#Địađiểm:

Rạp chiếu bóng Ô Cách, Á Space, Ngõ 59 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội

#Thờigian:

08.04.2023 – 16.04.2023

#Cách thức đăng ký:
– Để giảm tải công tác hậu cần, Tuần lễ lần này sẽ không mở cổng đăng ký online.
– Các bạn hãy đăng ký TẠI ĐÂY, có mặt tại rạp sớm để ổn định chỗ ngồi. Rạp chỉ có một số lượng ghế nhất định cho mỗi suất chiếu mà thôi. Xin bật mí, mỗi suất chiếu sẽ có nhiều hơn 9 ghế (một chút) cho Liên hoan lần này.
– Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ hotline của rạp (0936851457 – Hồng Anh) hoặc nhắn tin cho Facebook và Instagram của Á để được giải đáp nhé.
 
#Lời cảm ơn:
Á Space xin gửi lời cảm ơn nồng ấm và sâu sắc nhất cho các bạn, các anh chị đã hưởng ứng lời mời và toàn bộ nghệ sĩ đã rộng lượng đồng ý chiếu các tác phẩm của mình tại Rạp chiếu bóng Ô Cách.
 
Đồng thời, Á cũng xin cảm ơn các bạn Lê Xuân Tiến, Châu Hoàng, Nguyễn Trần Nam, Ga Mộc và Hiệu sách Hộp đã đồng hành cùng tuần lễ này, cách này hay cách khác.
#Chương_trình
 
Á Space và Rạp chiếu bóng Ô Cách trân trọng gửi lời mời các bạn tới với:
 
Tuần lễ hình ảnh động mini
TƯƠNG TƯƠNG NGỘ NGỘ CÁ KHO TỘ
NGỘ NGỘ TƯƠNG TƯƠNG ĐẬU KHO TƯƠNG
 
Nhân dịp rạp chiếu bóng Ô Cách khai trương cùng bộ phim Tương Ngộ, để kỷ niệm và mở ra những khả năng ‘tương ngộ’ khác, cũng như tiếp nối mối quan tâm chung về phim, video và hình ảnh động, Á gửi lời mời tới những người bạn mình: Nguyễn Hồng Quân, Quỳnh Chi, Đan Nguyễn, Nguyễn Vũ Trụ, Phạm Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thuỷ Tiên, Hà Lan, Linh Lê, Vũ Đức Toàn, Síu Phạm, Đỗ Văn Hoàng, a blur cinema, Hoa Quỳnh Cinema. Kết quả nhận được hơn cả mong đợi: một tuần lễ hình ảnh động.
Mỗi người bạn của chúng tôi đem tới một nhãn quan, một mối bận tâm, một cuộc gặp gỡ giữa đời sống và phim ảnh. Người thì khoanh vùng một thể loại mang tính khảo sát, người giới thiệu các tác phẩm của những người bạn hay một tập thể mình yêu quý, người chỉ mong được chia sẻ những gì mới làm gần đây, người lại muốn chất vấn khung khổ của một rạp chiếu bóng. Tương tương ngộ ngộ cá kho tộ, ngộ ngộ tương tương đậu kho tương? Tuần lễ này chỉ muốn trước nhất là một lời hỏi thăm, sau cũng muốn nhận ra một hình dung về nhau qua màn ảnh.
 
Trong tuần lễ này sẽ có hợp, nhưng trong hợp thì có tan. Tuần lễ hình ảnh động mini Tương tương ngộ ngộ cá kho tộ, ngộ ngộ tương tương đậu kho tương cũng sẽ là lời tạm biệt tới rạp chiếu bóng Ô Cách, bởi rạp sẽ biến mất sau ngày cuối cùng tuần lễ hình ảnh động.

CHƯƠNG TRÌNH CHIẾU:

Đọc thêm về buổi chiếu

THẨM MỸ HANDICAM: Buổi chiếu của Quỳnh Chi

Giới thiệu các tác phẩm của Maya Deren, Charles Henri Ford, Haile Gerima, Jonas Mekas, Carrie Mae Weems

Nhắc đến phim thể nghiệm, không thể bỏ qua thể loại ‘handicam’ đặc sắc—đây kỹ thuật khởi nguồn của phim avant-garde Mỹ. ‘Handicam’ là một phương tiện có tính tức thời, cá nhân và gần gũi; nhưng những ứng dụng đời đầu của thiết bị này đã tạo nên những thước phim vượt không-thời gian. Chuỗi 6 phim thể nghiệm ‘handicam’ giới thiệu tới người xem những thực hành mang tính lý thuyết, soi xét thao tác sử dụng máy quay phim cầm tay như một công cụ níu kéo ký ức, liên đới tinh thần với hiện thực.

Đọc thêm về buổi chiếu

NGOÀI KIA VÀ TRÊN MẠNG: Buổi chiếu của Nguyễn Vũ Trụ và Dan Nguyễn

Chùm video của Nguyễn Vũ Trụ và Đan Nguyễn 

Out There: Chuỗi video tài liệu / phóng sự của Dan về văn hoá Trượt ván địa phương (local Skate Scene). Up There: Chuỗi giấc mơ của Nguyễn Vũ Trụ kính mời khán giả du hành sâu vào tiềm thức của một nghệ sĩ Việt Nam được sinh ra vào thời kỳ internet.

Tuổi trẻ là thời gian cho những đam mê và hy vọng được đơm hoa. Tuổi trẻ chính là thời điểm phù hợp cho những khám phá mới, sự nổi loạn và các hành động táo bạo. Tuổi trẻ cũng là thời gian để những nghi ngờ và âu lo đang chờ được giải quyết.

Dan, một skate filmer và Vũ Trụ, một nghệ sĩ thử nghiệm có thể khác nhau về phương pháp quay hình trong những thực hành riêng của họ. Nhưng họ đều mang một đặc điểm chung trong việc miêu tả và xây dựng thế giới quan qua lăng kính của tuổi trẻ.

Cho dù đó là những tương tác của các bạn skater trong cuộc sống hằng ngày đi trượt trong hay những ưu tư trừu tượng thơ thẩn của một người nghệ sĩ trẻ trên Instagram. Chúng mình hy vọng khán giả sẽ có một góc nhìn mới về những gì mà các bạn trẻ đang thấy và quan tâm tới trong những năm gần đây.

Đọc thêm về buổi chiếu

CÓ NHỮNG CÁI HOÀN CẢNH LÀM MÌNH QUÊN CÁI TOÀN CẢNH: Buổi chiếu của Vũ Đức Toàn 

Giới thiệu các tác phẩm của Sapphire Hồng Sen, Quỳnh Đông, Nguyễn Văn Thuỷ, Phụ Lục, 500 anh em IN:ACT 2022 Bến Ngọc Thuỵ, Vũ Đức Toàn

Tập hợp một số video thuộc tư liệu trình diễn của vài nghệ sĩ hoặc video cấu thành nằm trong một vài dự án nghệ thuật đã từng công bố hoặc chưa từng công bố.

Đọc thêm về buổi chiếu

THỰC/THƠ – CHÙM PHIM TÀI LIỆU NGẮN VIỆT NAM: Buổi chiếu của Hà Lan 

Giới thiệu các tác phẩm của Phạm Thị Hảo, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Duy Anh, Linh San, Đỗ Hà Lan

Có phải thực tại chỉ có một?

Hay ở trong thực tại chung lại có những thế giới riêng? Chúng song hành và trái ngược nhau như thế nào?

Ta sống cùng nhau trong thực tại chung, quy định bởi những quy tắc xã hội, lề thói cố hữu. Nhưng phim tài liệu lại có khả năng kì diệu – dẫn dắt người xem tới vô vàn không gian riêng, nơi mà ta được chiêm ngưỡng hiện thực qua lăng kính cá nhân và đậm chất thơ của người nghệ sĩ. Trên màn ảnh, ranh giới giữa điều gì là “thực” và điều gì là “thơ” mờ đi, hòa quyện và chồng lớp.

Thực/Thơ – Chùm phim tài liệu ngắn Việt Nam là một lời mời, mở ra lối vào những mảnh hiện thực muôn màu muôn vẻ – qua hơn 10 tác phẩm của 6 nhà làm phim Việt đầy tài năng. Với chủ đề của 2 buổi chiếu lần lượt là Tôi – Người, chùm phim đi từ thế giới nội tâm, mở rộng ra ngoài tới những ngoại cảnh rộng lớn, nhưng vẫn không hề mất đi góc nhìn độc đáo, gần gũi của người tác giả.

Đọc thêm về buổi chiếu

ALMOST PERSONAL (SOME SHORT, THEN VERY SHORT CHAPTERS) – Phim và video các bạn trường Städelschule: Buổi chiếu của Nguyễn Thuỷ Tiên

Giới thiệu các tác phẩm của Dudu Quintanilha, Kim Hee Jae, Alicja Wysocka, Wei Yang, Gasper Kunsic, Juliet Carpenter, Valentin Noujaim, Vera Varlamova, Nooshin Askari, Amalie Lorentzen

Lần chiếu đầu tiên của Almost Personal (some short, then very short chapters) có tên No Deckel (Không mái nhà), chiếu tại một quán bar nhỏ thân quen vắng khách tại Frankfurt, là một chuỗi phim siêu ngắn đầu tay mà các bạn mình xấu hổ ít chiếu hoặc chẳng chiếu bao giờ. Almost Personal (some short, then very short chapters) là phiên bản lớn lên chút nữa của No Deckel, gồm phim của 10 bạn nghệ sĩ mà mình rất yêu quý và mến thương. Phim của các bạn với mình đều có những mảnh rất riêng tư, những cách thể hiện rất riêng biệt và có lúc lại rất xa lạ. Chùm phim này có những phim rất đầu tay, và có nhiều phim mình xem ở triển lãm tốt nghiệp của các bạn. Mong rằng buổi chiều cũng gửi lại cho mọi người chút gần như mơ hồ, gần như rõ rệt như cách mình yêu quý các bạn mình.

Đọc thêm về buổi chiếu

TUYỂN TẬP PHIM NGẮN CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC SÂN KHẤU ĐIỆN ẢNH HÀ NỘI: Buổi chiếu của Nguyễn Hồng Quân

Giới thiệu các tác phẩm của Nguyễn Phạm Thành Đạt, Trần Thị Hà Trang, Phạm Quang Linh, Trần Hoàng Hà, Đào Thu Uyên

Một chùm năm phim ngắn của các bạn sinh viên đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội được sản xuất trong khoảng 4 năm gần đây (2019-2023).

Đọc thêm về buổi chiếu

HÀ NỘI COMPILATION – 35: Buổi chiếu của a blur cinema 

Giới thiệu bộ phim đầu tay của a blur cinema

Trời thẻ thơ rồi đã mất, sao vẫn còn quay nhìn lại.

Đọc thêm về buổi chiếu

CHUỖI VIDEO CLIP CA NHẠC VIỆT NAM ĐẶC SẮC GIAI ĐOẠN CUỐI 90 ĐẦU 2000 ĐƯỢC TUYỂN CHỌN BỞI VJ VUDIEUNONGSAY (HOA QUỲNH CINEMA)

Set 1: Tầng Hoa Tầng Nụ / “Những ca khúc thiếu nhi từ đội ca múa nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh”

Rắc rối – Diễm Quyên / Vì bé ngoan – Anh Tuấn / Ông trăng ơi – Xuân An / Em tập đàn – Tốp Ca / Bố là tất cả – Duy Uyên / Chiếc đồng hồ – Tóc Tiên / Đừng quấy rầy tôi – Tốp ca / Khúc nhạc vui – Nhóm Mắt Ngọc

Set 2: Trái Thơm Tình Yêu – Cỗ Máy Tình Yêu – V-pop Y2K

Vô Tình – nhóm Mắt Ngọc / Giận hờn – Minh Thuận /  Ai Ai Ai – Mây Trắng / Sài gòn cô tiên năm 2000 – Phương Thanh, Hoàng Kim, Tam ca Áo Trắng / Trái thơm tình yêu / Cỗ máy tình yêu – Mắt Ngọc / Thế giới trò chơi – NTV Virus / Ngày gió và cánh diều – Trio666

Đọc thêm về buổi chiếu

MUỖI ẤY MÀ!: Buổi chiếu của Linh Lê
Giới thiệu các tác phẩm của Trương Công Tùng, Lê Hoàng Phương Linh, VTV2, Chaindrite, Kênh Thiếu Nhi – BH Media

Dù có kích thước cơ thể cũng như não bộ khiêm tốn hơn hẳn so với các loài động vật khác, côn trùng vẫn luôn bị xem là một mối nguy hại đe doạ đến đời sống của các cư dân khác trong đó có con người. Chúng trở thành một nỗi sợ được gọi tên — entomophobia hay là cảm giác bất an khi người ta mỗi khi nhìn thấy hay nghĩ đến. Người ta luôn phát minh ra những công nghệ mới để tiêu diệt hoặc né tránh côn trùng. Nhiều loại côn trùng còn được dùng như những ẩn dụ mà đa phần mang hàm ý tiêu cực, miệt thị như muỗi – vặt vãnh, ruồi bu – nhảm nhí, hay ong, bướm – kẻ chơi bời, ve vãn phụ nữ.

Chùm phim ‘Muối ấy mà!’ là một nỗ lực thô sơ muốn tái hiện một đoạn thời gian trong lịch chiếu của chương trình truyền hình khi nội dung xoay quanh côn trùng.

Đọc thêm về buổi chiếu

MÊ CUNG VÀ CÕI TIÊN: Buổi chiếu của Đỗ Văn Hoàng và Síu Phạm 

Giới thiệu các tác phẩm của Síu Phạm, Jean-Luc Mello, Đỗ Văn Hoàng, Nguyễn Phương Linh

Những người nghệ sĩ, bỗng một ngày, thấy bản lề thời gian xệ xuống, họ bước vào, đi mãi, đi mãi, không cùng đích, chợt nhận ra đây là mê cung và giống hệt những gì thần Nghệ đã từng hứa hẹn về cõi tiên.

Cõi tiên này không sung sướng, ngàn vất vả, chỉ là những hứa hẹn một bồng lai nào khác còn xa xôi mà những khúc rẽ chỉ lại mở ra một sự mênh mông khôn cùng, lại hệt như trò chơi mê cung của những ngày thơ ấu mà phần thường là hạnh phúc cuối con đường-thoát.

Ở ngưỡng cửa của sự ngộ, những người nghệ sĩ ấy, muốn quay lại điểm ban đầu để tìm lại cánh cửa đã xệ bản lề của thời gian.

Hạnh phúc đã thoát rồi.

Những bộ phim không phân biệt thể loại, tài liệu, hình ảnh động hay hư cấu, chúng đã thông sang nhau như cõi tiên đã thông vào mê cùng. Ai biết được đây có phải là một bộ phim hay không.

Đọc thêm về buổi chiếu

Chuỗi phim hoạt hình đến từ Liên Xô/Nga của Yuri Norstein và Francheska Yarbusova: Buổi chiếu (phát sinh) của Lê Xuân Tiến

Đáng lẽ ra sẽ chỉ có 10 buổi chiếu diễn ra trong Tuần lễ hình ảnh động mini: Tương tương ngộ ngộ cá kho tộ, ngộ ngộ tương tương đậu kho tương. Thế nhưng vào ngày thứ hai của tuần lễ, Lê Xuân Tiến quyết định tổ chức thêm một buổi chiếu phát sinh trong tuần lễ này (gọi là buổi 11*),  mời bạn bè gần xa cùng đến và thưởng thức chuỗi phim hoạt hình của hai vợ chồng người Liên Xô/Nga: đạo diễn Yuri Norstein và chỉ đạo nghệ thuật Francheska Yarbusova.