Giọng Lý văng vẳng bên tai, nhưng mình không đủ tỉnh táo để giằng được những âm thanh ấy ra khỏi cơn ngủ. Nó cứ âm âm u u tỉnh tỉnh mê mê như thế. Rồi chợt mộng tan.
Giấc mơ bao giờ cũng (được mô tả) êm ái dịu dàng (có rơi cũng không đau không đớn không xước xát thương tổn). Chợt mộng tan cũng êm ái dịu dàng như thế trong một sát na trước khi hiện thực ùa vào. Những sắp đặt đầy êm dịu và nữ tính, riêng tư của Đặng Thùy Anh gợi liên tưởng đến hình ảnh một người đang từ từ tỉnh giấc, khi cơn mơ vẫn còn vương vẫn và chưa mất hút vào tiềm thức, hoặc người đang chầm chậm đi sâu tít vào chính trong tiềm thức để tìm lại cơn mơ ban nãy.
Các sắp đặt của Đặng Thùy Anh, trong nỗ lực thay đổi, chuyển hóa không gian Á Space, cũng gợi ý về một cơ thể, và đồng thời cũng giải cấu trúc cơ thể đó. Phập phồng màn vải, phập phồng rèm gió, phập phồng âm thanh và cây lá. Mỗi nơi một thứ, đứt đoạn luẩn quẩn. Không cần nghĩ gì quá nhiều mà cứ thế thênh thênh bước vào.
I. Nấn ná đôi bờ
Chất liệu vải, bên cạnh tính chất bồng bềnh mềm rủ và sắc thái hồng cam mơ màng để mềm hóa không gian và hữu thể hóa hình tượng giấc mơ, còn gợi ra nhiều khả năng liên tưởng phong phú khác:
Lều chăn: Những đỉnh màn và texture vải nhắc mình đến những thứ mùng mền chăn gối tuổi thơ đã bao lần tìm cách dựng thành lều. Trong lều là cả một thế giới thơ trẻ: riêng tư, ấm áp và biến hóa phong phú. Lều, hay căn phòng cũng đều giống nhau: một chỗ cho riêng mình, ôm mang, an toàn và có đủ chỗ trống cho những trò chơi của tâm trí.
Tử cung: Màu hồng máu thịt. Và vẫn là chất liệu: những đường vân tế bào, những màng lưới, những mô, những thai (những đụn vải, xoắn vải, nếp gấp vải, bean bag,..) phi cấu trúc.
Nỗ lực “mềm hóa” không gian của Đặng Thùy Anh ở “Nấn ná đôi bờ” đã tạo ra một khu vực bồng bềnh đến độ mặt đất cũng êm êm như mây, vừa rất dễ ru ngủ, vừa khiến mình không nỡ ngủ vì sợ sẽ bỏ lỡ một mộng cảnh thực có. Chữ “nấn ná” có lẽ hiện diện ở chỗ đó – một tình thế lưỡng nan giữa thực và mơ.
Nếu như tiếp cận từ góc độ tính nữ, mình muốn trở lại, trước hết, với cái tử cung. Không chỉ vải vóc phập phồng, mà âm thanh cũng phập phồng. Tiếng nước ối òng ọc. Mình nằm ngồi lặn lội như một đứa trẻ sung sướng trong bụng mẹ. Có thể tử cung cũng là một căn phòng, và là căn phòng đầu tiên trong đời mà mình luôn muốn trở lại. Bào thai, có thể mô tả hình dáng như một hạt đậu (hình ảnh mà sẽ còn trở lại nhiều lần trong triển lãm) lớn lên lớn lên…
Kết hợp với “Những mảnh gần gũi”, hoàn toàn mình có thể tin mình là một đứa trẻ trong bụng mẹ đang ghé tai nghe những thanh âm bên ngoài.
Tính nữ trong “Nấn ná đôi bờ”, nếu như tiếp tục diễn giải, còn có thể tìm thấy ở những tác động theo kiểu “bạo lực mềm” lên chất liệu vải: các đường may ghép và các đỉnh màn bị đóng đinh cố định cũng có thể được nhìn như những chỗ neo bám, những chỗ mình đã níu mình lại để khỏi lịm đi trong cơn mê hoặc trước dòng lũ hiện thực sẵn sàng cuốn phăng tất cả mộng tưởng.
II. Những mảnh gần gũi
Trong căn phòng một tấm phản gỗ. Những mắt gỗ, những lỗ hở từ đó âm thanh thoát ra.
Mình nghĩ đầu tiên đến khoảng mê man trước khi tỉnh giấc. Mình vẫn còn đang nằm trên sập, mắt nhắm, giấc mơ chuyển cảnh loạn xạ bùng nhùng những hình ảnh cuối cùng, những cuộc hội thoại của bà mình, mẹ mình, bác mình (vừa khéo như thế) ngoài kia lọt vào câu được câu chăng. Ký ức thân thuộc vừa khéo trùng lặp khi tuổi thơ mình cũng có một quãng thời gian dài diễn ra trên một tấm phản gỗ. Từ đây mình nghĩ (cùng một lúc) theo ba hướng: hành vi nghe lén; sự lưu trữ; và hình ảnh những người nữ – người mẹ.
Nghe lén: Mình là người bên ngoài câu chuyện vốn không dành cho mình. Rõ rệt hơn là cảm giác một đứa trẻ vô tình hoặc cố ý nghe lỏm chuyện người lớn, không hiểu gì hoặc hiểu rất ít. Cảm giác ấy làm cho cuộc hội thoại trở nên thiếu hoàn chỉnh, dang dở và sẽ còn lấn cấn mãi trong đầu sau đó.
Ba lỗ hở cũng đồng thời gợi cho mình đến Vương Gia Vệ và phân đoạn cuối cùng trong In the mood for love khi Châu Mộ Văn tìm đến Angkor Wat, thì thầm gì đó vào một cái hốc trên thân cây và trát bùn kín lại. Rồi cảnh tượng ấy sẽ còn trở lại trong một bộ phim khác của ông là 2046. Lần này, những mắt gỗ tự vỡ ra và mình ghé tai vào nghe.
Lưu trữ: những vật dụng đã hiện diện trong một quãng đời mình rồi mình bước ra khỏi nó, hoặc nó bước ra khỏi đời mình, ở đây là tấm phản gỗ. Sinh hoạt của gia đình diễn ra ở đó: ăn cơm, ngủ, ngồi cà kê nói chuyện, thậm chí, học bài và bị mẹ đánh. Những ký ức đã thấm vào gỗ như chất lỏng. Mùi của tấm phản không chỉ là mùi gỗ nữa, mà là những mùi hương của cả một quãng đời mình đã ám lên. Là gỗ mà không phải chất liệu khác (dẫu không phải một chủ ý của Đặng Thùy Anh) bởi khả năng lưu trữ của nó, khả năng ám/giữ mùi, màu, vệt, vết…
Những người mẹ: thân cận, gần gũi. Cần phải note lại, mình nghe không tốt. Các tiếng, các âm lọt vào tai mình nhưng ngay lập tức trượt ra khỏi vựng ngữ nghĩa. Mình chỉ phân biệt được giọng người nói là ai với ai. Có bà, có mẹ, những người phụ nữ đã nuôi mình lớn. Không còn nội dung, chỉ còn lại cảm giác thân thuộc thường nhật lúc những người phụ nữ ấy kể câu chuyện của mình, hoặc chỉ đơn giản là nói về một cái gì đó như cái bàn nước chẳng hạn. Rồi sau này, mình đã lỡ (quên) mất bao nhiêu lần thường nhật như thế? Hoặc ngược lại, bà và mẹ mình còn bao nhiêu lần có thể cất tiếng? Người nữ có bao nhiêu cơ hội để lên tiếng?
Trong một đoạn ghi âm mình may mắn nghe rõ, cuộc hội thoại của Đặng Thùy Anh với người bà có để cập đến những đứa con đã mất. Vẫn là những cái thai – một “mã” đã xuất hiện ở “Nấn ná đôi bờ” và sẽ còn xuất hiện lặp lại thêm nữa xuyên suốt các tác phẩm của Đặng Thùy Anh trong “Chợt mộng tan”.
III. Nằm đếm
“Người vừa rời đi sáng sớm hôm nay”
Đấy là suy nghĩ đầu tiên nảy ra khi mình bước vào căn phòng. Gấu bông xếp ngay ngắn. Chăn gối yên ả. Ga giường vẫn còn gợn nếp hằn bóng tối. Cửa sổ cạnh giường, rèm xanh, giấy dán tường xanh. Giấc mơ có thể cũng xanh. Ký ức cũng có thể xanh. Tranh vẽ không xanh. Một sự vắng mặt im lặng, thong thả và chu đáo. Hoặc cũng có thể là một sự chờ đợi đang hiện diện nơi ấy.
Giường, vẫn là giường. Vẫn nằm, ngồi rồi lại nằm, ngồi. Dường như các sắp đặt của Đặng Thùy Anh đều có bóng dáng của giấc ngủ, hoặc của trạng thái tĩnh: ở yên, không làm gì, chờ đợi. Chăn gối thân thuộc. Mình được biết khi đến Á Space, Đặng Thùy Anh đã cố gắng cá nhân hóa không gian đến mức tối đa, từ giấy dán tường cho đến các vật dụng. Không gian, vì thế, gợi ra cảm giác thân thuộc như thể mình cũng thuộc về căn phòng này và đang đợi một ai đó trở về cùng. (Tình cờ hoặc không, nhưng giường đặt hai chiếc gối.) Nếu được, thậm chí mình còn muốn nằm sát rạt xuống và hít lấy mùi chăn gối một lần. Chăn, gối, giường cũng có thể trở thành các vật lưu trữ ký ức, từ hoa văn, chất liệu cho đến mùi hương của chúng.
Gấu bông: ngộ nghĩnh, thơ trẻ. Những lúc đau không nói được với ai, hay những lúc người đã đi rồi không còn ai để nói, mình có thể nói chuyện với gấu bông không? Những vật vô tri xa lạ thường dễ được nhân hóa, và vì thế, có vẻ biết cách lắng nghe hơn.
Tranh và video: hạt đậu hồng trở lại và trở đi trở lại dáng hình một thai non, trên nhiều chất liệu, như một dạng ám ảnh, hoặc như một suy nghĩ từ đâu tới rồi cứ bám chặt lấy mình không thôi. Bên cạnh câu chuyện về tính nữ đã tương đối hiển lộ trong các tranh vẽ và video (khung hình là hình hạt đậu, những hình ảnh thú bông và cây cối mờ dần vào một đoạn video siêu âm thai kỳ và đoạn thơ của Tagore khi được trình chiếu đậm dần lên một hạt đậu hồng), có thể nhìn “cái thai” không chỉ như một thực thể mà còn như một ý niệm về sự sinh trưởng của một ý nghĩ, ý tưởng.
“Nằm đếm” mang vẻ ngoài lý tính và gần hơn với hiện thực, tách mình khỏi chốn mơ mộng bềnh bồng của “Nấn ná đôi bờ” và “Những mảnh gần gũi”. Cũng có thể nghĩ rằng căn phòng của “Nằm đến” chính là không gian “hoài thai” và nuôi dưỡng những mộng tưởng “Nấn ná đôi bờ” lớn lên và thành hình.
IV. Trò biến hóa
“Tôi đợi người về/bước chân qua mặt gương”
Mình sẽ muốn tưởng tượng một thước phim thế này:
Một người nằm nghiêng cạnh mặt kính, dáng người cong theo hình bán nguyệt. Người này cứ nhìn mãi vào mặt kính và “Trò biến hóa”. Rồi nắng, rồi mây bay, rồi mưa rơi. Rồi một vạy váy, hay một vạt quần ống rộng thoáng lướt qua trong mặt kính. Rồi không gì nữa.
Váy – nữ. Tại sao cứ phải là nữ, vì “tôi đợi em về” thơ mộng và bớt đau đáu vò võ hơn “em đợi anh về” chăng? Câu hỏi liên quan đến nữ quyền luận này xin được gác lại trước nhiều suy tưởng liên quan trực tiếp đến bản thân “Trò biến hóa” hơn.
Một điêu khắc cành nhánh gốc rễ lộn phèo, hạt đậu trắng muốt lộn lèo tái sinh. Có thể đâu đó liên tưởng đến “phân sinh rễ” của Deleuze, nhưng Đặng Thùy Anh đã giải cấu trúc luôn cả bộ rễ ấy. Bây giờ bộ phận “rễ” là những hạt đậu bằng bột gạo trắng mềm xinh xắn. Những hạt đậu – những cái thai, đến “Trò biến hóa”, có thể được hiểu như là hy vọng. Những lần chờ đợi im lìm cần có hy vọng để nuôi sống nó.
Về chất liệu: Hạt đậu trắng làm từ bột gạo vừa mang tính chất mềm mại (mà ban đầu mình đã nghĩ ngay đến những viên kẹo dẻo hoặc cả kẹo bông), vừa gợi về ký ức tuổi thơ (qua chia sẻ của Đặng Thùy Anh) với những con giống tò he mà rồi mình sẽ giữ chúng đến khi chúng đông cứng và xỉn màu lại. Trong một diễn giải khác, bột gạo là một dạng lương thực nuôi sống con người, cụ thể ở đây, là nuôi sống người chờ đợi cũng như hy vọng chờ đợi.
Mình chờ đợi gì ở những cành cây đã rụng xuống trước hiên nhà, đến nỗi không nỡ vứt đi? Một khả năng tái sinh (ở một thể khác – biến hóa). Hoặc mình nhìn cành cây ấy như nhìn một nhân chứng của những ký ức đã trôi qua mà mình không nỡ mất. Đặng Thùy Anh tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình về “lưu trữ”, lần này là với những vật thể thậm chí sẽ bị coi là rác/cần phải vứt bỏ. Những cành cây (đã chết) được mang đến một đời sống khác trong “Trò biến hóa”. Thi phẩm của Tagore cùng với bản phổ nhạc của Hải Triều tiếp tục được sử dụng trong trưng bày này đã tạo ra một liên kết hệ thống cho những sắp đặt biệt vị của “Chợt mộng tan”.
Tạm kết
“Chợt mộng tan”, với những thử nghiệm liên quan đến lưu trữ và ký ức, cũng như các nỗ lực cá nhân hóa không gian triển lãm đến mức tối đa của Đặng Thùy Anh, đã gợi mở nhiều luồng suy nghĩ và vì thế, trở nên vô cùng phong phú trong cảm nhận và diễn giải đối với người xem. Những sắp đặt biệt vị nhưng không rời rạc gần như có khả năng kể một câu chuyện hoàn chỉnh theo nhiều cách khác nhau.
Mình sẽ còn muốn nói thêm nhiều nữa, nhưng làm sao nói hết được những mơ mộng không rõ hình dạng cho người? “Chợt mộng tan” còn gợi ra cho mình suy tưởng khác nữa về nói và nghe. Làm sao để nói hết nỗi đau của mình cho người (mình cứ thoáng nghĩ về những nỗi đau mất con không nói nên lời), và “người” là ai – cây cỏ, thú bông, A.I, hay chăn gối màn mùng, hay những cành cây và những hạt đậu?
Về Minh Tâm: tôi / làm / tôi / lang thang / đôi bờ / bến / vắng
Biết rằng: ngủ là niết bàn. Trong điều kiện của một giấc mơ, tìm tôi.
Có thể là người viết không chuyên và bartender nghiệp dư, luôn không biết gì cả.
Tự (tôi) đi tìm tôi trong chữ, trong thị giác khứu giác vị giác thính giác xúc giác, trong giấc mơ, ký ức, những gì lặp lại không hồi kết trong đầu mình.