Một review về Documenta 15 của J.J. Charlesworth đăng tải trên ArtReview.com
Hương Mi Lê dịch từ nguyên bản tiếng Anh

sourcehttps://artreview.com/documenta-15-review-who-really-holds-power-in-the-artworld-ruangrupa/


Yaya Coulibaly, ‘Bức tường những con rối’, sắp đặt, Document 15. Ảnh: Maja Wirkus; do Documenta cung cấp.

Những lời hùng biện của ruangrupa về tính tập thể và tổ chức tự thân bao trùm lấy nhiều động cơ và lợi ích hơn

Hai mươi năm trước – sau khai mạc của Documenta 11 – nghệ sĩ Carsten Höller và giám tuyển Jens Hoffman được cho là đã có một cuộc trò chuyện dẫn tới việc Hoffman đưa ra khẩu hiệu ‘Documenta tiếp theo nên được giám tuyển bởi một nghệ sĩ’. Phải cần đến hai thập kỷ để Documenta, một sự kiện trưng bày tổng hợp (survey show) khổng lồ diễn ra 5 năm một lần tại thành phố Kassel của nước Đức, cuối cùng cũng thuê một nghệ sĩ hay, hoá ra là, một nhóm nghệ sĩ (và giám tuyển) – tập thể (collective) ruangrupa từ Jakarta – làm việc với tư cách chỉ đạo nghệ thuật cho kỳ thứ 15 mà sẽ khai mạc vào cuối tuần này.

Ruangrupa nổi lên trong quá trình giải phóng đất nước Indonesia sau khi chế độ chuyên quyền của Suharto kết thúc vào năm 1998. Nhóm tập trung vào những cách tiếp cận dân chủ hơn và  không phân cấp đối với tác phẩm nghệ thuật, tập trung vào việc phát triển cấu trúc và kiến thức chuyên nghiệp ở một đất nước có ít cơ sở hạ tầng kinh viện, đồng thời thúc đẩy nghệ thuật và nghệ sĩ tham dự vào các cách thức làm việc gắn bó với xã hội hơn. Vì vậy, việc dẫn dắt Documenta của nhóm này là một cú lật bàn đáng kể sau bảy thập kỷ dài bổ nhiệm vị trí chỉ đạo nghệ thuật đều là những giám tuyển chuyên nghiệp (ngoại trừ Okwui Enwezor năm 2002) và tất cả đều là người châu Âu.

Trình diễn bởi LAIR, Documenta 15, 2022. Ảnh: Frank Sperling; do Documenta cung cấp.

Mô hình tiếp cận từ trên xuống (top-down) (và trong trường hợp này là dĩ Âu vi trung – Eurocentric) với một-đến-nhiều giám tuyển lỗi lạc vốn phải trình bày một cái nhìn uyên bác, được cân nhắc, và mang tính tổng hợp về những phát triển mới nhất trong nghệ thuật đương đại, tại đây, cuối cùng đã mở đường cho một câu trúc lan toả và phân quyền hơn (devolved), trong đó đạo đức quan trọng hơn thẩm mỹ. Nhóm đã mời 14 nhóm nghệ sĩ mà sau đó cũng tự mời các nghệ sĩ khác với toàn bộ quá trình được thúc đẩy, trong hai năm qua, bằng cách đối thoại liên tục và – nếu ta theo dõi những lời giải thích thấu đáo được cung cấp bởi truyền thông của sự kiện – vô số những cuộc họp Zoom và cuộc gặp gỡ, tất cả đều nhằm khuyến khích sự đồng thuận và việc đưa ra quyết định tập thể. Để phù hợp với tinh thần lumbung – từ tiếng Indo chỉ kho lúa chung, nơi lưu trữ thặng dư thu hoạch dành cho tất cả mọi người cùng dùng – của ruangrupa, tất cả những người tham gia đều nhận được một phần bằng nhau của ngân sách sản xuất, cũng như một khoản dự trữ riêng để các ‘thành viên lumbung‘ có thể dùng cho các dự án hợp tác.

K.G. Subramanyan, ‘Trâu; tê giác; dê; hổ; sư tử; trâu (các đồ chơi được thiết kế cho Hội chợ Mỹ thuật), khoảng 1960-1980; Feroze Katpitia, ‘Khỉ (các đồ chơi được thiết kế cho Hội chợ Mỹ thuật), khoảng 1960-1980, sắp đặt, Documenta 15. Ảnh: Frank Sperling; do Documenta cung cấp.

Có rất nhiều thuật ngữ đặc biệt đã được sử dụng cho cấu trúc làm việc phức tạp này, nhưng tất cả sự nhấn mạnh của ruangrupa vào quá trình và việc đưa ra quyết định tập thể này, rốt cuộc, sẽ dẫn tới loại triển lãm nào? Một dấu hiệu cho sự thành công của mô hình lumbung có lẽ là kỳ Documenta lần này thể hiện ra sự thả lỏng, rung động với năng lượng, về mặt hình thức là dạng sản xuất nhanh và thường là nhiều hơn là một sự giáo huấn nho nhỏ nào đó. Có vô số thông tin được trình bày – đặc biệt là trong toà Fridericianum khổng lồ, địa điểm trung tâm của sự kiện – về những nhóm và hoạt động và lưu trữ nghệ thuật mà những người khán giả hầu hết là châu Âu chưa từng nghe nói tới hay gặp gỡ ở bất cứ đâu khác. (Đây là các trình bày tìm thấy từ Lưu trữ Nghệ thuật châu Âu của Hong Kong – Hong Kong’s Asia Art Archive, Lưu trữ Đen của Hà Lan – Netherland’s Black Archives, và nhóm nghiên cứu nữ quyền từ Algeria Lưu trữ về các cuộc đấu tranh của phụ nữ ở Algeria – Archives des luttes des femmes en Algérie, hình thành năm 2019 để tập hợp hàng thập kỷ tư liệu về lịch sử giải phóng phụ nữ và hoạt động nữ quyền tại quốc gia này). 

Đây là một cuộc xâm nhập sống động của nghệ sĩ từ phương Nam và Đông vào một sự kiện có xu hướng cho rằng thế giới nghệ thuật phương Tây đại diện cho toàn bộ thế giới nghệ thuật, hé lộ rằng điều kiện đời sống văn hoá nghệ thuật khác biệt rõ rệt tới nhường nào bên ngoài các trung tâm nghệ thuật giàu có hơn ở phương Tây. Dẫu ruangrupa có thể tuyên bố rằng phiên bản Documenta của họ không phải “dựa trên chủ đề”, nhưng những chuyên đề mà người ta có thể tìm thấy là của những nghệ sĩ từ các xã hội chịu xung đột và đàn áp; hoặc chứng kiến những tác động nguyên bản không thể xoa dịu của nền kinh tế toàn cầu hoá và những kẻ lao động ở tầng dưới cùng của chuỗi giá trị; và những người đang đối phó với những di sản nhọc nhằn của những thời kỳ trước đó thậm chí còn tăm tối hơn. Trong Water of Life (TD: Nước sự sống) của Sajjad Abba, một trong nhóm các video do các cựu thành viên của nhóm Sada đến từ Baghdad (2011-15) thực hiện, một người đàn ông trẻ tuổi kể lại trước máy quay về hành trình thoát chết trong gang tấc của mình khỏi một vụ đánh bom liều chết trong một quán cà phê. Anh ta nói, như sắp sửa phát điên tới nơi, về việc tìm thấy máu thịt của những nạn nhân trên da của mình, chỉ ra máu và tóc vướng trên áo của anh. Trong không gian uốn lượn theo chủ nghĩa Hiện đại – Documenta Halle – gần đó, nhóm Instituto de Artivismo Hannah Arendt (do nghệ sĩ Tania Bruguera khởi xướng) trưng bày một sắp đặt tác phẩm và tài liệu sinh động và hài hước một cách cay đắng kể lại lịch sử đàn áp chính trị của chính quyền Cuba đối với các nghệ sĩ và trí thức.

Lưu trữ của Instituto de Artivismo Hannah Arendt (INSTAR), ‘Danh sách các nghệ sĩ bị kiểm duyệt’, 2022, sắp đặt, Documenta 15. Ảnh: Nicolas Wefers; do Documenta cung cấp.

Nghệ thuật, ở đây, không phải là sản phẩm của các tổ chức và thị trường có nguồn lực tốt và vận hành trơn tru hiệu quả mà tạo ra những trung tâm nghệ thuật giàu có. Ở đây, nghệ thuật là thứ gì đó được tạo ra bởi những bối cảnh bấp bênh hơn rất nhiều, vì những lý do liên quan nhiều hơn đến các hoạt động xã hội và sự tự đại diện của các cộng đồng, những sự ưu tiên trái ngược hoàn toàn với các đặc tính và văn hoá của nền văn hoá phòng trưng bày khối lập phương trắng (white-cube) lâu dài, ổn định. Tại toà nhà của hộp đêm WH22 nằm bên ngoài khuôn viên, trong không gian của được trao cho các trưng bày, mạng lưới văn hoá Palestine The Question of Funding (TD: Chất vấn về tài trợ) đồng trưng bày tác phẩm của nhóm nghệ sĩ Gazan tên Eltiqa. Họ có những tác phẩm hình tượng đầy biểu cảm, được treo cạnh những tài liệu về sự bền bỉ ngoan cố làm nghệ sĩ giữa những ràng buộc nghiệt ngã ở Gaza dưới sự kiểm soát của Israel, trong hơn ba thập kỷ, của nhóm. Điều được hé lộ trong trưng bày của Eltiqa là sự cần thiết với việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài với những trung tâm nghệ thuật lâu đời hơn, và thế giới bên ngoài này là một nguồn tài trợ cho các nghệ sĩ. Lời phê bình của The Question of Funding thừa nhận rằng các tài trợ quốc tế, kể từ hiệp định Oslo năm 1993, đã có ảnh hưởng quyết định đến các thể chế văn hoá của Palestine, nhưng đồng thời luôn đặt sự độc lập của nghệ sĩ vào trong một mạng lưới ảnh hưởng chính trị và phụ thuộc quốc tế lớn hơn.

Asia Art Archive, 2022, The Black Archives, 2022, sắp đặt, Documenta 15. Ảnh: Frank Sperling; do Documenta cung cấp

Triển lãm của ruangrupa là một sự chuyển dịch đáng chú ý về địa vị huyền bí của Documenta trong trật tự giám tuyển chuyên nghiệp của thế giới nghệ thuật, đồng thời mở rộng hơn nữa việc thực hành phân tán quản lý và tổ chức mà đã được thể hiện rõ ràng hơn trong những kỳ trước, đặc biệt là kỳ châu Âu mở rộng năm 2017 của Adam Szymczyk. Khái niệm nghệ thuật như một tài liệu xã hội và tác nhân cho công bằng xã hội được trao cho đầy đủ tiếng nói. Nhưng phần trưng bày của The Question of Funding hiện lên trong tâm trí một người khi họ xem xét bản chất các mối quan hệ đang bị đe doạ ở đây. Việc phân quyền Documenta tới phía Nam toàn cầu (Global South) mang ánh sáng của chủ nghĩa quân bình và sự tranh đấu của những loại trừ lịch sử, nhưng đồng thời nó cũng đóng vai trò, có lẽ là một cách nghịch lý, trong việc phát triển và tích hợp các mạng lưới của nghệ sĩ và tổ chức vào một mạch quốc tế lớn hơn của thế giới nghệ thuật toàn cầu (mạng lưới được nhắc tới ở mọi nơi trong kỳ Documenta này). Lời hùng biện của triển lãm về ‘tập thể’ (collectives) như một định nghĩa tổng hợp có xu hướng trùm lấy nhiều loại động cơ và lợi ích khiến các nghệ sĩ tập hợp lại với nhau thành các nhóm, đồng thời cũng lờ đi rằng không có tập thể nào thực sự ‘độc lập’, tất cả mọi người ở Documenta đều tham gia vào mối quan hệ trao đổi với tổ chức có tài trợ khổng lồ và kết nối cực kỳ tốt này. Cũng không phải các tập thể phi phương Tây cần phải ‘ở đó’ làm việc của mình, hoàn toàn ngắt kết nối khỏi những tài trợ ‘ở đây’ – như bức tường logo của các nhà tài trợ là các viện, NGO, đơn vị văn hoá các nước trong tiền sảnh của Fridericianum chứng thực. Bản thân ruangrupa trước đây đã nhận được tài trợ từ các nhà tài trợ xã hội dân sự phương Tây như quỹ Ford.

Những mối quan hệ này vốn dĩ không tốt cũng không xấu, nhưng đáng để mang tranh luận – chúng là những gì bạn thương lượng khi không tồn tại tài trợ tại địa phương của bạn. Nhưng tất nhiên, chúng phản ánh thực tế rằng quyền lực – quyền lực mềm và quyền lực văn hoá của những nước giàu hơn đối với các nước nghèo hơn – luôn tồn tại đâu đó trong đấy. Về mặt nghệ thuật hay văn hoá, tất nhiên là tốt khi khán giả châu Âu thấy và nghe những gì mà những người đến từ phần còn lại của thế giới nhìn, nghĩ, và cảm nhận. Có rất nhiều khoảnh khắc của cái nhìn nội tại, vẻ đẹp, và sự hài hước sẽ được tìm thấy ở đây. Có cả những chương trình nghị sự hiện diện, về những tác động của toàn cầu hoá, về tính bền vững và môi trường và nền kinh tế. Chúng không công bình. Đối mặt với những cảnh quay việc lao động công nghiệp và thủ công được tìm thấy trong nhiều tác phẩm video, hay nhận thấy những sự chiếm dụng DYI các vật liệu khiêm tốn được sử dụng bởi nhiều nghệ sĩ, bạn có thể kết luận rằng điều phía Nam toàn cầu cần là tăng trưởng kinh tế nhiều nhất có thể, cho nhiều người nhất có thể. Tuy nhiên, đó là những câu hỏi chính trị, một số câu hỏi trong đó va chạm với chính những ưu tiên của nhiều nhà tài trợ (phương Tây) đóng vai trò hỗ trợ một số sáng kiến mà người ta tìm thấy ở đây.

Eva Koťátková, ‘Khu vực làm việc mơ ngày’, 2022, sắp đặt, Documenta 15. Ảnh: Frank Sperling; do Documenta cung cấp.

Do vậy, Documenta phân quyền này thể hiện sự tham gia của tập thể và sự tham dự xã hội và phân chia trách nhiệm, như là ‘điều tốt đẹp’ để được hỗ trợ bởi một tổ chức đang càng ngày càng bận tâm bởi chính quyền lực và đặc quyền của nó. Điều này có lẽ không thành vấn đề đối với hầu hết người tham dự, những người hưởng lợi từ những mối quan hệ và mạng lưới – và tiền – được tập hợp bởi siêu nền tảng này. Nhưng các mô típ về (tính) tập thể và tổ chức tự thân trở thành một thứ bái vật (fetishized) – như ở đây – nếu chúng ta không ít nhất là tự nhắc mình về sự bất cân bằng quyền lực trong mạng lưới rộng lớn của nghệ thuật toàn cầu, về cách nó giao thoa với bộ máy quyền lực địa chính trị, và việc, cuối cùng là, ai vẫn đang nắm giữ hầu bao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.