tác, trao đổi, làm việc cùng nhau để xây dựng và duy trì khu vườn. Những vị khách cũng như những nhân vật quan trọng đã từng đóng góp vào quá trình xây dựng khu vực thi thoảng sẽ tụ tập để học và chia sẻ những loài cây Việt, những câu chuyện nhập cư, nấu và ăn uống cùng nhau. Với tôi, điều này là giá trị thực sự của việc tạo ra một “sắp đặt mang tính trình diễn”, như một hành trình để ta cùng đi trên đó với nhau.


Tuấn Mami sống và làm việc tại Hà Nội. Mami là một nghệ sĩ thử nghiệm-liên ngành, làm việc với sắp đặt biệt vị, video, trình diễn và nghệ thuật ý niệm, liên tục tìm tòi những chất liệu, phương tiện, phương pháp làm việc mới xoay quanh những câu hỏi mang tính chiêm nghiệm và các nghiên cứu xã hội. Anh tập trung vào những câu hỏi về cuộc sống, tương tác xã hội giữa người với người, giữa người với môi trường của họ, nhằm tái kiến tạo những tình huống nhằm mời gọi sự tham gia của con người, đồ vật từ những hoàn cảnh hiện thực cụ thể tham dự vào trong một quá trình xã hội. Ngoài việc sáng tác, anh là đồng sáng lập của MAC-Hanoi (2012); đồng sáng lập và thành viên ban điều hành Nhà Sàn Collective, Hà Nội (2013—nay); giảng viên thỉnh giảng của Viện Nghệ thuật San Francisco, Mỹ (2013); đồng sáng lập và giám đốc nghệ thuật của Á Space, Hà Nội (2018—nay).

Eva Bentcheva là một nhà sử học nghệ thuật và giám tuyển với tập trung vào những dòng lịch sử về trình diễn, nghệ thuật có sự tham gia và nghệ thuật ý niệm, cũng như các lưu trữ giữa Đông Nam Á và châu Âu. Cô hiện là Phó Giảng viên Lịch sử Nghệ thuật ở Đại học Heidelberg tại Đức, cũng như Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ và Biên tập viên cho dự án nghiên cứu quốc tế có tên ‘Worlding Public Cultures: The Arts and Social Innovation’. Các vị trí cô từng giữ trước đây gồm: Goethe-Institut Fellowship tại Haus der Kunst ở Munich, nơi cô đồng giám tuyển triển lãm Archives in Residence: Southeast Asia Performance Collection với Annie Jael Kwan và Damian Lentini năm 2019, cũng như là Nghiên cứu sinh Thỉnh giảng cho Trung tâm Nghiên cứu Tate: Châu Á ở London, Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Trung tâm Paul Mellon Centre for Studies in British Art, và Senior Teaching Fellow môn Lịch sử Nghệ thuật tại School of Oriental and African Studies, University of London.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.