Phản hồi của Nguyễn Thanh Tâm
tới Nói Lân Cận: Một workshop với Linh Hà, Thu Uyên & George Clark


Về một sự nói mở rộng lưu trữ

Tâm giao: Lưu trữ để làm gì?

Một sự tái dựng không gian, một hồi phục thời tính của những gì bị rời chốn, bước vào đời sống cùng với những thực hành trọng tâm việc sử dụng những found objects (vật thể tìm thấy), những văn bản nặng tính lịch sử, đặc thù với với một sự kiện cụ thể, phần lớn là dưới dạng thức sắp đặt. Những tác phẩm ấy hiện lên lên như một sự phản công nhằm phi thân thuộc hóa quá khứ, một sự trùng tu với chất kích vật chất kiểm định những điểm mù bị bỏ quên hay là một sự tái góp nhặt nhằm khẳng định tầm quan trọng bền chặt của chúng. Thông qua một hình thức sệt tính hữu hình, những tác phẩm này được nhìn nhận như một sự cải thiện quá trình lưu truyền lịch sử.  

Tác phẩm ‘Vết Tích’ (2012) của Nguyễn Thị Thanh Mai. “Mở cửa ra ta thấy một kho đầy dép, chúng được vớt sau cơn lũ lớn ở gần Huế.” (tuyên ngôn tác phẩm trong triển lãm ‘Những chân trời có người bay 4’ do Phụ Lục giám tuyển)

Nếu những thực hành với found objects, tản mạn quanh một giác cảm đặc tính hữu hình, nhấn mạnh trách nhiệm thu giữ một sự kiện, thì những lưu trữ trong ‘Nói Lân Cận’, thay vì được lưu dưới dạng thức có thể sờ/chạm vào được, lại đào sâu vào trong cõi tính luồn lắt, nặng tính tri nhận, qua đó tập trung vào những sự tự chất vấn của chủ thể với ký ức của chính nó. Những lưu trữ đan cài trong ‘Nói Lân Cận’ vượt khỏi những ý niệm thuộc về vật thể hữu hình để rồi tái sinh như những chiếc gươm vô diện găm vào cơ thể mà khi bủa ra trên tay, chúng ta mang dấp dáng những ngọn cành bất diệt. Ở ‘Nói Lân Cận’, sự nặng trĩu khôn nguôi của việc phải mang theo bên mình những ký ức bỏ ngỏ, gấp gọn, các lưu trữ nuôi lớn những lời thú nhận, để rồi thai nghén một phương tiện lưu trữ dễ tan vỡ, dễ xói mòn như thể nói rằng để lộ ký ức vẹn nguyên như trải qua cuộc giải phẫu đến từ nội tại, khắc tả sự vén màn thông qua lưu trữ của một nguyên thể cá nhân vốn một mật ngữ. Do đó những thước lưu trữ chăng ở đây, ít nhất là cách một người tạm thoát khỏi cái đau đáu, một cách thoắt ẩn thoắt hiện. Đến đây, những phân cực về bản chất của lưu trữ hiện lên. Lưu trữ như Hòm Chứa Ký Ức, Giờ Được Rèn Lại Thành Sự Phù Du Chóng Tàn. Tại đây một câu hỏi lộ hình: Nếu lưu trữ có dáng vẻ dễ tàn, dễ vỡ như vậy, nguyên căn của việc lưu trữ là gì? Với bản chất thoắt trôi, thoắt tàn của lưu trữ? Chăng, những lưu trữ không luôn luôn nhằm mục đích lưu trữ. Qua sự kiện ‘Nói Lân Cận’, ta nhìn nhận cách những lưu trữ đan chéo không chỉ nhằm mục đích cất giữ, mà còn là những độc thoại đặt nặng sự [tự] chất vấn.      

“Tôi không chủ ý nói về. Chỉ nói lân cận.” – Trịnh T. Minh-Hà

Đến đây, tôi bắt đầu tự hỏi: nếu ta đưa vào đời sống các tài liệu lưu trữ phi tuyến tính, do cá nhân nhào nặn – thì liệu các tài liệu đó có nên được gọi là lưu trữ hay không? Trước hết, việc mạo hiểm xoay quanh một vật bằng tiếng nói đã là một hành động làm mất ổn định bản chất của vật đó, như Trinh T. Minh-Ha đã viết: “Một sự nói không cụ thể hoá, không hướng vào đối tượng như thể nó ly tán khỏi chủ thể nói hay vắng mặt khỏi nơi nói. Một sự nói tự phản chiếu và có thể đến rất gần với một chủ thể mà, tuy nhiên, không cần khẳng định hay chiếm đoạt nó.”. Nói lân cận, không trực tiếp, là để giải tuyến tính cách ta nói về vật, là nói về vật một cách lệch lề để ngăn một sự tự tiết lộ trắng trợn và giữ lại cho nó một cảm quan bí ẩn, một sự sầu thảm lẩn khuất trong quá khứ. Cách nói mơ hồ này dịch chuyển đối tượng nói tới một bản chất mới, một bản chất phụ thuộc vào cá nhân. Với điều này, vật được nói lân cận không còn là vật trong-chính-nó (the thing in itself), mà thay vào đó, nó là đối tượng cho sự biến đổi dưới tác lực của sự cá nhân hoá.

The Personalized Thing (Vật Được Cá nhân hóa) được lưu trữ ấy hình thành từ sự tin rằng nó là như thế của cái cá nhân; từ đó, lưu trữ ấy nặng tính chủ quan. Do đó, ta hiểu bản chất the thing trước và sau lưu trữ khác nhau, do điểm nhìn chủ quan của the thing được lưu trữ vẫn còn nguyên vẹn. Hay nói cách khác, ta khó có thể gọi sự lưu trữ của những thứ “biến-đổi- bản-chất-qua-điểm-tựa-cá-nhân” là lưu trữ, nếu the thing không được phi cá nhân đủ để người ngoài nhìn vào nó như một bức tranh trống trơn thay vì bị nhồi sẵn trong nó những suy tư cá nhân. Điều này đan chéo những gì tôi viết ở trên: “Có lẽ lưu trữ không luôn nhằm mục đích lưu trữ”, và ở Nói Lân Cận”, những lưu trữ vờ-tưởng lai tạp hóa và khai rộng kho kí ức để cá nhân nhìn trực diện vào chúng, những thứ họ đã chọn bỏ lại nơi đầm lầy của sự lãng quên.  

Xoay chuyển vượt qua bản chất lý tưởng hoá đầy ảo ảnh của sự lưu trữ

Sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật không đồng nghĩa với ý niệm rằng tương lai sẽ mang trên mình thứ lịch sử được để lại bởi tác phẩm ấy, bởi lẽ sự truyền mang các tác phẩm luôn chần chốc những nhọc nhằn. Lần nọ, trong cuộc trò chuyện của tôi với bác Lê Vũ, bác nhắc đến việc rằng kể cả bản thân bác cũng không biết những tư liệu thuộc về tác phẩm bác đã lưu lạc về đâu, làm gợi nhớ tôi tính dễ tan biến của phương tiện được sử dụng nhằm mục đích lưu trữ. Trong thời hiện đại nay, chúng ta thường bị thuyết phục với ý niệm rằng lưu trữ kỹ thuật số đính kèm một tác phẩm một bảo hiểm đời sống bất diệt, một phần là do thứ được gọi là digital footprint (dấu chân kỹ thuật số). Nhưng để tin vào digital footprint cũng chính là tin vào những điều ẩn dưới digital clutter (đống hỗn độn kỹ thuật số). Thời gian xói mòn, và một ngày, những lưu trữ bức thiết, nếu thiếu sự chăm bón, bị đào thải và rồi một chất liệu dễ tan của lịch sử thế chỗ. Nó mang một ý thức xâm-nhập-tâm-trí mới, rằng ở một chừng mực nhất định, phương tiện mà trong đó một tác phẩm được lưu trữ định đoạt tầm quan trọng tác phẩm ấy được nhìn nhận. 

Không thể phủ nhận rằng việc lưu trữ là nhằm cho tác phẩm đã chạm ngưỡng hoàn thiện, hay nếu trích Hal Foster, “sản phẩm lưu trữ là trung tâm của dự án ghi tài liệu, và đó là nơi mà những thứ đó, ít nhất là theo khía cạnh chủ ý, được hoàn thiện” Nhưng ở đây tôi muốn chất vấn cụm từ “deliberately done” (chủ ý được hoàn thiện) như một trạng thái ngưng-đọng-sự-sống của tác phẩm, kèm câu hỏi: Để một tác phẩm sống chính là Để chúng luôn đan chéo với những liên đời sống kéo sau? Tác phẩm là những hoán vị; chúng đẻ ra muôn vàn những biến thể nối tiếp, tái khẳng định khuynh hướng của tác phẩm trong sự giao thoa với từ đời sống. Nếu tác phẩm đặc chất biến chuyển như vậy, bằng cách nào chúng ta đảm bảo sự lưu trữ tác phẩm thoát xác tĩnh, không bất động? Hay làm thế nào nào để đảm bảo tác phẩm là một tác phẩm hoàn chỉnh, đặc biệt là với sự gây dựng những chân trời đa chiều cho sự chiêm nghiệm về một tác phẩm? Hay liệu chúng có thể nhìn nhận bản chất của lưu trữ có phần gạt, phần ngưng, phần làm cô quạnh sự hiện diện của những đời sống tác phẩm mới? Tác phẩm vận động thông qua việc khuấy đảo những liên tiếp diễn, song, khung hạn hẹp của nó trong việc định nghĩa “trạng thái hoàn thiện” đả động đến lưu trữ như một chất liệu có phần hạn hẹp mà cần được tái xem xét như một liên triền của loạt gián đoạn. 

Tra dò lại tác phẩm thuộc về ai

Damien Hirst, ‘Sự Phi Khả Thể Mặt Vật Chất của Cái Chết Trong Tâm Can Người Sống’. Chú giải: Năm 1991, Hirst trình diện một tác phẩm trong đó xác thật của một con cá vật được lưu giữ trong một bể bình như trên. Được biết nghệ sĩ không đụng chạm thêm gì vào xác cá mập ngoài những thao tác nhằm lưu giữ.

Một tác phẩm nặng tính bề dày lịch sử, thực chất, đặc sệt trong sự mù mờ về định danh tác giả và định tính thẩm quyền. Đặc biệt với những tác phẩm đan cài vật thể tìm thấy, tính định danh của tác giả tréo ngoe với một sự tồn diện mờ nhạt, vô định. Để truy vấn về tính thẩm quyền của tác giả có phần evaporative, chúng ta cần truy nước lại từ nguyên của “author” (tác giả). “Author” có gốc từ từ Proto-Italic augeō có nghĩa là “tăng lên, khởi nguồn”. Nếu một người nghệ sĩ kết hợp các vật thể tìm thấy như một đòn bẩy cho tác phẩm của họ, thì một nghệ sĩ có tuyên bố chủ quyền với tác phẩm đó tới mức độ nào – khi, về bản chất, các vật thể tìm thấy có tính sự-kiện-cụ-thể (event-specific), về bản chất, được phi nội tại (deinteriorized) và phi sở hữu (de-owned)? Nếu mọi khái niệm liên quan được sinh ra đều nặng sự đa nghĩa, mơ hồ thì chúng ta xác định những hạt gieo trồng định rõ nơi bắt nguồn của tác phẩm như thế nào? Tiến vào vực sâu của lưu trữ, làm thế nào để ta biểu lộ rõ, hiểu rõ tác phẩm mà chúng ta đang đưa vào kho lưu trữ? Đặt giả định ở các thực hành lưu trữ với các vật thể tìm thấy, liệu chúng ta đang lưu trữ một sự kiện lịch sử với các vật thể hữu hình liên kết với sự kiện ấy, hay chúng ta đang lưu trữ những bản diễn dịch sự kiện ấy thuộc về nghệ sĩ với những vật thể mang nặng lịch sử? Và, nếu lưu trữ vốn mang bản chất không cố định, với tính di động và linh hoạt của nó, làm sao chúng ta có thể đi tới kết luận về việc ta đang lưu trữ gì? Sự lưu trữ, bản thân nó, là một con dao hai lưỡi, bởi lẽ nó vây mờ quyền sở hữu gốc rễ của tác phẩm, đồng thời mang lại một định nghĩa hạn chế về “sự kết luận của tác phẩm”. 


   Tài liệu tham khảo:

  • “Author Etymology.” Etymologeek. Accessed June 23, 2022. https://etymologeek.com/eng/author.
  • Foster, Hal. “An Archive Impulse.” Monoskop. Accessed June 23, 2022. https://monoskop.org/images/6/6b/Foster_Hal_2004_An_Archival_Impulse.pdf?fbclid=IwAR0flVwtXego8xIp8hhv-pG9hGQ4QwC-KAa-UBKzHYM-ZpZWaGttiLftQko.
  • Foucault, Michel. “The Archaeology of Knowledge and The Discourse on Language.” Accessed June 23, 2022. https://faculty.uml.edu/sgallagher/Foucault_Michel_Archaeology_of_Knowledge.pdf.
  • T. Lewis, Charlton. “A Latin Dictionary, Augĕo.” Perseus Digital Library. Accessed June 23, 2022. https://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Perseus:text:1999.04.0059:entry=augeo.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.