Văn bản của Linh Lê, chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi Nguyễn Phương Trang
Tiểu luận giám tuyển cho trưng bày ‘Chợt mộng tan‘ của Đặng Thuỳ Anh


I.

Để chuẩn bị cho buổi gặp gỡ đầu tiên khởi động cho dự án, tôi đã xem xét thư mục lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật của Thùy Anh từ đầu năm 2021. Dự án mang tính cá nhân sâu sắc, bao gồm một loạt các phương tiện đa dạng từ sắp đặt, video, tranh vẽ cho đến trình diễn. Việc đưa các tác phẩm vào cùng một cách phân loại là vô cùng khó khăn và tự loại trừ lẫn nhau vào thời điểm ban đầu. Lần thứ ba xem lại các tư liệu, tôi dần dần phát hiện ra nhiều chủ đề lặp đi lặp lại hoặc có nhiều chất liệu xuất hiện đây đó xuyên suốt dự án. Ngủ là một phần quan trọng, là một loại chất liệu và cũng là dẫn dụ của các giấc mơ. Mang âm hưởng câu từ của Gaston Bachelard, những giấc mơ trong các tác phẩm của Thùy Anh kết nối những nơi trú ngụ khác nhau và tích trữ “những báu vật ngày trước”. Giấc mơ là nơi tất cả các phần riêng của Thùy Anh tạo nghĩa. Cô cũng thể hiện khao khát mạnh mẽ muốn có một không gian qua những khả năng khác nhau: sự tái hiện căn phòng của cô ngày xưa khi còn ở với gia đình, một không gian ảo chóng tàn nơi cô có những cuộc gặp gỡ câm với người lạ, sự mô phỏng của một không gian chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng của cô. Cuối cùng, dự án là diễn giải của cô về cái chết và sự tái sinh — những suy tư luôn ẩn hiện đây đó, khi thì rõ rệt như cách dùng màu, câu chữ hoặc biểu tượng, khi lại nhẹ nhàng như việc tìm chức năng mới cho một vật đã không còn sử dụng từ lâu. 

II.

Con người chúng ta định nghĩa bản thân qua hành động làm nhà. Trách nhiệm đầu tiên và bậc nhất của nhà là bảo vệ người cư trú khỏi thiên tai và hiểm nguy rình rập đến từ những loài khác hoặc các nhóm thù địch. Hình dáng và kích thước của tổ ấm sẽ do người cư trú quyết định, và nó không chỉ đơn thuần là một không gian vật lý. Người mẹ cũng như một căn nhà: trong thai kỳ, người mẹ tạo không gian để thai nhi tiếp nhận những dưỡng chất thiết yếu để phát triển mà không bị ảnh hưởng. Nhà không được xác định bởi thời gian, dù ngắn hay dài, bao nhiêu ngày hay bao nhiêu năm, nhà vẫn sẽ là nhà. Định nghĩa về nhà có thể tìm thấy trong tiểu luận nổi tiếng “Căn phòng riêng” của Virginia Woolf xuất bản năm 1929. Được lan truyền rộng rãi như một văn bản về nữ quyền có sức ảnh hưởng lớn, Virginia Woolf đòi quyền lợi cho nhu cầu cơ bản nhất đối với sự tồn tại của con người: không gian một mình, mà ở đó, ta có tự do để trở thành bất cứ điều gì ở bất cứ lúc nào mà không phải thỏa hiệp với những tiêu chuẩn xã hội. 

Không gian trong tác phẩm của Thùy Anh cũng hoạt động như một căn nhà. Nó là nơi cư ngụ của thân xác và linh hồn cô, nơi mà cô có thể chìm trong những suy tưởng và cảm xúc. Một không gian an toàn nơi cô được ở bao lâu tùy thích để tâm hồn cô được rong chơi. Một chốn ẩn náu để cô quay về khi cô đang trong quá trình đối mặt với những mất mát. Căn nhà lúc này từ một nơi để đối diện và giãi bày, an ủi trở thành một chốn cách biệt nơi thời gian ngưng đọng. Tận sâu con người là những sinh vật xã hội — đó là mặc cho việc chúng ta yêu thích sự riêng cho mình, nhưng thi thoảng ta vẫn thèm muốn tình tri kỷ. Khi xuất hiện một ai đó đồng cảm với ta thì căn nhà tự động mở cửa đón chào, đồng thời một căn nhà khác cũng xuất hiện. Xét cho cùng thì nhà không phải một không gian hoàn toàn khép kín và sự quan trọng của tồn tại được thể hiện qua cảm thức cộng đồng. 

III. 

Khi xây một căn nhà ta muốn lấp đầy nó với nhiều đồ vật khác nhau, hữu hình lẫn vô hình. Điều này có thể hiểu như một thôi thúc lưu trữ. Dưới những tiêu chuẩn mang tính kinh viện, chỉ có một vài dạng thông tin được đưa vào lưu trữ, ví dụ như văn bản, hình ảnh hoặc các đoạn phim. Như một điều tất yếu, nhà trở thành nơi lưu trữ lý tưởng nhất và cũng không phân biệt nhất cho những chất liệu thể hiện bằng chữ và các cách biểu hiện ví dụ như kí ức, những niềm tin tâm linh hoặc tín ngưỡng dân gian, và những trải nghiệm của cơ thể – sự sởn gai ốc trên da thịt, tiếng đập trong lồng ngực và sự quặn thắt của dạ dày. 

 Lưu trữ hé lộ nỗi sợ lớn nhất của chúng ta – sự lãng quên. Chúng ta sợ ta không được nhớ về, và đồng thời ta cũng sợ rằng ta không thể ghi nhớ. Khi ta rầu rĩ về nỗi đau mất người thân, ta thường xem lại kỷ vật của họ, hoặc bất cứ thứ gì gợi nhớ về họ. Tùy thuộc vào mối quan hệ với người đã khuất, mỗi người chúng ta để tang họ theo nhiều cách khác nhau: có người lảng tránh, có người chấp nhận, và có người chọn cách không bao giờ buông bỏ. Những kỷ vật đôi khi như khắc họa lại bức tranh người đã khuất, và đôi khi chúng như bằng chứng buộc tội những sai lầm của ta. Nói cách khác, chúng là chi ảo của người đã khuất: chúng ta vẫn cảm thấy người đã khuất đâu đây quanh ta, và ta sẽ luôn được nhắc nhớ về mất mát của mình. Trong Thư chết của tác giả Linda Lê viết năm 1999, nhân vật chính cảm thấy tội lỗi vì đã luôn trì hoãn việc về thăm cha, và vì vậy cô đã lỡ mất cơ hội được ở bên cha trong những giây phút cuối cùng. Nhân vật tin rằng cô là nguồn cơn cho cuộc sống và cái chết cô độc, bất hạnh của cha cô, cô bấu víu vào những kí ức, những lá thư chết  để không bao giờ quên cha và đặc biệt, không quên sự phản bội của mình.

IV.

Michael Cholbi (2022) trình bày một nghịch lý của nỗi đau với lập luận rằng nó là những cảm xúc tiêu cực ta nên tránh và vượt qua, và một lập luận khác rằng chúng là những bài học có ích một cá thể nên trân quý. Sự đối nghịch này cho thấy một cạm bẫy nguy hiểm của việc xem nhẹ hoặc lãng mạn hóa đau thương nếu cán cân chệch hẳn sang một bên của phổ nghịch lý trên. Ông cũng diễn giải thêm rằng đau buồn là một giai đoạn cần thiết để ta nhận ra những giá trị của bản thân hình thành từ mối quan hệ với người đã khuất. Mất đi một người cũng giống như mất đi một phần cơ thể, và điều đó ảnh hưởng đến danh tính của một người. Do đó, dù khóc thương cho người đã khuất có mệt mỏi nhường nào thì  điều đó cũng vô cùng quan trọng để ta hiểu hơn về bản thân. 

Nhưng sẽ thế nào nếu ta khóc thương cho một người mà sự tồn tại của họ thật rời rạc và ngắn ngủi đến mức mà kết nối giữa họ với ta quá đỗi mong manh? Ta sẽ khóc thương cho sự mất mát đó thế nào, khi mà những gì còn lại về họ thật ít ỏi và tất cả những gì có thể gợi nhắc về họ còn không thể là một khuôn mặt, mà chỉ là cảm xúc mơ hồ? 

V.

Vào những năm 1960, nhà tâm lý học Elisabeth Kübler-Ross đã đề cập đến thứ sau này được gọi là những giai đoạn của nỗi buồn: giai đoạn đầu – bất ngờ, phủ nhận và cô lập, giai đoạn hai – tức giận, giai đoạn ba – thương lượng, giai đoạn bốn – trầm cảm và giai đoạn năm – chấp nhận. Mô hình này sau này trở thành một chuẩn mực để hiểu về tâm lý của một người đang trải qua đau buồn đến nỗi nó trở nên quá quy chụp. Mỗi người sẽ khóc thương theo cách khác nhau, do đó, nhận định một cách mù quáng bằng một công thức cố định đồng nghĩa với việc coi thường bản chất rối ren của mất mát và nỗi đau.  Kübler-Ross sau đó đã nhận ra hiểm hoạ này trong mô hình của cô ấy và nhắc lại rằng không phải ai cũng trải qua những giai đoạn này theo thứ tự và thời gian như nhau.   

‘Chợt mộng tan’ có thể được diễn giải như một nỗ lực của Thùy Anh trong việc tìm hiểu vô tận cảm xúc của của bản thân. Triển lãm góp nhặt và trưng bày những kỷ vật cô giữ – hay là những mảnh vụn danh tính của cô vào ba không gian khác nhau mà trong đó giai đoạn cuối có thể ở bất cứ đâu nhưng đồng thời không ở đâu cả, thể hiện bản chất đặc thù và khó nắm bắt của nỗi đau. Đi qua các không gian giống như đi theo những bước chân của Thùy Anh trên con đường cô đối mặt với mất mát – ta không rõ có giai đoạn nào Thùy Anh đã bỏ lỡ hay chúng có theo một trình tự nào. Sự chấp nhận là bước cuối, nhưng nó cũng có thể là sự tiếp diễn của chính nỗi đau đó – như việc nhân vật chính của Linda Lê chọn dừng lại ở Vương quốc Mất như một cách để tưởng nhớ người cha đã mất và những lời hứa mà cô đã không thể giữ. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.