Viết và dịch bởi Vân Đỗ

Bản gốc đăng trên chuyên đề CHECK-IN 2022 của tạp chí Art & Market


Chúng ta có cần không gian nghệ thuật hay không? Ở Việt Nam nơi cơ sở hạ tầng cho nghệ thuật đương đại luôn hạn chế, câu trả lời hẳn là có. Nhưng chúng ta cần gì ở một không gian, và rồi ai sẽ được gì từ đó? Giấc mơ nào, hy vọng nào một không gian như vậy có thể mang? Những câu hỏi thế này luôn trở đi trở lại trong tôi trong vòng ba năm qua, kể từ khi tôi bắt đầu tham gia tích cực vào quang cảnh nghệ thuật ở Việt Nam, ở cả Sài Gòn và Hà Nội, vừa như một người quan sát và như một người người thực hành.

Ảnh chụp sắp đặt ‘Có con kiến trong ca nước’ thuộc triển lãm cá nhân của Xuân Hạ do Châu Hoàng giám tuyển tại Chaosdowntown ở Sài Gòn năm 2018. Ảnh của Chaosdowntown.

Năm 2021, khi còn đang làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, một không gian đầu tiên (tự phong) được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, tôi khảo sát đôi chút về nghệ thuật ở miền Nam. Đó là khi tôi bắt đầu thấy rất hào hứng với một không gian giờ đã ngưng hoạt động, gọi là Chaosdowntown (gọi tắt là Cháo), một không gian nghệ sĩ tự vận hành/một tập thể nghệ sĩ/một hostel do Xuân Hạ và Thanh (Nu) Mai đồng sáng lập và hoạt động sôi nổi trong khoảng 3 năm từ 2015 tới 2017. So với The Factory, một trung tâm nghệ thuật với những chương trình và triển lãm được giám tuyển kỹ lưỡng, có một sự tương phản đậm nét trong cách tiếp cận của Cháo trong việc xây dựng chương trình và lựa chọn nghệ sĩ, trong cách họ tham gia cùng những dòng văn hoá ngầm của Sài Gòn, thái độ mạnh mẽ của họ với những vấn đề bất công xã hội, và thậm chí cả trong tính đàn hồi của chính kiến trúc không gian của họ, một nơi có thể thay hình đổi dạng tuỳ theo sở thích của các nghệ sĩ sáng lập ra nó, hay thậm chí còn tuỳ theo tâm trạng của họ.

“Sao chị nghĩ là chị cần một không gian nghệ thuật?” Tôi hỏi Xuân Hạ một năm sau khi chị chuyển về Đà Nẵng và lại bắt tay mở thêm một không gian nghệ thuật nữa gọi là A sông. Chị nói rằng chị muốn được thấy sự hiện diện của những nghệ sĩ khác quanh mình, và cũng muốn tiếp tục “tự làm tự học”. Đối với chị, một không gian dường như mang nghĩa của sự tự chủ và tính cộng đồng.

Một buổi chiếu phim di động của Nãi Cinema trên vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, Quận 1, Sài Gòn, 2021. Ảnh của Vân Đỗ.
Ảnh bìa cuốn ca-ta-lô ‘Dự án Bảo Lộc’, do Sue Hajdu giám tuyển và được tổ chức bởi a little blah blah và Atlantic Commodities Vietnam Ltd. (ACOM) ở TP. Bảo Lộc, 180 km từ Sài Gòn. 

Ở một phương diện khác, tôi cũng được truyền cảm hứng rất nhiều bởi những dự án nghệ thuật độc lập diễn ra theo chiều hướng du mục, dịch chuyển từ nơi này tới nơi nọ, phần lớn ở những không gian phi-nghệ thuật, và mỗi lần lại mang một dạng thức khác nhau. Những dự án như này đặt trọng tâm hơn vào “chốn” thay vì “không gian”. Tôi nghĩ lại hàng loạt những dự án cộng đồng của a little blah blah, một sáng kiến nghệ thuật ở Sài Gòn do các nghệ sĩ Sue Hajdu, Như Huy và Motoko Uda vận hành mà không hề có một không gian cố định từ năm 2005 tới 2010. Tôi cũng nhớ tới những buổi chiếu phim thể nghiệm di động của Nãi Cinema, do nghệ sĩ video Phạm Nguyễn Anh Tú chạy; những triển lãm theo kiểu DIY lâu lâu mới có của Đường Chạy, đồng sáng lập bởi hai nghệ sĩ Sài Gòn Vicky Đỗ và Phan Anh. Một dự án đáng kể dạng này là ‘Những chân trời có người bay 4’ do Phụ Lục, một nhóm nghệ sĩ trình diễn ở Hà Nội giám tuyển tại một không gian kho được sử dụng làm nơi trưng bày các tác phẩm. Tất tật những dự án này đều sải cánh tới nhiều nơi chốn khác nhau như quán bar, quán cafe, nông trại, một khu lưu kho hay thậm chí ngoài hè phố, qua đó vận dụng lựa chọn về địa điểm như một chiến lược để chất vấn và mở rộng những gì được cho là nghệ thuật và ai thì mới được trưng bày nghệ thuật. Những tình huống mà các dự án này tạo ra, hay tính đặc thù của một “nơi chốn” mà các dự án phản hồi trở thành không gian cho thử nghiệm, suy ngẫm và những gặp gỡ.

Một năm sau đó, đầu năm 2022, tôi bỗng thấy mình làm việc cho một không gian độc lập tại Hà Nội tên gọi là Á Space. Vai trò mới này tới sau một vài tháng không ngừng nghỉ khởi xướng những dự án thử nghiệm hoặc diễn ra online hoặc ở những địa điểm và khu vực khác nhau. Nằm trong khuôn viên nhà riêng của nghệ sĩ Tuấn Mami bên rìa thủ đô Hà Nội, Á Space kiềm chế không lúc nào cũng tổ chức triển lãm và trưng bày, đóng vai trò nhiều hơn như một cổ động viên và một người kích hoạt các thực hành mang tính thử nghiệm và non trẻ. Với sự tự do để định hình chương trình và không gian mà bỗng dưng được hào phóng trao cho mình, tôi mường tượng một khả năng hữu hình hoá mối liên kết giữa “nơi chốn” và “không gian”.

Một cấu trúc do nghệ sĩ Thảo Nguyên Phan thiết kế phản hồi với 7 mô-đun của Điềm Phùng Thị, được sản xuất cho triển lãm nhóm ‘Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên’ tại The Factory, 2021, sau đó được trình hiện lại trong buổi mở xưởng ‘Tò he tập bơi’ do Te Rẹt tổ chức tại Bình Quới, Sài Gòn, 2021. Ảnh của Vân Đỗ.
Ảnh chụp buổi phê bình kín với nghệ sĩ Phạm Hà Ninh tại Á Space tháng 4, 2022. Ảnh của Hải Lê.

Những ngày này, khi các không gian nghệ thuật lâu đời ở Hà Nội như TPD hay L’Espace lại dần bị thay thế bởi những tòa nhà cao tầng mọc lên, câu hỏi về tính thiết yếu của không gian nghệ thuật lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Với tôi giờ đây, câu hỏi này, về việc một không gian có thể có ý nghĩa gì, lại trở thành một mệnh đề nhiều tính cá nhân. Tôi bắt đầu nhận thấy rằng, đời sống của các không gian nghệ thuật vẫn sẽ bấp bênh vậy thôi, nhưng những gì tôi làm và sẽ tiếp tục quan tâm tới không phải là một không gian vật lý mà là một cộng đồng nghệ sĩ và người làm nghệ thuật tương đối cụ thể. Cho họ và bởi vì họ nên một không gian mới trở nên cần thiết. Chính là sự bền lâu của những thực hành này, chứ không phải của một không gian vật lý, là điều tôi tin vào, và là điều kích thích tôi tìm cách này hay cách kia để tham gia và học cùng họ. Những giá trị của họ mà tôi được trao cho, hy vọng sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và sống cùng: khả năng chất vấn những lề lối và đề xuất những cách làm và nghĩ khác, sự cân nhắc cẩn trọng về bối cảnh, và sự bao dung nhìn về các thế hệ trước và sau. Không phải là một con đường dễ đi, nhưng tôi vinh dự và khiêm nhường xin được nhận việc này.

 

One thought on “Không gian và phi-không gian: Một phản tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.