Chuyến du hành với chương trình IN:ACT 2022 của Á Space & Nhà Sàn Collective đã đưa kẻ ngoại đạo với nghệ thuật như đi vào chốn tiên cảnh. Mình muốn ghi lại để những kí ức này được trồi lên phần ý thức trong tâm trí, những mong kéo dài sự đẹp đẽ ấy lâu hơn một chút.

Từ dòng dưới này, mình sẽ xưng tôi 😛

Người đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ là anh Hải, người sống trên đảo Lau, cũng là chủ thuyền đưa hành trình dự án đi dọc sông Hồng. Đầu anh cạo trọc, người cởi trần, mặc độc cái quần lửng. Đập vào mắt là phần bụng 6 múi chắc nịch nét nào ra nét nấy với làn da đỏ rực. Trời nắng chang chang mà mồ hôi chỉ đủ khiến làn da căng bóng, ánh lên từng thớ cơ khi anh thoăn thoắt nhảy từ thuyền nọ sang thuyền kia. Nhiều người đã ngỡ anh là một nghệ sĩ trình diễn, khi thấy anh biểu diễn việc dang tay xoay vòng tròn trên boong khi thuyền di chuyển giữa 12 giờ trưa. Hóa ra đó chỉ là một trò tiêu khiển. Đáp lại tiếng reo hò cổ vũ, anh làm liền 2 vòng mà nhìn thôi cũng đủ thấy chóng mặt. Kết thúc mà không xoay được lâu như ý muốn, anh cười xòa quay qua bình phẩm với mọi người, phân tích rằng trò này khó như thế nào. Chơi – cũng cần nghiêm túc.

Hôm trước, nói chuyện với một người anh lớn, anh bảo: Con người hiện đại đang trên đà suy đồi và tha hóa, càng ngày càng sống không đúng với bản năng tự nhiên của một con người. Có nghĩa là càng ngày càng trở nên không giống một con người – một “human being”.

Tôi chợt đồng cảm với anh khi chứng kiến một loạt tác phẩm nghệ thuật trình diễn (performance art) trong sự đông đặc về không gian và thời gian của IN:ACT.

Trong buồng lái, thuyền viên tán gẫu cười đùa rả rích, các hành khách – người thì nhấm nháp bữa trưa, người thì đi lại thưởng lãm khung cảnh sông nước. Ngay sau buồng lái phía mũi thuyền diễn ra tác phẩm của một nữ nghệ sĩ trẻ. Bạn mặc trang phục thường ngày với áo phông trắng và quần ca rô, ngồi bệt bất động với tư thế đầu cúi gằm, mắt nhắm nghiền, đôi vai gồng lên với hai tay giang rộng về phía trước, hai bàn tay nhúng đầy thứ chất lỏng đặc sệt màu trắng, rũ xuống khoảng không trước mặt, một dáng vẻ thoáng nhìn như đầy cam chịu. Phía trước buồng lái là phần trình diễn của một nam nghệ sĩ khác. Mọi người vẫn đi lại, các tác phẩm cứ đúng nơi, đúng thời điểm thì diễn ra. Dường như có một chiều không-thời gian khác xung quanh nghệ sĩ khi họ trình diễn. Họ như thể hoàn toàn tách biệt với nhịp sống bên ngoài, dù không có sân khấu nào tồn tại. Nhưng khi có thể dừng lại để chiêm ngắm quá trình thực hành tác phẩm, có thể thấy nghệ sĩ đang cực kì chú tâm và hiện diện với toàn bộ sự sống trên chính con người họ. Họ mới chính thực là kẻ đang sống một cách chân thật, bản năng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ai làm gì cứ làm, đến giờ, đến nơi, người nghệ sĩ lặng lẽ, nghiêm cẩn và say sưa làm việc của họ. Khi trình diễn, dường như chỉ có họ với toàn bộ chất liệu trong tác phẩm. Thậm chí, khi chất liệu ấy bao gồm cả khán giả, họ vẫn nhẹ nhàng xoay chuyển tương tác qua lại mà không hề làm ngắt đi dòng chảy của tác phẩm. Hư hư thực thực.

Có tác phẩm thì như thể một màn biểu diễn Sasuke. Một nghệ sĩ đã đạp xe từ một con dốc bên bờ sông Hồng, phi qua một thanh rào chắn thấp rồi lao thẳng xuống sông, thể nghiệm đạp xe dưới nước trong tiếng reo hò của khán giả. Chưa bàn về tính biểu tượng hay nghệ thuật, ngắm nhìn người nghệ sĩ ấy trình diễn và nghe anh nói về những tác phẩm chỉ làm vì thú vị và vui, ở tác phẩm này anh cũng sẵn sàng cho việc hiến tặng chiếc xe đạp xịn sò, phó thác số phận nó cho dòng sông, bộ não đầy lý trí và phân tích thiệt hơn của tôi đã dấy lên nghi ngờ về khả năng tồn tại của một sự hồn nhiên và liều mạng khác thường đến vậy.

“Nếu bạn khám phá những khả năng to lớn của việc là người, bạn sẽ nhận ra rằng bạn không cần phải là một siêu nhân. Bản thân việc là người đã là siêu phàm.” – Sadhguru

Một liên tưởng xuất hiện, sẽ ra sao nếu ta sống một đời sống nghệ sĩ, nếu như ta được thực hành tác phẩm như họ? Vì khi ngắm nhìn quá trình và suy tư về những biểu hiện của tác phẩm, tôi có cảm giác, như vậy mới thực là đang sống, mới thực là con người.

Động lực nào đã khiến người nghệ sĩ nhập tâm vào sự sống như thế? Liệu có phải là nhãn dán “IN:ACT”, nhãn dán về một dự án nghệ thuật đã giúp tạo ra ranh giới về một không- thời gian an toàn cho nghệ sĩ thực hành? Hay nhãn dán về định danh “nghệ sĩ” đã giúp họ đủ tự tin và dũng cảm làm những thứ tưởng như vô nghĩa hoặc điên rồ để kì vọng lúc nào đó đặc biệt được trân trọng và vinh danh? Hay là một thứ – nội động lực nào khác, thứ phát xuất từ bên trong con người họ, đã đẩy họ sống một cuộc đời mà nhiều người như tôi đã và đang không sống như thế? Nếu vậy, đó là nội động lực gì?

Tác phẩm tôi kết nối và thưởng thức được trọn vẹn trong chuỗi dự án, là trình diễn mang tên “lí” của nghệ sĩ Phạm Hải tại một xưởng gốm ở Bát Tràng. Tác phẩm bắt đầu từ phân cảnh nghệ sĩ bê một thau đầy nước, chậm rãi đi từng bậc cầu thang lên ô kính giếng trời ở tầng cao nhất của lò gốm. Đó là một chàng trai có thân hình mảnh khảnh, khuôn mặt toát lên vẻ non trẻ và ngây thơ, mặc một chiếc áo phông sẫm và quần lửng sáng màu. Tôi tình cờ được nói chuyện với Hải khi ăn trưa trên boong thuyền. Giản dị, hiền lành và dễ chịu là cảm giác mà Hải mang lại cho người đối diện. Khi trình diễn, đó dường như là con người khác, với những bước chân chậm rãi, quả quyết khi bê thau nước đến chỗ giếng trời. Đường di chuyển bị anh phụ trách máy quay đứng chắn ngay giữa lối, anh quay lưng về phía cầu thang và lúi húi chỉnh máy nên không để ý bạn đang đi lên. Dầu vậy, bạn vẫn tiến bước không do dự, với đôi mắt dính chặt vào từng bước chân, khiến chậu nước đụng vào người anh thợ quay. Dường như không có bất cứ chướng ngại vật hay ngoại cảnh nào có thể ngăn cản việc cậu ấy đang làm.

Hải chậm rãi múc từng gáo nước đổ lên mặt kính che giếng trời. Ban đầu là đổ từ giữa, sau là đổ ra các mép kính. Cậu múc và đổ một cách tỉ mẩn, đôi mắt dõi theo từng dòng chảy. Có những chỗ nước chưa tràn hết cạnh ô kính, cậu múc gáo nhỏ, cẩn trọng đổ lên tí một. Sau đó, cậu buông gáo vào chậu, thả lỏng người ngồi xuống một bên, ngắm nhìn toàn bộ ô kính. Một lúc sau, nắng nóng, nước bốc hơi, cậu tiếp tục lặp lại chu trình đó. Múc nước đổ từ giữa, rồi đổ ra các mép sao cho nước tràn ra toàn bộ mặt kính, không chừa lại dù chỉ 1 xentimét vuông. Chậm chạp, từ tốn. Rồi lại ngồi nghỉ. Có một con ruồi bay đến định đậu lên mặt kính khi nước chưa khô, cậu ngay lập tức dùng tay xua đi. Cũng có những lúc cậu ngước lên nhìn ngắm xung quanh, lắng nghe khi có âm thanh nào đó đột ngột vang lên phía nhà hàng xóm. Rồi sau đó quay trở lại với chu trình ban đầu. Cứ thế, không biết trong bao lâu.

Có thế thôi mà tâm trí tôi chạy nhảy từ trạng thái này sang trạng thái khác khi quan sát tác phẩm trình diễn. Có lúc nó sục sôi và đầy phán xét khi thấy sự nghiêm túc và dường như cầu toàn với việc đổ nước đầy tràn mặt kính. Có lúc nó lại thấy ngạc nhiên, ngưỡng mộ với tốc độ chậm rãi và thái độ thản nhiên của Hải. Nhìn nước ứ lên ở mép ô kính rồi tràn ra, thấm vào mặt đất bê tông mà tôi hình dung đến sự cố chấp vào quá khứ, vào mọi thứ mà tôi tưởng mình sở hữu, tưởng nó là tôi. Sự níu giữ ấy mong manh như ranh giới bám dính giữa nước và mép mặt kính tạo thành bởi sức căng bề mặt, chỉ thêm một giọt nước là tất cả vỡ tung, trào ra ngoài.

Tất cả hành động của Hải tạo nên một bầu khí đầy trang nghiêm và linh thiêng bọc lấy mọi sinh thể xung quanh. Diễn biến đầy giản đơn và nhẹ nhàng của tác phẩm tạo nên một nhịp điệu êm ái và dịu dàng như cảm giác đã-về-tới-nhà. Mới trước đó thôi, tôi nháo nhào với nỗi lo không xem được hết dự án, nỗi sợ bị bỏ lỡ, vì các tác phẩm chỉ được thông báo bằng miệng khi bắt đầu, mà thuyền lớn, tôi sợ không nghe thấy. Vậy mà khi ngồi xuống với “lí” và Hải, tôi quyết định dừng lại nỗi lo lắng ấy, tôi chọn ở lại với tác phẩm này, tôi bằng lòng với việc trọn vẹn ở đây, và không thể xem hết toàn bộ tác phẩm của dự án. Tôi thấy đủ. Tôi thấy tĩnh lại được. Tôi thấy yên. Và tôi dường như đã thiu thiu ngủ khi mọi máy ảnh máy quay rời đi, khi dường như chỉ còn tôi và nghệ sĩ, khi dường như nghệ sĩ đã đi đến phần cuối của trình diễn, cậu chỉ ngồi đó, ngắm nhìn mãi ô kính đang bốc hơi, chỉ còn những vệt loang trên bề mặt, như những dấu vết hay tàn tích của một lịch sử đã diễn ra.

Kết thúc chuyến thủy trình, khép lại dự án, đón chúng tôi trở về là một cảnh hoàng hôn rực rỡ với mặt trời đỏ rực, bầu trời rộng lớn chứa chan xanh ngắt rồi lấm tấm đổ sang những gam màu cam, hồng, tím; chân trời trải dài với làn cầu và ánh đèn đường ở phía xa xôi – biểu tượng cho đời sống phố thị tấp nập dường như chẳng thuộc về thế giới này. Thuyền chậm rãi lướt đi trên dòng sông Hồng, dịch chuyển một cách êm ái từ tiên cảnh về với thế giới thực. Dù như kẻ đói khát vừa tham dự một tiệc buffet linh đình, dù hơi ngây ngất trong trạng thái bội thực tinh thần, tôi vẫn rạo rực hứng khởi và nhắc lại cho bản thân để có thể viết xuống những dòng này, đánh dấu ngày một điều đẹp đẽ đã xảy đến và thấm đẫm sự sống ở bên trong mình.

Huyền M. Hoàng là một người yêu nghệ thuật hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.