Viết bởi chị Đinh Thảo Linh cho IN:ACT 2022


Nhà 22 (hay còn gọi là WH22, hay còn gọi là “ưhư22”), địa chỉ: số 22 phố Werner-Hilpert-Straße, 34117 Kassel là một trong những địa điểm thuộc documentafifteen. Á hỏi chuyện Thảo Linh, người sẽ tham dự #INACT2022 từ Kassel và cũng là một trong những người tạo dựng và là host của nhà ưhưh22, về không gian này. Nơi đây cũng sẽ diễn ra IN:ACT 2022 tại Kassel từ 16h00 – 20h00 ngày 01.09.2022.

“Bọn chị gọi là nhà ưhưh22 là viết tắt từ tên WHWH22, vì W trong bàn phím thì tiếng Việt là Ư í, cho nên chị với anh Thành gọi là “ưhưh” nghe cho nó gợi tiếng, còn 22 là số nhà, bởi vì mình chạy một ngôi nhà mà.

Ảnh chụp bởi Giang Nguyễn trong IN:ACT 2022

Ở đây mọi người đến thì đem tặng đồ. Đồ gì không dùng nữa thì mọi người đem cho, đem tặng. Bọn chị thì sẽ bán đồ, và giá thì do người mua quyết định và người mua phải nói tại sao giá đó, chẳng hạn theo tâm trạng, theo thời tiết hay theo thu nhập v.v.. Khu này vốn là một quán bar, nhưng không gian bar giờ chỉ ở bên ngoài, còn có một beer garden ở giữa – nơi mọi người chill và uống bia (không bán đồ ăn, chỉ bán bia). Từ ngoài đường đi vào là không gian của các collective khác. Vào trong nữa là không gian nhà ưhưh22 và cũng một vài collective nữa. Đi vào trong sâu cuối cùng là vườn của Mami, trong đó đồng hiện tác phẩm của Phụ Lục, chị Quỳnh Đông và Sơn PT. Nhà ưhưh22 thì có tác phẩm của Lê Đình Chung, trước cửa nhà là tác phẩm của Sao La. Cái này ở trong cái kia, mọi thứ gần nhau.

Đi qua nhà ưhưh22 có một cái rèm hồng lấp lánh, có nhiều thư tình Kiều Anh và các bạn khác viết trên tường. Trước nhà ưhưh22 chị đặt một hệ dây treo chăn màn toàn màu trắng, quần áo các kiểu, vừa để mọi người đỡ nhìn ngó vào trong nhà, vừa để nếu mà ai đi vào thì phải đi qua tầng tầng lớp lớp của vải vóc, của giường chiếu, của sự tiếp đón, của “hospitality” và sau đấy mới nhìn được vào nhà. Nó giống như mạng nhện nhưng lại không có trung tâm của mạng nhện. Rồi cũng treo một cái rèm hồng ở ngoài, như một điểm nghỉ của không gian. Quần áo rồi đồ mình giặt khô thì đem vào. Bởi vì đồ hầu như màu trắng nên cũng tạo ra những phản chiếu ánh nắng nhất định, và những bóng nắng phản chiếu lên đồ phơi. Và phơi thì phơi cả quần áo, chăn ga, cỏ cây và phơi người luôn.

Mỗi người host cũng khác màu nhau. Chị host sẽ khác anh Thành host, chỉ có tinh thần chung như tạo ra một không gian như ở nhà, gần gũi, an toàn. Mọi người cùng nhau chia sẻ, và làm thế nào để ở với nhau, chi tiết nữa là làm thế nào để ngủ với nhau. Bởi không gian rất bé với một phòng ngủ trong cùng khoảng 15m2, một phòng nữa ở giữa có cửa thoát hiểm. Lúc đầu documenta để giường tầng ở đó nhưng sau chị bảo họ dỡ 2 giường tầng đấy đi mà để một hệ thống đệm dưới đất thôi để phòng này nó trở nên đa chức năng. Có thể thành phòng triển lãm, chiếu phim, gì cũng được, tùy vào nhu cầu mỗi thời điểm. Nó cũng giống cách tổ chức không gian chị đối xử với Bà Bầu là những đồ dùng được đặt vào phòng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng không gian. Có những cái thì nương theo tình trạng, nhưng tổng thể thì là một không gian để hosting, một điểm gặp gỡ với nhau, giữa những nghệ sĩ và cả khán giả ở đây.

Ngày nào cũng cảm giác như là sinh nhật mình vì nhiều quà (đồ mọi người cho tặng để bán ấy), thỉnh thoảng cộng đồng người Việt lại mang rau mang quả sang tặng nữa. Có những lúc thấy xúc động thực sự, ví dụ như Hà Ninh (và cả vài bạn khác của Hà Ninh như Ball, Wingchan) đến ở nhà ưhưh22 vui quá và cảm thấy đủ nên cũng không đi xem documenta nữa luôn. Ở đây chỉ host khách ở ngắn hạn thôi, thi thoảng có khách đến cảm ơn vì họ coi đây mới là nhà của họ dù họ có thuê khách sạn bên ngoài nhưng khách sạn chỉ để ngủ – và được nghe họ chia sẻ rằng, tham gia cùng không gian này, họ thực sự hiểu được về khái niệm lumbung mà ruangrupa đưa ra – thì cũng tan chảy luôn. Chắc là sẽ nhớ nhất việc mình ở trong một không gian như thế và ở cùng nhau. Thời gian này, không gian này cũng làm chị suy nghĩ về tính riêng tư. Ở trong không gian chung thì những giới hạn của mình ở đâu, mình có thể chịu đựng được như nào, mình có thể tận hưởng nó hay không? Và nhu cầu về không gian cá nhân của mỗi người như thế nào, kiểu như vậy.”


Đinh Thảo Linh là quản lý nghệ thuật và giám tuyển độc lập tại Hà Nội làm việc với không gian, cộng đồng và lấy trao đổi làm trung tâm. Năm 2019, cô sáng lập ba-bau AIR – không gian thân mật cho nghệ sĩ lưu trú với bếp, bàn trà, phòng ăn và studio. Ngoài ra, cô còn thử nghiệm với cắt tóc, viết thơ và các thực hành đa ngành khác.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.